Dựng “phên dậu xanh” nơi miền biên viễn

0
76
Dựng “phên dậu xanh” nơi miền biên viễn

Bài 2: Gắn bó máu thịt với nhân dân

Dựng “phên dậu xanh” nơi miền biên viễn
Cán bộ BĐBP hướng dẫn vợ chồng anh Già Mí Pó chăm sóc cây lê. Ảnh: Phương Vy

Nhiều cách làm hay trong giúp dân thoát nghèo

Ở 2 xã biên giới Xín Cái và Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt. Nơi đây mùa Đông kéo dài đến 7-8 tháng/năm, đất đai khô cằn. Lấy chăn nuôi, trồng ngô và rau củ quả làm kế sinh nhai nên cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng biên viễn này gặp nhiều khó khăn. Điển hình như ở thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng, có 42 hộ người Mông thì đã có tới 25 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo.

Anh Già Mí Pó và vợ là Sùng Thị Má, năm nay cùng 30 tuổi, có 3 đứa con, không có thu nhập gì thêm ngoài làm ruộng nên cuộc sống gia đình vì thế rất khó khăn. “Nhà có hơn 1ha nương rẫy, nhưng đất đai khô cằn, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, thu được khoảng 500kg ngô hạt, chưa đủ nuôi gia súc” – anh Già Mí Pó nói.

Chia sẻ với khó khăn của gia đình anh Pó, năm 2018, Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang đã hỗ trợ vợ chồng anh 2 con lợn, 1 con bò giống và 30 triệu đồng cùng hàng trăm công lao động để xây nhà. Tháng 8/2022, đơn vị còn hỗ trợ gia đình anh hơn 200 cây lê giống. Nhờ chịu khó lại mát tay nên từ số con giống do BĐBP hỗ trợ, đến nay, gia đình anh Pó đã có thêm 3 con bò và một đàn lợn con cùng vô số ngan, gà. Vườn lê nhà anh nay cũng đã xanh mướt và đang cho lứa quả đầu tiên.

Gia đình anh Già Mí Pó là một trong hàng trăm hộ đồng bào dân tộc ít người trên biên giới được BĐBP Hà Giang hỗ trợ, giúp đỡ nhằm ổn định đời sống. “Nếu việc trồng cây lê của anh Pó thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng ra nhiều gia đình trong các thôn để giúp người dân bớt khó khăn” -Trung tá Tạ Tấn Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái chia sẻ.

Khu vực biên giới tỉnh Hà Giang có địa hình phức tạp, chia cắt, nhiều núi cao, khe sâu, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí còn hạn chế nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Nhằm góp phần chia sẻ với những khó khăn của bà con, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã chỉ đạo các đồn, đơn vị Biên phòng trong tỉnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cùng với đó là phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị giúp dân cải tạo vườn tạp; mở rộng diện tích trồng lúa, trồng rừng, nuôi dê, bò, lợn. Bằng tấm lòng, trách nhiệm và trái tim người lính, BĐBP Hà Giang đã cùng chính quyền địa phương tạo kế sinh nhai, giúp cho 474 hộ giảm nghèo; sửa chữa, làm mới hàng trăm căn nhà cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, các đồn, đơn vị BĐBP Hà Giang đã giúp dân trên 2.500 ngày công. Cùng với đó là phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa làm mới 168 căn nhà, tặng trên 1.500 phần quà, 16 tấn gạo, 11 con bò giống, hàng trăm quần áo ấm, chăn màn cho các hộ nghèo, các em học sinh với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng. Ngoài ra, BĐBP Hà Giang còn hỗ trợ 110 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” và đưa về nuôi tại đơn vị 27 cháu là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Luôn trọng dân, gần dân, lắng nghe nhân dân

Gia đình ông Sầm Văn Khàng, 57 tuổi, dân tộc Nùng, là hộ nghèo ở xóm Nặm Đông, xã Cần Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cách đây 2 năm, gia đình ông được Đồn Biên phòng Cần Yên, BĐBP Cao Bằng hỗ trợ 4 con lợn nái, mỗi con từ 12 đến 15kg. Nhờ được cán bộ BĐBP hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đàn lợn của ông ngày càng lớn. Cuối năm 2022, từ tiền bán lợn do bộ đội hỗ trợ, ông Khàng đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng trại và mua thêm lợn về nuôi. Hiện nay, ông đang nuôi gần 10 con lợn thịt và 4 con lợn nái sinh sản. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ông đỡ khó khăn hơn. Năm 2022, ông đã xây dựng được nhà mới, to rộng và sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt… Ông Khàng nói: “Có BĐBP giúp đỡ, mình mới có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, không còn lo đói, lo khổ nữa”…


Cán bộ Đồn Biên phòng Cần Yên thăm, động viên ông Sầm Văn Khàng mở rộng trang trại chăn nuôi. Ảnh: Phương Vy

Không chỉ ông Khàng, mà những năm qua, hàng trăm gia đình ở khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồn Biên phòng. Theo Đại tá Đặng Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Cao Bằng: Khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng có 393 xóm (thuộc 40 xã, thị trấn), trong đó có 119 xóm giáp biên với 28.000 hộ (gần 120.000 nhân khẩu), phần lớn là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô. Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư nên tình hình khu vực biên giới của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Nhưng do điều kiện địa lý, khí hậu và nhiều yếu tố khách quan nên đời sống của một số hộ dân khu vực biên giới vẫn còn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Với tinh thần “trọng dân, gần dân, lắng nghe nhân dân”, BĐBP Cao Bằng đã phân công 453 cán bộ, đảng viên phụ trách 2.161 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Qua đó, kịp thời động viên, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh, điều kiện của các hộ gia đình nhằm lựa chọn các mô hình, phần việc sát với thực tế, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Năm 2022, các đồn, đơn vị thuộc BĐBP Cao Bằng đã giúp dân hàng ngàn ngày công lao động sản xuất, thu hoạch vụ mùa, tu sửa nhà ở, vận động, hỗ trợ gần 100 hộ di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Cùng với đó là hỗ trợ trên 1 tỷ đồng giúp dân làm đường giao thông nông thôn, xóa nhà dột nát, tặng quà, bò giống, lợn giống cho các hộ nghèo và đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, BĐBP Cao Bằng đang nhận hỗ trợ 96 em học sinh theo Chương trình “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn Biên phòng”.

Với phương châm “Giúp dân là tự giúp chính mình”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn kề vai sát cánh, hết lòng giúp đỡ nhân dân xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Những việc làm thiết thực, trách nhiệm, hiệu quả của BĐBP 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của BĐBP vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Bài 3: Xây cột mốc lòng dân

Đăng Bảy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here