Đề xuất phương án cán bộ, công chức bị kỷ luật tự nguyện tinh giản biên chế

0
86
Đề xuất phương án cán bộ, công chức bị kỷ luật tự nguyện tinh giản biên chế

10/03/2023 11:00

Cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý thì sẽ được tinh giản biên chế.

Đây là một trong những đề xuất nổi bật Bộ Nội vụ đưa ra trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, số 113/2018/NĐ-CP và số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Dự thảo đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.

Đề xuất phương án cán bộ, công chức bị kỷ luật tự nguyện tinh giản biên chế ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bộ Nội vụ cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, việc ban hành Nghị định quy định về tinh giản biên chế nhằm giải quyết chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế, đặc biệt là có chính sách đủ mạnh đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ việc ngay.

Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế, những kiến nghị, đề xuất về khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và trên cơ sở nguyên tắc, mục tiêu xây dựng dự thảo Nghị định nêu trên, Bộ Nội vụ đã rà soát 3 Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế; đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế so với quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, số 113/2018/NĐ-CP và số 143/2020/NĐ-CP.

Dự thảo gồm 5 Chương và 24 Điều, quy định về chính sách tinh giản biên chế; trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Tên của Nghị định được sửa thành “Quy định về tinh giản biên chế” để phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định.

Để phù hợp với nội dung của dự thảo Nghị định, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là quy định về đối tượng; chính sách; trình tự, thời hạn giải quyết và trách nhiệm trong thực hiện tinh giản biên chế ở các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến cấp xã; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và được Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao; Công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước nay được cấp có thẩm quyền bán hết phần vốn nhà nước.

Về đối tượng tinh giản biên chế, dự thảo Nghị định kế thừa quy định còn phù hợp tại 3 Nghị định nêu trên. So với quy định tại các Nghị định cũ, dự thảo đề nghị, đối với đối tượng là lao động hợp đồng, áp dụng đối với lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định không áp dụng đối với lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, vì đối tượng này ký hợp đồng có thời gian không quá 12 tháng.

Dự thảo Nghị định đề nghị bỏ các đối tượng lao động hợp đồng; chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động); người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội.

Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng người làm việc tại các quỹ tài chính ngoài ngân sách thuộc diện tinh giản biên chế.

Về các trường hợp tinh giản biên chế, đáng chú ý, dự thảo đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý cho phù hợp chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 20-KL/TW.

Đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, dự thảo đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với công chức, viên chức. Riêng đối với cán bộ thì trong Đề án nhân sự để giới thiệu bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đã xác định rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và nhân sự cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị không đặt vấn đề tinh giản biên chế đối với cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp đang bị ốm đau, đang mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con dưới 36 tháng để nhằm bảo vệ quyền lợi đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cá nhân có nguyện vọng tinh giản biên chế vì họ không đủ sức khỏe để làm việc. Theo đó, dự thảo đề nghị sửa đổi, nội dung này theo hướng chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp này, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế.

Về chính sách về hưu trước tuổi, kế thừa quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chính sách về hưu trước tuổi và các chế độ về hưu trước tuổi quy định tại Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, dự thảo Nghị định này chỉ sửa đổi về tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và đảm bảo tương quan với tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tại Kết luận số 08-KL/TW. Theo đó, cách tính tuổi nghỉ hưu trước tuổi được tính theo tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP; đồng thời, bổ sung chính sách về hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi đời hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Nghị định số 135/2020/NĐCP đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here