Công nhân sắp đối thoại với đại biểu Quốc hội về bảo hiểm, tín dụng đen

0
105
Công nhân sắp đối thoại với đại biểu Quốc hội về bảo hiểm, tín dụng đen

Từ ngày 20/4 đến 20/5, công nhân sẽ đối thoại với đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương về rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tín dụng đen, nhà ở xã hội.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 17/4 cho biết diễn đàn tiếp xúc cử tri giữa công nhân và đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương sẽ diễn ra tại nhiều tỉnh thành. Nội dung xoay quanh các vấn đề như rút BHXH một lần, tình trạng tín dụng đen trong công nhân; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nơi vui chơi, trường học cho con em lao động; góp ý trực tiếp cho các dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc Làm, Luật Đất đai sửa đổi.

“Công đoàn hy vọng qua các buổi tiếp xúc, đại biểu lắng nghe tâm tư, chuyển kiến nghị của công nhân đến Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền để chính sách pháp luật được xây dựng sát với thực tế”, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nói.

Người lao động xếp hàng làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM), ngày 8/12. Ảnh: Thanh Tùng

Người lao động xếp hàng làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM), ngày 8/12. Ảnh: Thanh Tùng

Công nhân Việt Nam chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động, nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Hiện công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng, đời sống còn bấp bênh.

Khảo sát hồi tháng 11/2022 của Viện Công nhân Công đoàn với trên 6.200 công nhân cho kết quả 59% không có khoản tích lũy. Nếu mất việc, 11,7% cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1-3 tháng và 12,7% trên ba tháng.

Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. 18% công nhân được khảo sát cho biết từng hoặc có ý định rút BHXH một lần nếu mất việc.

Quý I/2023, cả nước có 149.000 lao động mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, hơn 294.000 người nghỉ giãn việc. Số này phần lớn thuộc doanh nghiệp FDI (83,8%), tập trung ở ngành da giày, dệt may, chế biến gỗ.

Hồng Chiêu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here