Du học sinh ở Australia vật lộn vì giá cả tăng

0
74
Du học sinh ở Australia vật lộn vì giá cả tăng

Nhà thuê khan hiếm cùng chi phí sinh hoạt khiến nhiều sinh viên quốc tế ở Australia phải vật lộn để tồn tại.

Zoe Jiang đến từ Trung Quốc đang phải trả hơn 300 AUD (4,6 triệu đồng) mỗi tuần để thuê một chiếc lều dựng tạm bợ trong phòng khách của một sinh viên khác. Trong khi đó, Sharlene, 27 tuổi, người Zimbabwe, ngủ ở nơi dành cho những người vô gia cư trong hai tuần và dùng phòng tắm chung với 30 người khác tại đây.

Không chỉ Zoe và Sharlene, đa số sinh viên quốc tế tại Australia đang chật vật tìm kiếm nhà ở.

Australia hiện thiếu khoảng khoảng 524.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu. Tại Sydney, một trong những thành phố đông sinh viên quốc tế nhất, tiền thuê nhà trung bình tăng 11% vào năm 2022, lên mức 679 AUD (10,3 triệu đồng) một tuần. Tình hình tương tự tại Melbourne và Perth, sinh viên rất khó tìm nhà thuê, trong khi các ký túc xá không còn chỗ trống, theo The Straits Times.

Ngoài nhà ở, giá cả sinh hoạt cũng khiến họ lao đao. Dữ liệu do Cục Thống kê Australia công bố cuối tháng 4 cho thấy giá thực phẩm và đồ uống không cồn trong quý I đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí đi lại và ăn ở tăng hơn 25%, tiền điện tăng 15,5% và dịch vụ y tế tăng 6,7%.

Hồi đầu năm, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Macquarie đã thực hiện khảo sát với hơn 7.000 sinh viên quốc tế. Kết quả, 21% người được hỏi cho biết họ đi học mà không ăn uống đầy đủ, 22% không được đảm bảo nhu cầu sưởi ấm và làm mát trong căn hộ của mình. Trong khi đó, hơn một nửa số sinh viên có thu nhập “rất khó khăn” cho biết không “dễ dàng chi trả phí thuê nhà”, con số này với sinh viên có thu nhập trung bình là 34%, thu nhập an toàn là 17%.

Ảnh: Erudera

Ảnh: Erudera

Thực tế, khủng hoảng về giá cả ảnh hưởng tới phần lớn người dân Australia, nhưng sinh viên quốc tế phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Theo các chuyên gia, lý do vì sinh viên quốc tế thường chưa từng thuê nhà tại Australia trước đây, lại gặp rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.

Đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều người chấp nhận bị bóc lột tại nơi làm việc, phải nhận số tiền lương ít hơn mức tối thiểu mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, họ không dám khiếu nại bởi lo sợ việc này ảnh hưởng tới việc visa sau này.

“Tôi hiếm thấy có một sinh viên Trung Quốc nào được nhận mức lương tối thiểu hợp pháp. Mức lương tối đa mà tôi từng nhận được là 18 AUD (280.000 đồng) một giờ”, một sinh viên Trung Quốc nói. Trong khi đó, từ tháng 7 năm ngoái, lương tối thiểu ở Australia là hơn 21 AUD một giờ.

Một sinh viên Indonesia nói tiền thuê nhà thậm chí tăng lên hàng tuần hoặc hai tuần một lần. “Tôi đang phải làm một lúc hai công việc, khoảng 40 giờ mỗi tuần chỉ để vừa đủ trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản nhất”, người này nói.

Tính đến cuối tháng 2, tổng số sinh viên quốc tế tại Australia là hơn 547.000, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Những quốc gia có đông sinh viên ở quốc gia này là Trung Quốc (156.000), Ấn Độ (100.000), Nepal (57.000) và Colombia (22.600) và Việt Nam (22.500).

Đức Vũ (Theo Erudera, Wsws)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here