Cựu Amser 22 tuổi giành học bổng toàn phần tiến sĩ đại học Ivy League

0
6
Cựu Amser 22 tuổi giành học bổng toàn phần tiến sĩ đại học Ivy League

Nguyễn Tuấn Hoàng, cựu thủ khoa chuyên Toán trường Ams, ba năm liền đạt giải quốc gia môn Tin học, chinh phục học bổng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Brown cùng nhiều trường hàng đầu Mỹ.

Trên website, Đại học Brown cho biết hàng năm nhận được hơn 750 hồ sơ cho chương trình tiến sĩ kinh tế, chọn ra 16 ứng viên xuất sắc (tỷ lệ chấp nhận 2%). Học bổng của Tuấn Hoàng gồm học phí, phí bảo hiểm và các khoản trợ cấp sinh hoạt trong thời gian làm nghiên cứu sinh, tổng trị giá lên đến 732.000 USD (18 tỷ đồng).

Theo US News & World Report, ngôi trường Ivy League này hiện đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ.

Chàng trai 22 tuổi cũng nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần từ nhiều trường danh tiếng khác như Đại học Pennsylvania (Ivy League, top 6), Duke (top 7), Northwestern (top 9) và New York (top 35).

Nguyễn Tuấn Hoàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Tuấn Hoàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuấn Hoàng là thủ khoa kỳ thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ams) năm 2013. Bốn năm sau, nam sinh tiếp tục dẫn đầu kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội, đồng thời là thủ khoa lớp 10 chuyên Toán trường Ams. Cả ba năm THPT, Hoàng đều là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học, giành giải nhì ngay từ năm lớp 10.

Sau 7 năm học tập dưới mái trường Ams, nam sinh chinh phục Đại học Dartmouth vào năm 2020. Tại ngôi trường Ivy League này, chỉ trong 3 năm, Tuấn Hoàng tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc (magna cum laude) hai chuyên ngành Toán học và Kinh tế học. Chàng trai Hà Nội sau đó có một năm làm việc trong nhóm nghiên cứu Kinh tế và Tính toán tại Microsoft Research, bộ phận nghiên cứu và phát triển của tập đoàn Microsoft ở New England, Mỹ.

Từng dự định theo đuổi ngành Khoa học máy tính, Hoàng chuyển hướng sang Kinh tế sau khi tham gia nghiên cứu cùng một giáo sư ở Đại học Dartmouth về chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên Mỹ.

“Nghiên cứu giúp em thấy được các vấn đề kinh tế, xã hội có thể được mô hình hóa và tính toán tương đối chặt chẽ bằng các công cụ toán học và kỹ thuật lập trình, vốn là điểm mạnh của em”, Hoàng nhìn nhận. “Với dữ liệu ngày càng lớn và khả năng tính toán vượt bậc của các máy tính hiện đại, em tin rằng việc thiết kế và đánh giá chính sách kinh tế sẽ khách quan và sát với thực tế hơn, thay vì chỉ dựa vào bộ khung lý thuyết”.

Thời gian làm việc tại Microsoft giúp Hoàng thấy rõ ảnh hưởng của các công nghệ mới, gần đây là ChatGPT, đến năng suất lao động. Dù luôn hào hứng tìm hiểu chi tiết về cách hoạt động của chúng, Hoàng bị thu hút hơn bởi các câu hỏi bao quát về ảnh hưởng của tiến bộ công nghệ tới cuộc sống con người.

Một mặt, cậu muốn tìm hiểu những cách thức để giúp nhiều người bắt kịp hơn với các công nghệ mới thông qua giáo dục và đào tạo. Ở chiều ngược lại là tìm ra các giải pháp nhằm đảm bảo phúc lợi cho nhóm lao động yếu thế, khó có khả năng bắt kịp công nghệ.

Theo góc nhìn của Hoàng, lịch sử cho thấy tiến bộ về công nghệ luôn là một trong những yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế nhưng cũng kéo theo nhiều bất ổn về xã hội. Chẳng hạn, những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã gây ra tình trạng lao động mất việc nghiêm trọng và khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh ở nhiều nước trên thế giới.

“Em mong tìm ra một hướng đi giúp quá trình đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế được hài hòa, bình đẳng và ổn định nhất”, Hoàng chia sẻ.

Đây cũng là lý do nam sinh chọn Đại học Brown cho hành trình tiến sĩ. Theo RePEc, cơ sở dữ liệu ngành kinh tế lớn nhất toàn cầu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tại St. Louis, ngôi trường này nhiều năm đứng số một thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Tuấn Hoàng tại Đại học Dartmouth, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Tuấn Hoàng tại Đại học Dartmouth, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Thái Thị Thanh Hoa, chủ nhiệm lớp 10 chuyên Toán 1, khóa 2017-2020 của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, đến nay vẫn nhớ ngày đầu tiên nhận lớp, có học sinh là thủ khoa toàn thành phố.

