Công nhân lớn tuổi thấp thỏm bị cắt giảm

0
56
Công nhân lớn tuổi thấp thỏm bị cắt giảm

TP HCMTrụ qua bốn lần cắt giảm ở Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, chị Võ Thị Thúy, 40 tuổi, vẫn chưa hết lo lắng “bao giờ đến lượt mình”.

Trong phòng trọ hơn 15 m2, chị Thúy ngồi tính các khoản chi phí cho hai con 7, 15 tuổi khi năm học mới bắt đầu. Tổng số tiền phải đóng hơn 10 triệu đồng, vừa đúng bằng mức lương 21 năm thâm niên của chị ở Pouyuen. Tiền phòng, điện nước, ăn uống cả gia đình tháng này trông vào công việc thợ hồ của chồng.

“Anh đi làm đều, tiền công nhiều thì đỡ, nếu ít cả nhà phải nhịn bớt”, chị Thúy nói, cho biết hơn một năm qua việc làm của chồng không thuận lợi vì nhiều công trình xây dựng ngưng trệ. Anh đăng ký chạy thêm xe công nghệ nhưng nhiều lúc “cả ngày không nổ cuốc”. Cả nhà sống gói ghém nhờ vào tiền lương tháng của chị ở Pouyuen.

Người lao động Công ty Pouyuen, quận Bình Tân, sau giờ làm, năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Người lao động Công ty Pouyuen, quận Bình Tân, sau giờ làm, năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Người mẹ hai con nói chưa bao giờ sợ mất việc như giai đoạn này dù có lúc chị mong được vào danh sách giảm của công ty. Hơn ba năm trước, lần đầu tiên công ty cắt gần 2.800 công nhân, hỗ trợ mỗi năm làm việc một tháng lương. Người làm lâu năm nhận cả trăm triệu đồng. Chị nhẩm tính với thâm niên 18 năm, lương cơ bản chục triệu đồng, nếu vào danh sách chị sẽ nhận 180 triệu đồng.

“Tôi trượt danh sách”, chị Thúy nói. Lúc đó chị hơi tiếc số tiền mà gần như cả đời chưa dành dụm được. Tuy nhiên, đợt Covid-19 chứng kiến nhiều đồng nghiệp tiêu sạch số tiền công ty hỗ trợ, tìm kiếm việc mới khó khăn, lương chỉ bằng một nửa lúc làm ở Pouyuen, chị lại thấy mình may mắn.

Hồi tháng 2 năm nay, khu D, nơi chị làm việc giảm hơn 2.300 công nhân, mỗi năm làm việc được hỗ trợ 0,8 tháng lương. Chị là một trong số ít người đề nghị được ở lại nhà máy, từ chối thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Chị được chuyển sang khu C, làm ở khâu may giày. Liên tiếp sau đó, công ty lại có những đợt giảm lao động mới, mỗi lần lên đến hàng nghìn người.

Nữ công nhân nói rằng khi xác định ở lại là nghĩ đến đường dài, muốn có việc để lo cho con, về già nhận lương hưu nhưng cứ vài tháng lại nghe cắt giảm khiến đầu óc chị căng thẳng.

“Nếu công ty cắt cả chuyền, giải tán nguyên xưởng, mình rất khó xin ở lại”, chị Thúy không giấu được lo lắng. Với chị, ngay cả khi được hỗ trợ 200 triệu đồng nhưng do gắn bó quá lâu với nhà máy, lớn tuổi, chị không tin mình có thể dùng số tiền này làm vốn kinh doanh, về quê làm nông hay xin việc mới càng khó.

Tương tự, cả tháng qua chị Nguyễn Thị Trầm, hơn 17 năm gắn bó với Công ty TNHH Nobland Việt Nam (quận 12), không thể yên tâm làm việc, luôn trong trạng thái lo lắng sẽ bị gọi tên lên chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào.

Chị Trầm thuộc thế hệ công nhân đầu tiên khi Nobland, hoạt động trong lĩnh vực may mặc, xây dựng nhà xưởng ở Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp vào năm 2003. Thời điểm đó công ty trả lương theo thời gian, ngày làm 8 tiếng. Cùng với đó, mỗi chuyền, tổ sản xuất đều đảm bảo hoàn thành kế hoạch, tiến độ, định mức sản phẩm do ban giám đốc giao.

Công nhân Nobland trong giờ sản xuất, năm 2021. Ảnh: Lê Tuyết

Công nhân Nobland trong giờ sản xuất, năm 2021. Ảnh: Lê Tuyết

Để khuyến khích công nhân gắn bó lâu dài, giai đoạn đầu công ty có quy định công nhân làm việc 1-5 năm, mỗi năm được tăng lương cơ bản 5%. Thời gian tiếp theo, tùy số năm mức tăng sẽ tương ứng nhưng không quá 10%. Ngoài ra, khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu, công ty cũng sẽ thực hiện theo.

