Hà NộiCả nước ghi nhận hơn 260.000 người nghiện, độ tuổi 18 – 35, trong đó có hàng nghìn công nhân hoặc từng làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin tại tọa đàm ngăn chặn ma túy để bảo vệ công nhân, ngày 27/6. Cơ quan này chưa công bố số liệu cụ thể, song theo ông Hiểu, phần lớn công nhân di cư từ vùng núi, nông thôn đến nhà máy, xí nghiệp ở thành phố lớn nên có nhiều lý do tìm đến ma túy. Công việc căng thẳng, buồn chán, thu nhập thấp, mất việc làm khiến nguy cơ công nhân dính vào ma túy, phạm tội tăng cao.
“Tội phạm ma túy là tội phạm gốc của các loại tội phạm. Từ ma túy có thể dẫn tới nhiều hệ lụy, hành vi như trộm cướp, thậm chí giết người”, ông Hiểu nói, nhấn mạnh ngăn chặn được ma túy sẽ giảm thiểu nhiều mối nguy về an ninh trật tự.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội thảo ngày 27/6. Ảnh: Minh Khôi
Nghiện 10 năm và đã cai thành công 7 năm, anh Mai Thế Bắc, 45 tuổi, công nhân nhà máy sản xuất nhựa ở Thanh Hóa kể anh từng bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy khi làm công nhân xây dựng. “Những năm đầu mua còn rẻ, 30.000 đồng rồi lên 50.000 đồng một gói. Nhưng làm bao nhiêu tiền đổ vào mua ma túy bấy nhiêu. Ban đầu hút thấy tỉnh táo nhưng được nửa ngày lại lên cơn vật vã”, anh hồi tưởng.
Bạn bè biết anh nghiện nên lánh mặt. Nhiều hôm về nhà thấy mẹ già 90 tuổi ngồi trước bậu cửa trông ra, vợ làm công nhân chạy ăn từng bữa, không có tiền cho con đi học, anh Bắc cảm thấy tội lỗi. “Tôi từng nghĩ đến cái chết. Nhưng thấy nhiều người bệnh hiểm nghèo còn tìm cách chữa chạy nên tôi quyết tâm cai nghiện”, anh kể lại.
Những ngày vật vã cai, anh dặn vợ khóa trái cổng nhốt mình trong nhà. Người nghiện vốn sợ nước, nhưng anh vẫn tắm 5-6 lần mỗi ngày và tập trung làm một số việc trong nhà để “cắt cơn”. Cai xong, anh tìm cách “vượt qua rào cản dư luận”, đi xin việc tại một nhà máy nhựa trên địa bàn. Hiện giờ anh lấy công việc, gia đình làm động lực dù rằng vẫn có “lời ra tiếng vào về quá khứ nghiện ngập”.
Anh Mai Văn Bắc, công nhân từng nghiện ma túy và đã cai thành công, chia sẻ tại tọa đàm ngày 27/6. Ảnh: Hồng Chiêu
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Thanh Hóa, cho biết toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp và chế xuất, thu hút gần 100.000 lao động làm việc. Để phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội trong công nhân, toàn khu công nghiệp duy trì hơn 80 tổ an ninh công nhân. Các tổ này là cánh tay nối dài của lực lượng công an trong nắm bắt thông tin, phòng ngừa việc lôi kéo công nhân dính vào ma túy, phạm pháp.
Ông Thế Anh kiến nghị Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C04), Bộ Công an xây dựng các bài giảng ngắn gọn về phòng chống ma túy hoặc tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn đi thực tế, gặp gỡ những trường hợp bỏ được ma túy để tuyên truyền cho công nhân.
Đại tá Hoàng Quốc Việt, Cục phó C04, cho hay thời gian qua lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại ma túy mới dưới dạng bánh kẹo, thực phẩm, thuốc lá điện tử. Ông khuyến cáo công nhân “không thử dù chỉ một lần”, đồng thời nên cập nhật thông tin các loại ma túy qua tài liệu hướng dẫn của công an cơ sở, cán bộ công đoàn để phòng tránh.
Năm 2022, công an cả nước phát hiện gần 24.000 vụ và bắt giữ hơn 36.000 đối tượng phạm tội ma túy; khởi tố mới gần 23.000 vụ với 31.000 bị̣ can; bắt 363 đối tượng truy nã về ma túy. Bốn cung đường trọng điểm về ma túy là Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung – Tây Nguyên, Tây Nam diễn biến phức tạp, đặc biệt gia tăng trên tuyến Tây Nam.
Hồng Chiêu