Biên phòng – Biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) được phê duyệt triển khai tại 12/13 tỉnh, thành phố từ ngày 27/11/2023, được kỳ vọng tạo chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất lúa gạo.
Ảnh: minh họa
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam, với sản lượng lúa ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm hơn 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ nông dân.
Tuy vùng châu thổ đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường được áp dụng, song sản xuất lúa gạo vẫn dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu, cũng là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn. Vì thế, nhiều chuyên gia tin tưởng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng và thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Bởi, đề án hướng đến mục tiêu: Xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Theo lộ trình, ngay từ vụ Đông Xuân 2023-2024, đề án bắt đầu được triển khai với tổng diện tích tham gia khoảng 180.000 ha. Đến năm 2025, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã, hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt hơn 50% diện tích; hơn 200.000 hộ dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Các chuyên gia nhấn mạnh, chìa khóa cho thành công của đề án trước hết là sự thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hướng tới hợp tác công-tư hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế… Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nâng cao nhận thức, năng lực và hành động cho nông dân; thúc đẩy nông dân liên kết với nhau thông qua các hợp tác xã nông nghiệp và có sự gắn kết chặt với doanh nghiệp để hình thành các “cánh đồng lớn” sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Việc liên kết là yêu cầu rất quan trọng để áp dụng các quy trình canh tác lúa gạo bền vững, cũng như đo đếm lượng giảm phát thải để bán tín chỉ carbon, mà từng nông hộ nhỏ lẻ khó thực hiện được.
Có thể khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chỉ riêng việc giảm chi phí sản xuất, giảm phân bón khoảng 30% sẽ bảo đảm lợi nhuận cho nông dân ở mức hơn 40% vào năm 2025 và hơn 50% vào năm 2030. Đặc biệt, đề án sẽ góp phần quản lý tốt môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Từ thí điểm thành công mô hình này tại Đồng bằng sông Cửu Long, đề án sẽ được mở rộng ra toàn quốc với diện tích 3,8 triệu ha, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. Đây là cách để Việt Nam quảng bá, định vị lại thương hiệu quốc gia, nâng vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Thanh Thảo