Biên phòng – Nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là mục tiêu được huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang triển khai trong năm 2023. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Bắc Quang đã liên kết với Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề cho lao động nông thôn để khai thác nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn.
Đan mây tre ở Nấm Dẩn Xín Mần, Hà Giang. Ảnh: Ái Vân
Bắc Quang là một huyện lớn của tỉnh Hà Giang, có trên 100 nghìn nhân khẩu, có khoảng hơn 70 nghìn người đang trong độ tuổi lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm 61% dân số toàn huyện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%. Là huyện có nhiều tiềm năng của tỉnh Hà Giang, nhưng do xuất phát điểm thấp, nhận thức về phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường chưa đồng đều.
Những năm gần đây, bà con đã có sự chuyển biến về nhận thức, tư duy để phát triển kinh tế nhưng đầu tư chưa hiệu quả, chưa mang tính bền vững, chỉ phát triển tạm thời nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhận thức được tầm quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động phổ thông cho vùng đồng bào DTTS là mục tiêu quan trọng, giúp đồng bào nhận thức được rõ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và phát triển kinh tế hàng hóa, giúp xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Theo kế hoạch, trong năm 2023 huyện Bắc Quang sẽ liên kết với các đơn vị đào tạo nghề mở 63 lớp dạy nghề với 2.205 học viên là lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là những lớp học nghề được đào tạo theo Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 với các nghề chủ yếu là nuôi và cung ứng các sản phẩm từ trâu, bò, ngựa, nuôi cá nước ngọt; trồng và chế biến dược liệu, cung ứng sản phẩm Vietgap; sản xuất nông lâm quy mô nhỏ; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trâu, bò, trồng và chế biến chè, trồng lúa chất lượng cao, đào tạo nghề phi nông nghiệp; xây dựng điện dân dụng, lắp đặt sửa chữa dân dụng; may, đan lát thủ công, chế biến món ăn… Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo số liệu thống kê, hết năm 2022, huyện Bắc Quang có 124.506 nhân khẩu, trong đó có 3.747 hộ, 16.333 nhân khẩu thuộc hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,84%; 2.381 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,16%. Những năm qua, huyện đã đào tạo nghề cho hơn 13.600 lao động, giải quyết việc làm cho 10.880 lao động, nâng tỷ lệ số lao động qua đào tạo nghề là 68%. Để đạt được kết quả trên huyện Bắc Quang đã chỉ đạo sát sao, đề ra nhiều giải pháp như tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động tại địa phương đi làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế thu hút đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên, lực lượng lao động trên địa bàn huyện phần lớn là đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, chủ yếu lao động theo thời vụ, mức lương không ổn định.
Chỉ tính đầu tháng 3 năm 2023, huyện Bắc Quang đã giải quyết việc làm cho gần 1.100 lao động nông thôn, trong đó lao động trong nước là 800 lao động, 5 lao động xuất khẩu còn lại là lao động tại địa phương. Tỷ lệ giải quyết việc làm đạt 50,7% chỉ tiêu tỉnh giao và đạt 36% kế hoạch huyện giao, phấn đấu đến hết năm 2023 giải quyết được 3.500 lao động có việc làm mới.
Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Trung Sơn là thôn vùng III, là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang. Thôn có 153 hộ với 738 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Pà Thẻn và dân tộc Mông sinh sống, trong đó có 54 hộ nghèo. Những năm trước đây thôn chưa có điện, đường giao thông nông thôn chưa được bê tông, đời sống của đồng bào dân tộc còn gặp muôn vàn khó khăn, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi trâu, bò là chính. Hiện nay, cả thôn có 320 con trâu, bò, thu nhập của bà con thấp bởi dịch bệnh phát sinh, người dân chưa trú trọng đầu tư chuồng trại, nuôi nhốt nên hiệu quả chưa cao.
Các khu công nghiệp ở Hà Giang thu hút lực lượng lớn lao động nông thôn đã qua đào tạo. Ảnh: Ái Vân
Tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn về nuôi và cung ứng sản phẩm từ trâu, bò, ngựa của đồng bào Mông của thôn Trung Sơn, xã Hữu Sản do Phòng Lao động và Thương binh xã hội huyện phối hợp với Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, bà con thôn Trung Sơn được tập huấn, bổ sung những kiến thức mới về chăn nuôi, áp dụng khoa học công nghệ khoa học vào chăn nuôi thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, bà con còn được các chuyên gia giảng giải về giá trị kinh tế khi đại gia súc trở thành hàng hóa. Ở lớp học này, bà con không chỉ nâng cao nhận thức về kỹ thuật chăn nuôi mà còn biết quy hoạch trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi, chuyển đổi phương thức chăn thả tự nhiên sang vỗ béo, chăm sóc phòng, trừ sâu bệnh để nâng cao chất lượng bò thương phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đồng thời nâng cao thu nhập cho gia đình.
Chị Tẩn Thị Tiên, thôn Trung Sơn, xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang chia sẻ: Qua lớp tập huấn tôi học được phương pháp ủ chua cỏ lên men để dự trữ thức ăn cho trâu bò khi vào mùa đông rét, vận dụng những kiến thức được học vào chăn nuôi để áp dụng cho gia đình mình, hy vọng chăn nuôi trâu, bò sẽ trở thành hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng mức thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Phòng Lao động và Thương binh và Xã hội huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết: 8 tháng đầu năm 2023, huyện đã khai giảng được 38 lớp, với 1.330 học viên. Hiện nay, đã và đang duy trì 10 lớp với 525 người đào tạo ở hai lĩnh vực phi nông nghiệp, nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp, bao gồm: May mặc, sản xuất mây tren đan, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, chế biến nông lâm sản, trồng và chế biến dược liệu… Huyện cũng đã phối hợp với Hội phụ nữ, MTTQ các cơ quan chuyên môn, tài chính kế hoạch, xây dựng kế hoạch giám sát trong quá trình đào tạo, giám sát về chất lượng đào tạo của các đơn vị liên kết để nắm được mức độ nhận thức và tiếp thu của các lao động nông thôn. Đánh giá chất lượng của học viên sau đào tạo, đó là giải pháp việc làm, nâng cao thu nhập có việc làm ổn định cho lao động nông thôn, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm cho lao động nông thôn là yếu tố quan trọng để phát huy nhân tố con người, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KTXH. Công tác đào tạo giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn là nội dung trọng tâm được huyện Bắc Quang trú trọng thực hiện. Thông qua các loại hình đào tạo ngắn hạn theo mô hình liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, góp phần khai thác tốt tiềm năng nguồn nhân lực tại chỗ, thúc đẩy đa dạng các ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống có thế mạnh của địa phương.
Với những cơ chế, chính sách của nhà nước đã hỗ trợ tạo điều kiện cho người lao động học nghề; đồng thời, với sự nỗ lực khắc phục khó khăn, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động sẽ là động lực mới góp phần cùng Đảng Bộ huyện Bắc Quang từng bước hoàn thành công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của địa phương.
Ái Vân