Cán bộ công đoàn TP HCM đề nghị khi đạt mốc hưởng lương hưu tối đa 75%, với mỗi năm đóng BHXH thừa, lao động được trả 2 tháng lương thay vì nửa tháng như hiện hành.
Ý kiến được các đại biểu đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi do Hội liên hiệp phụ nữ TP HCM tổ chức ngày 31/8.
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), nói quy định hiện nay người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) mức hưởng bằng 45% bình quân lương tháng làm căn cứ đóng. Sau đó tỷ lệ này tăng dần lên và đạt tối đa 75% nếu đóng đủ 30 năm với nữ và 35 năm với nam.
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Ảnh: Lê Tuyết
Theo ông Cường có những công nhân đi làm từ 18-20 tuổi. Nếu làm liên tục 30-35 năm, họ sẽ đạt được mức hưởng tối đa 75% vào khoảng 50-55 tuổi, trong khi tuổi hưu của lao động hiện tăng lên 60 với nữ và 62 với nam. Trường hợp lao động tiếp tục làm việc đến khi đúng tuổi nghỉ hưu sẽ thừa 5-10 năm đóng.
“Trong khi rút bảo hiểm một lần khi còn tuổi lao động thì với mỗi năm đóng quỹ chi trả trả hai tháng lương. Người về hưu chỉ được trả nửa tháng là quá thiệt thòi”, ông Cường nói. Do đó, nhiều công nhân trẻ tính toán sau khi làm việc được vài năm sẽ nghỉ để rút một lần, sau đó tiếp tục tham gia BHXH vẫn đủ thời gian để hưởng lương hưu.
Đại diện công đoàn doanh nghiệp đông lao động nhất thành phố đề xuất muốn khuyến khích công nhân ở lại hệ thống, các mức chi trả cần công bằng, không nên tạo ra sự so sánh. Do đó, sau khi đạt được mốc thời gian để hưởng lương hưu tối đa 75%, mỗi năm thừa nên được trả tương ứng hai tháng lương bình quân làm căn cứ đóng.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn lao động TP HCM), nói cùng là trợ cấp một lần nhưng một bên nghỉ khi còn trẻ được hưởng cao, người theo đuổi lương hưu, chính sách được nhà nước khuyến khích lại nhận mức thấp.
Theo ông Triều, nếu rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động và khoản trợ cấp một lần khi hưu đều được trả cùng một mức là hai tháng lương sẽ thêm lý do để lao động ở lại với hệ thống, chờ hưởng lương hưu.
Tại buổi góp ý, ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TP HCM, đồng tình với đề xuất mỗi năm đóng BHXH thừa nên được trả hai tháng, tương tự như mức hưởng trợ cấp một lần.
“Cùng là trợ cấp một lần nên để lao động được hưởng quyền lợi cao nhất”, ông Hà nêu quan điểm. Điều này sẽ góp phần khuyến khích lao động ở lại lâu trong hệ thống để đi đến đích cuối cùng là được hưởng lương hưu, thay vì rút BHXH một lần.
Liên quan số năm đóng BHXH thừa sau khi đạt được mức hưởng lương hưu tối đa 75%, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đại diện một số công đoàn phía Bắc đề xuất nên hoán đổi để được nghỉ hưu sớm. Cụ thể, với mỗi năm đóng thừa sẽ được hoán đổi để nghỉ sớm mà không bị trừ 2% tỷ lệ hưởng, tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định.
Thống kê giai đoạn 2016-2021, cả nước có thêm 661.000 lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng, 435.000 người trong đó nhận trợ cấp một lần vì thừa số năm đóng BHXH tối đa (chiếm gần 66%). Bình quân 3 người nghỉ hưu thì có hai người được hưởng mức tối đa 75%.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và hiệu lực từ 1/7/2025.
Lê Tuyết