Trong 2 ngày (22 – 23/6), Đoàn công tác Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập công quốc tế đã tới làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn. Cùng tham dự có đại diện các đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo Cục An toàn Lao động…
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW tại 02 Tập đoàn
Nhằm khắc phục những hạn chế yêu kém, tăng cường chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, ngày 18/9/2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), báo cáo với đoàn tác, ông Cao Hữu Hiếu, thành viên HQTĐ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết: Nhiều năm qua, Đảng ủy Tập đoàn đã xác định đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động là ưu tiên hàng đầu của mỗi đơn vị thành viên và là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, ngay khi có Chỉ thị số 29-CT/TW, Đảng ủy Vinatex đã triển khai tới các đơn vị, đưa công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vào nghị quyết, nhiệm vụ công tác của Tập đoàn; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch chương trình công tác ATVSLĐ hàng năm.
Đến nay, tất cả các doanh nghiệp trực thuộc đều nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, hạn chế để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Công nhân lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân; được khám sức định kỳ, khám sức khỏe cho lao động nữ, lao động cao tuổi và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp hàng năm; các chế độ, chính sách cơ bản đều được đảm bảo và giải quyết kịp thời.
Thống kê cho thấy, hàng năm Vinatex để xảy ra từ 15 – 30 vụ tai nạn lao động và đã giảm dần đến năm 2022 có 15 vụ, không có người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp; 6 tháng đầu năm 2023 không để xảy ra vụ tai nạn lao động. Các vụ tai nạn lao động xay ra chủ yếu là tai nạn lao động nhẹ, tất cả các trường hợp xảy ra đều được hưởng chế độ BHXH về tai nạn lao động…
Ông Cao Hữu Hiếu, thành viên HQTĐ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW
Làm việc tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đoàn công tác đã nghe báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Tập đoàn. Theo đó, Đảng ủy Tập đoàn đã quán triệt Chỉ thị tới toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động của các đơn vị thành viên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác ATVSLĐ được xuyên suốt và kịp thời; hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ được thực hiện nghiêm túc, cụ thể và hiệu quả, ý thức chấp hành của người lao động và người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ có sự chuyển biến tích cực.
Các chế độ, chính sách đối với người lao động như: huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, các chế độ không may bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được chi trả và thực hiện kịp thời theo quy định. Điều kiện làm việc của người lao động ngày càng được cải thiện, nguy cơ mất an toàn lao động dần được loại bỏ, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cho biết: Từ khi có Chỉ thị số 29-CT/TW, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản pháp luật về ATVSLĐ thường xuyên được quan tâm và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Đến nay, các đơn vị trong Tập đoàn đã có nhiều cách làm, triển khai nhiều biện pháp, mô hình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ với mục đích đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật và những quy định về ATVSLĐ của người lao động và người sử dụng lao động thường xuyên được nâng cao.
“Đặc biệt, công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất cấp Tập đoàn và Công ty về công tác ATVSLĐ – phòng chống cháy nổ nhằm phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATVSLĐ, cháy nổ để có biện pháp khắc phục kịp thời được Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đồng thời, chú trọng đầu tư cho công tác ATVSLĐ, đầu tư cho các hoạt động cảnh báo, phòng ngừa, quản lý rủi ro; lắp đặt các thiết bị thông gió, làm mát, chiếu sáng, chống ồn, chống dột, chống thấm các công trình nhà xưởng, phòng làm việc, khu vệ sinh trong các nhà máy và phân xưởng sản xuất…” – Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Quý, thông tin.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam báo cáo việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Tập đoàn
Tại hai đơn vị tới làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu ghi nhận, biểu dương Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TW về công tác đảm bảo ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập công quốc tế.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người lao động và người sử dụng đã được nâng lên rõ nét, nhiều mô hình về công tác tác này tại nhiều đơn vị thuộc 02 Tập đoàn khá hiệu quả, đặc biệt là việc chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, các chính sách bảo hộ lao động được thực hiện chuyên sâu và đầy đủ; đánh giá được nguy cơ để thực hiện công tác phòng ngừa xảy ra tai nạn lao động. Trang thiết bị đảm bảo ATVSLĐ được quan tâm đầu tư.
“Các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về ATVSLĐ. Những người không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quan tâm, chăm lo và bảo đảm các chế độ. Việc tuân thủ quy định về ATVSLĐ tại các đơn vị thành viên của 02 Tập đoàn được thục hiện nghiêm túc, nhất là từ khi Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành. Nhờ đó, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được cải thiện rõ rệt, những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã giảm thiểu đáng kể…” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đánh giá.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đề nghị: Thời gian tới, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư; tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động…