Đề nghị báo cáo Bộ Chính trị hơn 200.000 người bị nợ bảo hiểm

0
138
Đề nghị báo cáo Bộ Chính trị hơn 200.000 người bị nợ bảo hiểm

Công đoàn đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cách xử lý đảm bảo quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Tại phiên làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 1/2, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đưa ra đề nghị trên. Ông cho biết, hiện hơn 200.000 lao động đang bị nợ, trốn đóng BHXH. Nếu không sớm có biện pháp xử lý, những người này không được hưởng chế độ, kể cả lương hưu.

Giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm, theo thống kê của công đoàn. Các tổng công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại phiên làm việc ngày 1/2. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tại phiên làm việc ngày 1/2. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngoài ra, ông Khang cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương, bộ ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, an sinh với lao động bị ảnh hưởng mà chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đến ngày 24/1, cả nước ghi nhận 528 doanh nghiệp (chiếm 0,06%) bị cắt giảm đơn hàng, khiến 637.000 lao động bị giảm giờ làm chính thức, không còn tăng ca hoặc mất việc.

Về việc này, Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm rà soát báo cáo lại; Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương, BHXH của người lao động. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, các cơ quan chuyên môn cần bổ sung chế tài xử lý hành vi này.

Lao động đi rút BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Lao động đi rút BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng nhiều lần phản ánh tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH, né tránh cán bộ bảo hiểm nhưng mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra. Doanh nghiệp phân bua “chưa kịp đóng chứ không phải cố tình trốn”. Việc chậm đóng xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do cố tình chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH.

Giai đoạn 2018-2022, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài nhiều năm khiến hơn 206.000 lao động ảnh hưởng quyền lợi, song cơ quan quản lý kêu khó thu hồi.

Hồng Chiêu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here