Biên phòng – Thực trạng người Việt Nam đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài không phải vấn đề mới. Ở một số tỉnh biên giới, với các kịch bản lừa đảo hết sức tinh vi, nhiều công dân đã bị lôi kéo, lừa đảo xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm việc rồi bị cưỡng bức lao động. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhận thức hạn chế của các nạn nhân trước phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, trong khi hoạt động môi giới, đưa người qua biên giới trái phép ngày càng diễn biến phức tạp, hình thành những ổ nhóm, đường dây tội phạm hai bên biên giới.
Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời tổ chức xét xử lưu động, tuyên án phạt 2 năm tù giam đối với bị cáo Phạm Văn Nghệ về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Ảnh: Lương Văn Bình
Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới biển, nhất là tội phạm môi giới lao động bất hợp pháp ở nước ngoài; nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; không xuất, nhập cảnh trái phép; không tiếp tay cho các hoạt động di cư, xuất, nhập cảnh trái phép; thời gian qua, BĐBP Cà Mau đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, BĐBP Cà Mau đã chủ động đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền như: Trình chiếu video, cấp phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, cung cấp thông tin để người dân nhận diện được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là những rủi ro về pháp lý liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, vận động nhân dân tích cực tố giác tội phạm để lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Nhằm kiểm soát và kiềm chế tình trạng môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện xuất, nhập bến, hoạt động trên biển, trong đó tập trung tại các cửa biển trọng điểm như Sông Đốc, Rạch Gốc, Khánh Hội; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trong các buổi họp dân tại các xã, thị trấn ven biển; phát huy vai trò của đảng viên đồn Biên phòng trong sinh hoạt chi bộ ấp, khóm ven biển và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Thượng tá Phan Xuân Huyền, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Cà Mau cho biết: Hiện nay, các đối tượng phạm tội thành lập các nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook để tìm kiếm, liên lạc với người có nhu cầu xuất, nhập cảnh trái phép. Các đối tượng thường sử dụng phương thức, thủ đoạn phổ biến như: Đưa ra lời mời “việc nhẹ, lương cao” để đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, ham muốn có được việc làm đem lại thu nhập cao, từ đó rủ rê, lôi kéo nạn nhân thực hiện hành vi bất hợp pháp.
Tại địa bàn Đồn Biên phòng Sông Đốc, số lượng phương tiện nghề cá đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tội phạm môi giới lao động bất hợp pháp sang nước ngoài. Trước tình hình trên, đơn vị đã siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào trạm kiểm soát, tăng cường tuyên truyền, phát tờ rơi cho nhân dân và phát loa tuyên truyền qua mô hình “Tiếng loa Biên phòng”.
Thiếu tá Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Đốc chia sẻ: “Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho tất cả các hộ gia đình ký cam kết tự nguyện đấu tranh phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, đấu tranh tố giác các loại tội phạm. Sau khi ký cam kết, ý thức về vai trò, trách nhiệm của người dân được nâng lên. Bà con dần ý thức được việc đi lao động “chui” ở nước ngoài sẽ gặp nhiều hệ lụy xấu và vô cùng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng”.
Ông Võ Quốc Thống, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, cán bộ Biên phòng đã cùng với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tại địa bàn không tham gia, tổ chức môi giới xuất, nhập cảnh trái phép nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển. Từ đó, bà con đã nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm các quy định. Đến nay, địa bàn thị trấn gần như không có ai xuất, nhập cảnh trái phép và tiếp tay cho hoạt động này”.
Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP tỉnh chia sẻ: Dự báo, trong thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, BĐBP tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật. Phát động phong trào quần chúng nhân dân tích cực tố giác tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá các đường dây tổ chức, môi giới, đưa đón người khác xuất, nhập cảnh trái phép.
Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, các đơn vị thuộc BĐBP Cà Mau đã và đang áp dụng nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả để người dân nhận thức đúng về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới biển, nhất là tội phạm môi giới lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Lương Văn Bình