Doanh nghiệp “ngấm đòn” hậu Covid, 25% người lao động phải vay “nóng”

0
74
Doanh nghiệp “ngấm đòn” hậu Covid, 25% người lao động phải vay “nóng”

Thiếu việc làm, đời sống người lao động khó khăn

Sáng 20/3, trên mạng xã hội xuất hiện video clip ghi lại cảnh hàng trăm người lao động chen chân, giành giật để nộp hồ sơ xin việc vào một công ty ở Bình Dương lan truyền nhanh chóng. Dù cổng doanh nghiệp này đang đóng, hàng trăm người vẫn nhốn nháo, cố chen lên, trên tay cầm sẵn hồ sơ để vào nộp.

Doanh nghiệp ngấm đòn hậu Covid, 25% người lao động phải vay nóng - 1

Cảnh hàng trăm lao động chen lấn nhau để nộp đơn xin việc lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh cắt từ clip).

Đầu tháng 3, gần 2.400 lao động của công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã ngậm ngùi ký biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với công ty vì lý do thiếu đơn hàng sản xuất, phải giảm bớt lao động.

Ngày 22/3, tại hội nghị khảo sát tình hình quan hệ lao động các tỉnh phía Nam của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các đại biểu doanh nghiệp và công đoàn phản ánh tình trạng thiếu việc làm vẫn diễn ra cục bộ tại một số nơi ở khu vực phía Nam, trong một số ngành như chế biến gỗ, dệt may, da giày.

Trong năm 2022, báo cáo của công đoàn các cấp cho thấy nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Sang đầu năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn và có thể kéo dài sang quý II/2023.

Nhận định chung, tình trạng thiếu việc, mất việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động do thu nhập giảm sâu. Hầu hết người lao động tại địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai là lao động di cư từ các tỉnh khác, phải ở nhà trọ, nặng gánh gia đình nên khi thiếu hụt tài chính phải vay mượn tín dụng đen với lãi suất cao, rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu.

Vào cuối năm 2022, Viện nghiên cứu đời sống xã hội đã thực hiện một khảo sát với 1.200 công nhân ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai tham gia. Kết quả cho thấy có đến 78,8% lao động tham gia khảo sát cho biết đang gặp khó khăn về tài chính. Để vượt qua khó khăn, 52,5% chọn cách tiết kiệm chi phí, 31,4% phải dùng tiền tiết kiệm trước đây để sống và có đến 25,3% phải vay mượn chi tiêu.

Doanh nghiệp ngấm đòn hậu Covid, 25% người lao động phải vay nóng - 2

Hầu hết công nhân sống tại các nhà trọ chật hẹp (Ảnh minh họa: Hải Long).

Cũng theo khảo sát này, khoản nợ trung bình của người lao động phải vay nợ là khoảng 65 triệu đồng/người, gấp 8 lần mức lương trung bình hằng tháng của họ. Khi được hỏi về khả năng trả nợ, người lao động cho biết họ có thể trả dần theo thời gian bằng cách làm thêm giờ và tiết kiệm… Nhưng cũng có đến 11,5% lao động nói sẽ chờ đến ngày rút tiền bảo hiểm xã hội một lần mới có tiền trả nợ.

Doanh nghiệp “ngấm đòn” 

Phát biểu tại hội nghị khảo sát tình hình quan hệ lao động các tỉnh phía Nam của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Gỗ LeeFu (Đồng Nai) cho biết, công ty từng có 4.000 lao động nhưng đến tháng 2/2023 chỉ còn 700 công nhân.

Theo vị này, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, đến nay tình trạng thiếu đơn hàng vẫn xảy ra, buộc lòng doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động.

Doanh nghiệp ngấm đòn hậu Covid, 25% người lao động phải vay nóng - 3

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TPHCM cũng nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm trong quý I/2023, có thể là kéo dài sang cả quý II/2023. Tình hình này sẽ dẫn đến việc nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, kết quả khảo sát tại gần 3.800 đơn vị trong quý I/2023 cho thấy có 30,75% doanh nghiệp phản ánh lao động giảm, 50,65% giữ nguyên số lượng lao động và 18,6% doanh nghiệp tăng nhân lực. Dự báo trong quý II/2023, hơn 71% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như cũ, gần 21% doanh nghiệp tăng, hơn 7% doanh nghiệp sẽ giảm lao động.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trong năm 2022, thành phố có hơn 146.000 người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 2 tháng đầu năm 2023 có hơn 17.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong năm 2022, TPHCM có gần 2,6 triệu người làm việc ở khu vực chính thức. Đến năm 2023, số lượng này là hơn 2,5 triệu người, gần 99.000 lao động đã rời khỏi khu vực làm việc chính thức.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM vào cuối tháng 2 cũng cho biết: “Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thực hiện khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến hết tháng 2/2023, kết quả cho thấy 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn”.

