Biên phòng – Vì sao những gia đình ở A Râng đều thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn đủ sức nuôi sinh viên đại học ở thành phố? Những câu chuyện về các bậc cha mẹ đầu tắt mặt tối trên nương, quanh năm chỉ ăn sắn, ăn ngô, nhưng không để con thiếu chữ, rồi lớp trước ra trường, gác lại nhu cầu cá nhân để “nuôi” lớp sau tới trường đã giúp chúng tôi có câu trả lời cho thắc mắc của mình.
Bài 2: Nghèo khó không cản được bước chân người A Râng đến trường
Trái ngọt trên đất cằn sỏi đá
Ăn sắn, ngô ngày này qua tháng khác, không ngại vượt rừng để đi học, có thể kể đến các cá nhân điển hình, như: Ông Bríu Liếc (nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang), Đại tá Zrâm Tê (nguyên Trưởng công an huyện Hiên, nay là huyện Tây Giang)… Những người đương chức như: Bà Briu Thị Nem (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang), ông Zrâm Buôn (Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang) và nhiều người là hiệu trưởng các trường học ở huyện Tây Giang. Đây là những tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó. Trưởng thành từ vùng đất khó khăn bậc nhất, vậy nên, những cán bộ như ông Bríu Liếc, Zrâm Tê hay Zrâm Buôn… luôn biết người dân cần gì và những gì tốt, phù hợp với địa phương mình. Với tinh thần làm việc ấy, cùng với tâm huyết cống hiến cho quê hương, những con người này đã tạo nên những dấu ấn trong quá trình công tác để rồi ngay cả khi đã về hưu, người ta vẫn nhắc đến với tất cả sự kính trọng.
Một góc bản A Râng – điểm sáng về tri thức ở vùng biên A Xan. Ảnh: Trúc Hà
Theo biên niên sử xã A Xan, từ năm 1958 tới nay, thôn A Râng đã có 35 người giữ các chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước. Với con số này, A Râng cũng là địa phương đã “đóng góp” nhiều cán bộ nhất cho huyện Tây Giang. Chúng tôi đặt câu hỏi, bằng cách nào, người Cơ Tu ở A Râng hoàn thành được giấc mơ con chữ khi khó khăn bốn phía bủa vây, khi mà nhiều năm liền, A Râng vẫn là thôn nghèo. Người ta bảo, cái nghèo, cái đói, cái khó “bó” cái khôn, thế nhưng ở A Râng, câu nói này không đúng. Theo Thiếu tá Zrâm Bên – Phó Bí thư Đảng ủy xã A Xan, bản thân anh sinh ra và lớn lên ở thôn A Râng, ngay từ nhỏ, cha mẹ đã nhắc nhở anh việc phải chăm chỉ học hành. Không chỉ nhà anh, mà các nhà khác trong thôn cũng vậy. Vô hình trung, những đứa trẻ cũng tự định hình cho mình một tinh thần nỗ lực học tập, để sau này có thể đi học xa hơn, học cao hơn như các chú, các anh. Cứ thế, việc học trở thành phong trào ở A Râng. Nhà bên có con đi học thì nhà mình con cái không thể ở nhà.
Cũng theo Thiếu tá Zrâm Bên, Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên về giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số. Khi đi học, đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chế độ miễn, giảm học phí. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chi phí, như: ăn uống, đi lại, tiền trọ, tiền giáo trình…, trong khi gia đình người Cơ Tu ở A Râng đều thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ở A Râng luôn quan tâm đến việc học của con. Thu nhập chỉ phụ thuộc vào ruộng lúa, nương ngô, thế nhưng, những bậc cha mẹ sẵn sàng vay tiền ngân hàng để con mình có thể hoàn thành giấc mơ đại học.
Trên hành trình chinh phục tri thức
Thiếu tá Trần Ting Hiệp (Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ga Ry) bảo rằng, người Cơ Tu tuy nghèo khó, nhưng luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Thường người anh, chị đầu đi học, tốt nghiệp có công ăn việc làm sẽ có trách nhiệm nuôi các em. Thiếu tá Trần Ting Hiệp là con trưởng trong một gia đình có 4 anh em. Năm 2010, anh tốt nghiệp Học viện Biên phòng, nhận công tác tại Đồn Biên phòng Đắc Pring (BĐBP Quảng Nam). Khi ấy, lương Thiếu úy của Trần Ting Hiệp chỉ 9 triệu đồng. Thanh niên biết bao nhiêu thứ cần mua sắm, thế nhưng, anh dùng lương của mình để nuôi 3 em ăn học. Năm 2011, Thiếu úy Trần Ting Hiệp kết hôn với một cô giáo cũng là người Cơ Tu ở thị trấn Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Thật trân quý khi cô giáo ấy đã “góp lương” của mình để nuôi em chồng học đại học. Đến nay, 3 người em của Thiếu tá Trần Ting Hiệp đều đã tốt nghiệp đại học và đi làm.
