Tăng mức trợ cấp với cán bộ xã già yếu
Ngày 1/8, Bộ Nội vụ đã ban hành thông tư 11/2023/TT-BNV hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng cho cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc. Theo đó, từ ngày 1/7, cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc được hưởng mức trợ cấp mới.
Những người nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã hưởng mức trợ cấp 3 triệu đồng/tháng/người. Các chức danh còn lại là 2,817 triệu đồng/tháng/người.
Từ ngày 15/9, thông tư thông tư 11/2023/TT-BNV có hiệu lực. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức thực hiện việc chi trả trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng trên theo mức trợ cấp mới.
Người về hưu phấn khởi khi nhận được mức trợ cấp mới (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH)
Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6 của Chính phủ quy định về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng có hiệu lực từ ngày 14/8. Nghị định áp dụng cho hầu hết cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động có tham gia BHXH.
Theo Nghị định trên, từ ngày 1/7, tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8%.
Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng quy định đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.
Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng quy định chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.
Sau khi điều chỉnh như trên mà mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Tăng lương cơ sở
Từ ngày 1/7, Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực, chính thức áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng thay thế cho mức lương 1,49 triệu đồng/tháng.
Mức lương cơ sở này dùng làm căn cứ để tính mức lương, phụ cấp và các chế độ khác của 9 nhóm lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Do đó, khi áp dụng mức lương cơ sở mới, thu nhập của 9 nhóm lao động này tăng khá cao (hơn 20%).
Ngoài ra, mức lương cơ sở cũng dùng để tính nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp BHXH, bảo hiểm y tế dành cho tất cả người lao động, như: Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau; trợ cấp 1 lần khi sinh con; trợ cấp dưỡng sức sau thai sản; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng; trợ cấp khi bị tai nạn lao động… Do đó, khi áp dụng mức lương cơ sở mới, tất cả người lao động đều hưởng lợi.
Hầu hết người lao động được hưởng lợi khi tăng mức lương cơ sở (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).
Quy định mới về tinh giản biên chế
Ngày 3/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7. Nghị định bổ sung nhiều chính sách ưu đãi dành cho cán bộ dôi dư thuộc diện tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, những người có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu thì được cho phép nghỉ hưu trước tuổi kèm theo các ưu đãi (tùy theo đối tượng) như: Nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu; trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác; trợ cấp 3 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi…
Người không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau: Trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc.
Người dưới 45 tuổi có nguyện vọng thôi việc thì được tạo điều kiện cho đi học nghề, được hưởng các chế độ sau: Hưởng nguyên tiền lương và được đóng các loại bảo hiểm trong thời gian đi học nghề (tối đa là 6 tháng); được trợ cấp chi phí cho khóa học nghề (tối đa là 6 tháng mức lương hiện hưởng); được trợ cấp 3 tháng tiền lương để tìm việc làm; được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng BHXH…
Cán bộ thuộc diện tinh giản biên chế được hưởng nhiều ưu đãi khi nghỉ việc (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).
Bổ sung bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội
Ngày 9/2, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT, bổ sung bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.
Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1/4/2023, tức là thời điểm này, bệnh Covid-19 nghề nghiệp chính thức trở thành 1 trong 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp BHXH.
Chế độ này dành cho những người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 như người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2.
Những người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cũng thuộc nhóm đối tượng được xét hưởng chế độ này.