Hai yếu tố khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp là thị trường bị thu hẹp (41,2%) và hàng tồn kho nhiều (30,1%)… Điều này cho thấy ảnh hưởng hậu dịch bệnh Covid-19 vẫn kéo dài đến nay, diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng dự báo, sang quý II/2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn sẽ còn khó khăn vì kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị giảm sút so với cùng kỳ năm 2022, sức mua của thị trường toàn cầu thấp.

Doanh nghiệp ngấm đòn hậu Covid, 25% người lao động phải vay nóng - 4

Dự báo các doanh nghiệp nhiều ngành thâm dụng lao động sẽ còn gặp khó khăn về đơn hàng (Ảnh minh họa: X.H.).

Đứng trước những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp đã dừng ký hợp đồng với số lượng lớn lao động. Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% trong quý II/2022 xuống còn 67% trong quý I/2023.

Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhận định, đây là tín hiệu báo động thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.

Cần hỗ trợ thiết thực hơn cho công nhân

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, để hỗ trợ người lao động thì phải giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, duy trì và mở rộng sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Do đó, Hiệp hội đề xuất Nhà nước có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ vốn và tín dụng, hỗ trợ thị trường trái phiếu và tài chính, hỗ trợ về thuế, cải cách hành chính, cho vay kích cầu đầu tư…

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH PouYuen Việt Nam cũng khẳng định, nếu có đơn hàng thì doanh nghiệp không khi nào muốn cắt giảm lao động. Còn công nhân mà có việc, thu nhập tốt thì không ai muốn nghỉ, đi rút bảo hiểm xã hội một lần để sống vì tiền bảo hiểm xã hội cả chục năm góp lại cũng chỉ bằng 1 năm đi làm.

Doanh nghiệp ngấm đòn hậu Covid, 25% người lao động phải vay nóng - 5

Người lao động vất vả tìm việc tại Bình Dương trong những ngày đầu năm (Ảnh: Phạm Diện).

Tại hội nghị khảo sát tình hình quan hệ lao động các tỉnh phía Nam của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các đại biểu lại đề nghị cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho đời sống của người lao động trong tình hình này. Các đại biểu cho rằng, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ rất nhân văn nhưng lại khó thực hiện, ít người được thụ hưởng.

Đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Gỗ LeeFu nhắc đến chính sách hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Theo vị này, đến nay, người lao động ở công ty ông vẫn chưa nhận được.

Ông Phạm Chí Tâm – Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM đề nghị các đơn vị liên quan phải tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, vị trí công việc cho người lao động.

Ông cũng đề nghị các cấp công đoàn cần chủ động sử dụng nguồn tài chính công đoàn để hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động đang gặp khó khăn, đặc biệt quan tâm đến người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, mang thai, nuôi con nhỏ, lao động là người khuyết tật…

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố đồng thời nhấn mạnh, phải nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp; tình hình nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động… để nhanh chóng đưa ra giải pháp hỗ trợ.

Doanh nghiệp ngấm đòn hậu Covid, 25% người lao động phải vay nóng - 6

Còn với PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội, để giảm bớt khó khăn cho người lao động phải có một hệ thống hỗ trợ đồng bộ, thiết thực nhắm vào các khó khăn thực tế, nhu cầu thiết yếu của người lao động như: hỗ trợ tài chính và hạn chế lạm phát, cải thiện điều kiện nhà ở, giảm các chi phí sinh hoạt (tiền điện, nước ở nhà trọ; chi phí gửi trẻ…).

Chính các chi phí sinh hoạt hàng ngày cao hơn quy định như tiền điện, tiền nước, chi phí gửi trẻ ở trường tư… làm tăng chi tiêu của lao động di cư. Chỉ cần có quy định để người lao động có chỗ trọ tốt hơn, trả tiền điện nước theo quy định nhà nước, có nơi gửi trẻ gần nơi làm việc với chi phí hợp lý… sẽ giúp giảm thiểu nhiều chi phí sinh hoạt hàng ngày của người lao động, giảm bớt khó khăn cho mỗi gia đình công nhân.

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Hải Long – CTV

24/03/2023

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here