Thiếu tá Zrâm Bên – người con ưu tú của thôn A Râng. Ảnh: Trúc Hà
Ở Trung tâm y tế huyện Tây Giang, rất nhiều người nể bác sĩ Bling Chung không chỉ vì chuyên môn giỏi, mà còn bởi dù còn trẻ nhưng đã thay cha mẹ nuôi các em của mình thành tài. Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ làm nông ở thôn A Râng, thế nên phải cố gắng lắm Bling Chung mới tốt nghiệp được Đại học Y. Với đồng lương của mình, bác sĩ Bling Chung nuôi em trai Bling Châu học Học viện Hành chính Quốc gia. Rồi hai anh em lại nuôi em thứ 3 là Bling Ra Đô học Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng. Tiếp đó, 3 anh em lại cùng nhau nuôi em gái Bling Thị Duy học Đại học Nội vụ. Trong thời gian ấy, mấy anh em cũng không quên động viên và đầu tư cho em trai út là Bling Diêm học trung học phổ thông thật tốt. Và không phụ công mọi người, năm vừa rồi, Bling Diêm thi đỗ vào Đại học An ninh nhân dân.
Thực ra, không phải cho đến tận bây giờ, người A Râng mới có truyền thống cưu mang nhau, dìu dắt nhau học hành như thế. Nhà của ông Zrâm Tê cũng là nơi ăn ở của 5 người con của anh trai. Ngày ấy, để đi từ thôn A Râng xuống trung tâm huyện Hiên mất 2-3 ngày đi bộ đường rừng, tùy vào thời tiết. Nếu không có nhà người thân thì học sinh phải dựng lều ở ngoài bìa rừng lấy chỗ ăn ở, sinh hoạt. Những chiếc lều lợp tranh, vách nứa hoặc quây bạt quá sức chịu đựng của những cơn mưa rừng hay mùa đông buốt giá khiến nhiều học sinh không trụ nổi, phải quay lại với buôn làng. Nhờ có chú Zrâm Tê mà cậu học trò Zrâm Buôn, Zrâm Bên, Zrâm Biêng, Zrâm Bây lần lượt thi đỗ và tốt nghiệp các trường Đại học Nông lâm, Học viện Biên phòng, Đại học Luật và Đại học An ninh nhân dân, trở thành Phó Bí thư Huyện ủy Tây Giang, sĩ quan Biên phòng, cán bộ tư pháp xã A Can và Phó Trưởng công an xã A Xan.
Thơm thảo hơn là có những người dù không phải là họ hàng, ruột thịt cũng sẵn sàng cưu mang, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học sinh đi học. Dù đã mất từ lâu, nhưng ông Hải Văn Dừa (tên thật là Alăng Zuôh) vẫn được nhiều người ở A Râng nhắc đến với tất cả sự kính trọng, biết ơn. Ông Dừa là người đầu tiên ở thôn A Râng vượt Trường Sơn ra Bắc học tập và quay trở lại phục vụ quê hương. Khi đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng Thống kê huyện Hiên, ông đã cưu mang rất nhiều học sinh ở A Xan nói chung và A Râng nói riêng bằng việc cho ở nhờ và hỗ trợ ăn uống một phần. Nhờ đó mà hành trình chinh phục tri thức của nhiều học sinh ở A Râng bước từ đỉnh cao này sang đỉnh cao khác để trở thành tấm gương về tinh thần học tập giữa đại ngàn Trường Sơn thăm thẳm.
Thực tế, không ít sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, phải làm người giao hàng, công nhân, thế nhưng, các bạn trẻ ở A Râng không vì thế mà nản lòng, vẫn tiếp tục thi vào các trường đại học. Những năm qua, A Râng chỉ có sinh viên đại học, không có sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp. Với người A Râng, học đại học là bước đệm vào đời và tô thắm thêm truyền thống hiếu học của cha ông.
Trúc Hà