Đông Hải – khát vọng vươn ra “biển lớn”

0
44
Đông Hải – khát vọng vươn ra “biển lớn”

Biên phòng – Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) là huyện có bờ biển dài hơn 23km, với 2 cửa sông lớn là Gành Hào, Cái Cùng và một cảng biển thông ra Biển Đông. Đây là địa phương có tiềm năng, lợi thế về khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái ven biển; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu.

Đông Hải – khát vọng vươn ra “biển lớn”
Phát triển kinh tế biển được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Đông Hải. Ảnh: Phương Nghi

Vươn lên từ phát triển kinh tế biển

Đây là mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ. Từ khát vọng ấy đã hun đúc thêm niềm tin, sức mạnh và phát huy tinh thần, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong việc thi đua hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để thực hiện điều này, thời gian qua, huyện đã tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhằm từng bước xây dựng huyện trở thành vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng và phát triển 4 xã, thị trấn, gồm thị trấn Gành Hào, xã Long Điền Tây, Điền Hải, Long Điền Đông trở thành khu kinh tế biển, là vùng động lực phát triển kinh tế của huyện.

Đông Hải có diện tích nuôi trồng thủy sản 39.513ha; có đội tàu khai thác, đánh bắt thủy sản 536 chiếc. Hiện nay, huyện đang xây dựng, nâng cấp cảng cá Gành Hào đạt chuẩn cảng loại I; đề xuất tỉnh đầu tư khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Rạch Cốc. Ngoài ra, huyện đã và đang phát triển mạnh các dự án điện gió khu vực ven biển… Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: Đến cuối năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; thu ngân sách đạt 91 tỷ đồng (vượt trên 13% kế hoạch). Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 178.300 tấn (vượt 1,3% kế hoạch). Sản xuất công nghiệp và thương nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá trị sản xuất tăng 20% so với năm 2021; quốc phòng – an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định…

“Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, giảm nghèo được chú trọng thực hiện; giải quyết việc làm cho 5.878 người (vượt hơn 17% kế hoạch); đưa 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 200% kế hoạch); thu nhập đầu người đạt 73 triệu đồng (tăng trên 15% so với năm 2021); hộ nghèo giảm từ 5,8% xuống còn 3,78% (theo tiêu chí đa chiều)” – ông Hán nói.

Khát vọng vươn xa

Những thành tựu mà huyện Đông Hải đạt được về nông nghiệp và thủy sản là minh chứng cho tinh thần vượt khó, biến khát vọng thành hiện thực. Và giờ đây, Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hải đang đứng trước những cơ hội mới. Với những công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ quy hoạch, triển khai thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo, sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân xứ biển Đông Hải hun đúc ý chí, khát vọng vươn ra “biển lớn”.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: “Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược năm 2023, huyện Đông Hải sẽ tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, khai thác diện tích bãi bồi ven biển nuôi thủy sản hai mảnh vỏ gắn với phát triển các đối tượng nuôi chủ lực. Trong đó, chủ yếu là diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi đạt các tiêu chuẩn quốc tế, tiến đến hình thành vùng nuôi tôm an toàn”.


Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của nông dân xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) đang phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Nghi

“Với định hướng kết nối kinh tế với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bạc Liêu phối hợp với tỉnh Cà Mau triển khai thi công cầu giao thông nối huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) với thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Bạc Liêu – Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) với tổng vốn đầu tư lên đến 650 tỷ đồng. Đây cũng là điểm nhấn không chỉ giúp huyện Đông Hải thu hút đầu tư, mà còn thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế cho toàn vùng” – ông Kiệt nói.

Đặc biệt, huyện Đông Hải sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện để ngư dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển…

Xây dựng huyện trở thành vùng kinh tế trọng điểm

Với thế mạnh về kinh tế biển, sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Đông Hải tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa 15, nhiệm kỳ 2020-2025) về “Xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã”. Đây là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để huyện bứt phá, vươn lên phát triển.

Ông Trần Thanh Mến, Bí thư Huyện ủy Đông Hải cho biết: Riêng phát triển nghề muối, huyện sẽ tiếp tục thực hiện Quyết định số 350 của UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gắn với du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại các làng nghề muối để quảng bá và tiêu thụ muối, kết hợp với các yếu tố tâm linh, lễ hội văn hóa để thu hút du khách…

“Trong thời gian tới, Đông Hải tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư; vận dụng thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; nhất là các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của huyện như nuôi trồng thủy sản, khai thác đánh bắt, chế biến thủy hải sản, sản xuất con giống, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến muối, phấn đấu thu nhập đến năm 2025 đạt từ 105 triệu đồng trở lên” – ông Mến nói.

Đến với Đông Hải, các doanh nghiệp, nhà đầu tư không chỉ được địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, với những chính sách tốt nhất trong thực hiện các dự án, mà còn đón nhận sự hào hiệp, mến khách và nghĩa tình của người dân xứ biển.

Phương Nghi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here