“Tôi ấn tượng vì em ấy có gương mặt, ánh mắt sáng, nụ cười rất tươi”, cô Hoa nói. Nữ giáo viên sau đó bất ngờ vì Hoàng đến gặp, nói muốn thi học sinh giỏi môn Tin. Đây là lần đầu tiên cô Hoa gặp trường hợp này.

“Chương trình ở lớp chuyên Toán vốn rất nặng, Tin học dù liên quan song vẫn là mới với Hoàng. Tôi e ngại liệu song hành ở hai môn chuyên cùng lúc, Hoàng có thành công không, nhưng em ấy quả quyết, bảo sẽ cố gắng”, cô Hoa nhớ lại.

Chỉ sau một học kỳ, Hoàng trở thành học sinh lớp 10 đầu tiên trong lịch sử trường Ams lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học lớp 12 của Hà Nội. Chứng kiến nỗ lực của học trò nên khi nghe tin Hoàng đỗ học bổng tiến sĩ kinh tế hai trường Ivy League, cô Hoa không bất ngờ.

“Với năng lực, độ lì, sự nghiêm túc và bền bỉ của Hoàng, dù chuyển sang hướng nào, thử thách lớn bao nhiêu, tôi tin em ấy vẫn sẽ thành công”, cô Hoa đánh giá. Nói thêm, cô cho biết Hoàng được giáo viên và bạn bè ở trường Ams ngưỡng mộ và quý trọng. Nam sinh sống tình cảm, luôn quan tâm và chia sẻ với thầy cô từng bước đi của mình, giữ kết nối với bạn bè.

Hai lần thành công vào Ivy League, Tuấn Hoàng cho rằng khó khăn lớn nhất ở bậc đại học là làm sao để hội đồng tuyển sinh thấy được những nét chung nhất của ứng viên như năng lực, ước mơ và thế giới quan chỉ qua một vài bài luận ngắn. Ngược lại, ở bậc tiến sĩ, khi sở thích và định hướng chuyên ngành đã cụ thể hơn thì năng lực học tập, nghiên cứu là yếu tố then chốt.

Hội đồng tuyển sinh tiến sĩ kinh tế không chỉ nhìn vào điểm số các môn thuộc chuyên ngành này mà còn chú trọng đến những môn định lượng khác như Toán hay Khoa học máy tính. Hoàng nhìn nhận vì theo đuổi chuyên ngành Toán song song với Kinh tế từ sớm nên quá trình xây dựng hồ sơ thuận lợi ở điểm này.

Dù vậy, để đạt kết quả tốt ở cả hai lĩnh vực, nam sinh từng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn nhiều lúc, Hoàng không thể đăng ký được môn học ưng ý do các sinh viên khóa trên được ưu tiên chọn lớp. Hoàng khắc phục bằng cách linh hoạt giữa hai chuyên ngành.

“Nếu không thể chọn được một lớp kinh tế như ý thì em sẽ thay thế nó bằng một lớp toán rồi học bù lớp kia vào kỳ sau, và ngược lại”, Hoàng chia sẻ.

Một cách giải quyết khác là gặp trực tiếp giáo sư, xin đăng ký vào các lớp nâng cao và có ít người học hơn, kể cả khi chưa tích lũy đủ học phần điều kiện. Hồi năm thứ hai, Hoàng từng nhiều lần xin vào học Toán cùng các sinh viên năm cuối hoặc nghiên cứu sinh năm thứ nhất.

“Dù bỡ ngỡ trong những tuần đầu do thiếu kiến thức nền, nhưng chỉ cần kiên nhẫn tự đọc thêm và hỏi bài các anh chị khóa trên, em có thể bắt kịp và đạt kết quả tốt”, Hoàng kể.

Hoàng tại khoa Kinh tế, Đại học Brown, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng tại trụ sở khoa Kinh tế, Đại học Brown, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về kinh nghiệm nghiên cứu, Hoàng may mắn được học hỏi từ nhiều giáo sư kinh tế hàng đầu ở Đại học Dartmouth.

“Trong hai giáo sư có nhiều ảnh hưởng nhất tới việc học tiến sĩ của em, một người từng là nhà kinh tế trưởng trong Hội đồng tư vấn cho Tổng thống Mỹ, người còn lại cố vấn cho Thủ tướng Malaysia về chiến lược phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Hoàng cho hay.

Nam sinh nhìn nhận bản thân đã thể hiện được đam mê và năng lực qua các lớp học cũng như dự án nghiên cứu của các thầy. Đây cũng là những người đã viết thư giới thiệu khi Hoàng ứng tuyển chương trình tiến sĩ.

Tuấn Hoàng sẽ bắt đầu hành trình tại Đại học Brown vào mùa thu tới. Chàng trai 22 tuổi mơ ước theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy ở bậc đại học trong tương lai.

“Tuy nhiên, do Kinh tế là một ngành rất rộng nên em vẫn giữ cho mình một tâm thế mở để đón nhận nhiều cơ hội thú vị khác, nhất là nếu chúng giúp em phát huy được hết khả năng trong lĩnh vực chuyên môn của mình”, Hoàng nói.

Doãn Hùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here