Dự kiến thu hẹp diện đóng bảo hiểm với chủ hộ kinh doanh

0
63
Dự kiến thu hẹp diện đóng bảo hiểm với chủ hộ kinh doanh

Dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất đề xuất chỉ đưa chủ hộ có đăng ký kinh doanh vào diện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bỏ nhóm không có đăng ký.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới nhất gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 6, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất đưa nhóm chủ hộ có đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc không trọn thời gian vào diện đóng bắt buộc. Những người này không có hợp đồng lao động, không hưởng tiền lương nên chưa tham gia BHXH bắt buộc.

Người đóng BHXH bắt buộc sẽ được hưởng đầy đủ chế độ hưu trí, tử tuất, thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.

So với dự thảo hồi tháng 3, dự luật sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến đã có một số thay đổi. Cụ thể, diện đóng bắt buộc thu hẹp với nhóm chủ hộ có đăng ký kinh doanh chứ không phải toàn bộ, không áp dụng với người đã đủ tuổi nghỉ hưu. Với đề xuất mới này, số chủ hộ tham gia BHXH bắt buộc sẽ giảm xuống gần 2 triệu thay vì 5 triệu như dự kiến ban đầu.

Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lý giải cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh chia làm hai nhóm. Nhóm có đăng ký kinh doanh khoảng 2 triệu, doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm và đang đóng thuế. Nhóm còn lại không đăng ký kinh doanh, có doanh thu thấp như các hộ nông, lâm nghiệp, buôn bán tự do.

Đề xuất thu hẹp nhóm đóng là chủ hộ có đăng ký kinh doanh nhằm đảm bảo tính khả thi trong quản lý và thực hiện, khi liên thông với cơ sở dữ liệu của hệ thống quản lý kinh doanh và thuế. “Nếu đưa toàn bộ chủ hộ vào diện đóng sẽ rất rộng, quản lý còn khó chưa nói đến việc thu tiền đóng bắt buộc”, ông Cường nói.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với nhóm này thấp nhất bằng một nửa và cao nhất bằng 8 lần lương tối thiểu vùng I (hiện nay là 4,68 triệu đồng). So với dự thảo ban đầu, mức đóng thay đổi, không còn quy định cứng 2-36 triệu đồng. Nhóm này mỗi tháng trích 25% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, gồm 22% vào Quỹ Hưu trí tử tuất, 3% vào Quỹ Ốm đau thai sản.

“Việc thu thế nào sau này sẽ có hướng dẫn cụ thể, có thể tính tới ủy quyền qua một cơ quan quản lý giống như người làm việc tại nước ngoài”, ông Cường nói.

Tiểu thương trước sạp hoa tại chợ Quảng Bá (Hà Nội), tháng 1/2023. Ảnh: Giang Huy

Tiểu thương trước sạp hoa tại chợ Quảng Bá (Hà Nội), tháng 1/2023. Ảnh: Giang Huy

Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng việc thu hẹp điều kiện với nhóm chủ hộ có đăng ký kinh doanh là phù hợp, song đáng tiếc là để lọt những chủ hộ không đăng ký kinh doanh muốn tham gia BHXH bắt buộc. Về lâu dài, luật cần tính tới mở rộng dần cả với nhóm này.

Ông đề xuất với nhóm chủ hộ không nhất thiết đóng – hưởng như mức cũ mà cần thiết kế tỷ lệ khác nhau để họ được lựa chọn. Các chủ hộ khi đưa vào diện đóng bắt buộc chủ yếu 30-40 tuổi, ít người tuổi đôi mươi. Số năm tham gia BHXH của họ vì thế rất ngắn và khi đủ tuổi nghỉ hưu chưa chắc đủ năm đóng, dễ rơi vào nhóm tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.

Nếu họ chọn mức đóng thấp, với tỷ lệ hưởng tối thiểu 45% cho 15 năm tham gia thì lương hưu thấp. Khi đó, nhà nước một lần nữa sẽ phải điều chỉnh hoặc bù đắp. Hiện cơ quan soạn thảo chưa tính đến bài toán này mà vẫn áp dụng tỷ lệ đóng – hưởng như hiện hành dành cho khu vực đóng BHXH bắt buộc.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Hồng Chiêu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here