TP HCMLao động muốn tìm công việc thoải mái thời gian, địa điểm, sẵn sàng nghỉ để gia nhập lực lượng freelancer khiến thị trường lâm cảnh người thất nghiệp nhiều nhưng doanh nghiệp khó tuyển.
Chị Thùy Dương, 36 tuổi, vốn là trưởng nhóm trong công ty truyền thông ở quận 3, đã nghỉ việc hồi đầu năm vì muốn dành thời gian cho con trai 4 tuổi. Trước đây hợp đồng lao động ghi thời gian làm việc 8 tiếng mỗi ngày, tuần làm 5 ngày nhưng chưa bao giờ chị Dương rời văn phòng trước 20h dù công việc bắt đầu từ 8h. Về nhà, chị tiếp tục ôm máy tính xử lý các phản hồi của đối tác, cuối tuần cũng không thoát khỏi việc. Chuyện nhà, chăm sóc con gái 4 tuổi chị phó mặc cho chồng.
“Một lần chồng đi công tác, tôi phải chăm con và gần như chẳng biết đồ dùng của con để ở đâu cả”, chị Dương nói. Người mẹ trẻ nhận ra cuộc sống của mình không có gì ngoài công việc và luôn trong trạng thái mệt mỏi, áp lực. Chị quyết định nghỉ làm.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Hai tháng trước, chị Dương đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, cùng lúc tìm kiếm công việc bán thời gian và dự định sẽ theo đuổi con đường làm freelancer chuyên nghiệp để có thời gian chăm sóc gia đình.
Chị Dương là một trong những lao động muốn hài hòa cuộc sống gia đình và công việc, khi không tìm được điểm cân bằng đã lựa chọn rời bỏ, xu hướng này bùng nổ khi Covid-19 xuất hiện và kéo dài đến nay.
Khảo sát Người Việt chuộng hình thức làm việc nào của ManpowerGroup vào năm 2019 cho kết quả 87% ứng viên được hỏi mong muốn công việc không phải toàn thời gian, gần như gấp đôi so với tỷ lệ 45% trên toàn cầu. Trong số đó, thứ tự ưu tiên lựa chọn của lao động là làm việc tự do (36,5%), dự án (32,1%), bán thời gian (23,7%), hợp đồng (6,9%) và 0,8% chọn các hình thức khác. Đây đều là các mô hình việc làm mang đến cho lao động sự linh động, tự do, tự chủ hơn.
Tương tự, báo cáo 10 năm nhìn lại Xu hướng nhân tài Việt Nam (2013-2023) của Anphabe cũng chỉ ra rằng làm việc linh hoạt là tiêu chuẩn mới xuất hiện nhưng có đến 47% lao động ưu tiên khi lựa chọn nơi làm việc lý tưởng. Tiêu chuẩn này đứng thứ hai chỉ sau thưởng nóng, thưởng một lần khi nhân viên đạt thành tích nổi bật.
Khảo sát qua các năm của Anphabe cũng ghi nhận xu hướng lực lượng tham gia vào nền kinh tế Gig (nền kinh tế tự do) ngày càng tăng. Nếu năm 2020, tỷ lệ này là 39% thì đến năm 2021 đã tăng lên 44%. Dù khi được hỏi lao động vẫn ưu tiên sự ổn định nguồn nhân lực tham gia vào nền kinh tế tự do vẫn tăng lên vào năm 2023 khi tỷ lệ này chiếm 57% nguồn nhân lực trí thức tại Việt Nam.
Theo bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe, điều này cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong quan niệm của người lao động về sự ổn định trong công việc. Cái gọi là “ổn định” giờ đây không chỉ là gắn bó lâu dài với một nơi làm mà còn khả năng duy trì sự vững vàng, thích nghi với biến động, thông qua tham gia nhiều loại công việc và hoạt động tạo giá trị khác nhau, có nhiều nguồn thu nhập đa dạng.
Thùy Dương là một trong gần một trong hơn 75.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm ở TP HCM. Cô cũng nằm trong số lao động từ chối công việc toàn thời gian được Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố giới thiệu. Ngay thời điểm cô nộp hồ sơ, trung tâm có 49.000 vị trí cần người thuộc 27 ngành nghề, trong đó có một số công việc tương tự chuyên môn nhưng Dương đều từ chối.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, nói khi nhân viên trung tâm tư vấn đa phần nhận lại câu hỏi ngược “có việc bán thời gian hay tự do không”. Từ đầu năm đến nay số người tìm việc toàn thời gian chỉ bằng một nửa nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, chưa kể khi kết nối tỷ lệ nhận việc không cao. Cụ thể, 6 tháng đầu năm trung tâm tư vấn việc làm cho hơn 112.000 lượt người thất nghiệp nhưng chỉ gần 2.500 người nhận việc.