Sau này chính sách thay đổi, mức tăng hàng năm không quá 5%, tuy nhiên theo chị Trầm trong thời gian dài chính sách đã giữ chân được nhiều lao động ở lại. Sau 17 năm, lương cơ bản mỗi tháng của chị gần 11 triệu đồng, chưa kể phụ cấp. Mấy năm qua, công ty áp dụng lương sản phẩm nên vận động những công nhân lâu năm như chị Trầm chuyển đổi. Lương cơ bản giảm xuống chưa đến 5 triệu đồng mỗi tháng, thu nhập tăng thêm dựa vào năng suất làm việc.

Người mẹ hai con nói không thể chuyển đổi bởi lúc trẻ, khỏe, tay chân nhanh nhẹn nhất đã “ăn lương thời gian, cống hiến hết sức lực cho công ty”. Giờ đây, khi chuyển sang lương sản phẩm sẽ không theo kịp công nhân trẻ, dễ bị đánh rớt khỏi chuyền vì không đạt sản lượng.

“Tôi rất áp lực”, chị Trầm nói. Mỗi ngày đến xưởng chị được cán bộ phụ trách vận động chuyển đổi sang hưởng lương sản phẩm. Hai năm trước công ty quyết thực hiện nên chị và nhiều người ngừng việc phản đối. Mới đây, công ty lấy lý do thay đổi cơ cấu lao động, tính cho hơn 600 công nhân lâu năm, hầu hết đang nhận lương thời gian nghỉ việc. Công nhân gửi đơn cầu cứu khắp nơi nên ngành chức năng yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng chờ thông báo mới.

Nữ công nhân nói cố gắng cầm cự để đạt 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, sau này có lương hưu, song lúc này “quyền quyết định không còn nằm ở mình”.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, lo lắng của những công nhân lớn tuổi như chị Trầm, chị Thúy là có cơ sở khi nhìn vào độ tuổi cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp.

Đơn cử như ở đợt giảm lao động đầu năm ở Pouyuen, trong hơn 2.300 lao động, nhóm trên 40 tuổi chiếm 54%, tỷ lệ này ở độ tuổi 30-40 là 39%. Khoảng 87% lao động có thời gian làm việc tại công ty từ 10 năm trở lên. Ở đợt cắt giảm giữa năm, trong gần 6.000 người mất việc 45% từ 21 đến 40 tuổi, hơn 50% trên 40 tuổi và khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên.

Theo ông Lộc, lao động lớn tuổi mất việc đối mặt nhiều rủi ro hơn. Ngay cả khi được hỗ trợ một khoản tiền như ở Pouyuen, không phải ai cũng có khả năng kinh doanh nên tìm cách quay lại công xưởng. Tuy nhiên, do tuổi tác họ phải chấp nhận những công việc thời vụ, lương thấp, xưởng sản xuất nhỏ với điều kiện sản xuất tệ hơn, phúc lợi ít.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nói có những ngành nghề lao động thâm niên trên 10 năm với kinh nghiệm, kỹ năng tốt sẽ trở thành tài sản quý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nhóm thâm dụng lao động, sau 10 năm, năng suất có thể trên đà đi xuống trong khi hệ thống đánh giá, trả lương lại dựa vào thâm niên. Tức năng suất và tiền lương không tương đồng, doanh nghiệp tìm cách cắt giảm để bớt chi phí.

“Khi cho lao động thâm niên nghỉ việc, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không lấy lý do độ tuổi mà dùng cách thức khác”, ông Bình nêu. Giảm lao động do thay đổi cơ cấu pháp luật không cấm. Tuy nhiên nếu nhóm bị giảm tập trung vào công nhân lớn tuổi thì đó là “dấu hiệu của phân biệt đối xử lao động”. Điều này pháp luật Việt Nam và nhiều quốc gia khác không cho phép.

Theo ông Bình, trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi cho lao động, vai trò của công đoàn cơ sở rất quan trọng. Công đoàn cần thu thập thông tin chứng minh doanh nghiệp đang nhắm đến lao động lớn tuổi. Ví dụ nếu giảm 100 lao động nhưng có đến 60 người trên 40 tuổi thì đó là chứng cứ quan trọng nhà máy tập trung vào người lớn tuổi. Từ đây công đoàn có biện pháp hỗ trợ, thậm chí khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi lao động.

* Tên công nhân đã thay đổi theo yêu cầu

Lê Tuyết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here