Bà Thục cho rằng xu hướng tìm kiếm công việc tự do, thoải mái diễn ra mạnh mẽ ở lao động thuộc thế hệ Z (những người sinh ra từ năm 1997 đến 2012) và Y (1981 đến 1996), đây là hai nhóm chủ lực của thị trường lao động. Nếu Gen Z thích công việc tự do, thoải mái vì đặc điểm thế hệ thì lý của Gen Y do hoàn cảnh. Đơn cử, giai đoạn này họ cần nhiều thời gian cho gia đình, có ít nhiều tích lũy tài sản, kinh nghiệm, mối quan hệ xã hội để từ chối những việc không được như mong muốn.
Xu hướng này khiến những ngành nghề cần sự hiện diện của nhân sự ở công sở, tương tác trực tiếp khó kiếm được người, như sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục, bán hàng…
Công nhân làm việc trong nhà máy điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Lê Tuyết
Anh Tấn Lê, quản lý nhiều hội nhóm cộng đồng (bao gồm nhà tuyển dụng, người tìm việc) làm việc toàn thời gian (fulltime) và tự do (freelancer), cho biết thành viên của các nhóm đều tăng nhưng ở nhóm freelancer đang vượt lên mạnh mẽ. Hiện tại, hệ sinh thái fulltime dao động tầm 800.000 người nhưng nhóm freelancer lên đến 1,7 triệu thành viên.
Theo anh Lê, người làm việc từ xa tăng nhanh bắt đầu sau Covid-19 khi làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra mạnh mẽ, tiếp đến suy thoái kinh tế khiến doanh nghiệp buộc thắt chặt chi tiêu, giảm người. Hàng loạt lao động rời môi trường chính thức, cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội… đã giúp họ dễ dàng tìm kiếm các công việc thời vụ thay thế.
Bên cạnh đặc tính thế hệ, anh Lê cho rằng lực lượng freelancer tăng vì tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng cao, KPI nặng hơn nhưng lương chưa chắc cao hơn trước. Do đó, lao động muốn làm việc tự do để được nhận cùng lúc nhiều job, cải thiện thu nhập.
Từng làm fulltime và chuyển hướng sang làm tự do, Tấn Lê cho rằng doanh nghiệp muốn thu hút nhóm freelancer quay trở lại đầu tiên phải cải thiện môi trường làm việc theo hướng thân thiện, gần gũi. Nhà tuyển dụng cần tăng chế độ phúc lợi, thu nhập và tạo ra sự thoải mái nhất định về thời gian lẫn không gian làm việc.
Nhiều năm theo đuổi mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực hạnh phúc, CEO Anphabe Thanh Nguyễn, cho rằng doanh nghiệp muốn thu hút, giữ chân nhân tài buộc phải thay đổi cách thức quản lý, đáp ứng các mong mỏi của nhân viên. Đơn cử, các khảo sát của Anphabe đã chỉ ra trong 6 nhu cầu phúc lợi mong muốn của lao động thì phúc lợi về thời gian, hỗ trợ làm việc xếp đầu tiên (với 63% người lựa chọn), tuy nhiên thực tế chỉ 24% được trải nghiệm thỏa đáng tại nơi làm việc.
Hoạt động Teambuilding của một công ty truyền thông ở quận 3. Ảnh: An Phương
Theo CEO Anphabe, thực tế có nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn thu hút được người giỏi do đã tạo ra sự linh động về thời gian làm việc, ví dụ vẫn là 8 tiếng nhưng có thể tùy chọn khung giờ đến công ty, 1-2 ngày trong tuần có thể làm việc tại nhà… Nhiều công ty khi phát sinh thêm việc thời vụ đã ưu tiên cho nhân viên của mình nhận job, giúp gia tăng thu nhập…
“Doanh nghiệp phải không ngừng thích ứng và tìm kiếm cách tiếp cận mới để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một môi trường làm việc hỗ trợ sự phát triển lâu dài và hạnh phúc cho nhân viên”, bà Thanh Nguyễn nói.
Lê Tuyết