Công nhân lập nhóm giúp đồng nghiệp khó khăn

0
3
Công nhân lập nhóm giúp đồng nghiệp khó khăn

Qua mạng xã hội, công nhân kết nối, lập đội giúp đồng nghiệp hoặc người thân ở quê vượt qua khó khăn như sửa nhà, giải cứu nông sản, đưa nước về vùng hạn mặn…

Sáng 28/4, 8 thành viên đội tình nguyện Changshin có mặt tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) hoàn thiện căn nhà của chị Đinh Thị Thương. Nguyễn Hưng, 33 tuổi, trưởng nhóm phân công đầu việc dựa vào kỹ năng của từng thành viên làm thạch cao, sơn nước, sơn tường, cơ khí, lợp tôn… Bản thân không có “nghề tay trái”, anh Hưng nhận phần bê sơn nước, chạy việc vặt cho đội.

Các thành viên đội tình nguyện Changshin đóng la-phông cho căn nhà của chị Thương, sáng 28/4. Ảnh: An Phương

Các thành viên đội tình nguyện Changshin sửa nhà của chị Thương, sáng 28/4. Ảnh: An Phương

Chủ nhật tuần trước, một nhóm khác đã tháo dỡ toàn bộ mái tôn dột nát, gia cố cột yếu, nâng trần để đội đóng la phông chống nóng. “Cố gắng xong hôm nay để bốn mẹ con chị Thương dọn về kịp đón lễ”, anh Hưng đề nghị. Cả đội làm xuyên trưa bất chấp nhiệt độ ngoài trời có lúc gần 40 độ C. Đến cuối ngày, căn nhà thép tiền chế hoàn thành. Các thành viên phụ sắp xếp lại đồ đạc giúp người mẹ đơn thân.

Nhà của chị Thương là căn thứ hai được nhóm của anh Hưng với thành viên được quy tụ thông qua mạng xã hội, sửa chữa miễn phí. Vật liệu hơn 45 triệu đồng do công đoàn Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) hỗ trợ.

Cách đây 6 năm, anh Hưng là công nhân Changshin, được mời làm quản trị viên nhóm “Công nhân có gì vui”. Lúc đó số người tham gia group đã lên đến hàng chục nghìn, chủ yếu làm việc ở Công ty Changshin Việt Nam. Vốn yêu thích hoạt động xã hội, anh cùng nhiều bạn bè bỏ tiền mua thực phẩm tặng cho người lang thang hoặc kêu gọi quyên góp trẻ em là con lao động nghèo mắc bệnh nặng.

Nhờ công khai minh bạch mọi chi phí, phát trực tiếp khi trao tiền, quà để các thành viên theo dõi, anh Hưng được mọi người tin tưởng. Tháng trước, anh nhận được đề nghị giúp đỡ gia đình nam công nhân khó khăn, bố bị tai nạn lao động, nền nhà gồ ghề không thể di chuyển xe lăn.

Đến tận nơi kiểm tra, anh lên kế hoạch nâng, lát lại nền nhà cho gia đình. Sau 30 phút trưởng nhóm kêu gọi, có 5 người đăng ký tham gia. Tất cả đều là công nhân nhưng có nghề tay trái là thợ xây. Nhiều người nhắn tin góp bao xi măng, xe cát…

Nhiều năm qua, Công ty Changshin Việt Nam có chương trình “Mái ấm công đoàn”. Hàng tháng, mỗi công nhân trích lương góp 1.000 đồng tạo quỹ giúp đồng nghiệp xây, sửa nhà. Tuy nhiên, theo quy chế của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, số tiền chi cho mỗi căn không được quá 50 triệu đồng.

Công nhân lập nhóm ‘giải cứu những ca khó’ giúp đồng nghiệp

Công nhân lập nhóm ‘giải cứu những ca khó’ giúp đồng nghiệp

Đội tình nguyện Changshin sửa lại nhà giúp chị Đinh Thị Thương, sáng 28/4. Video: An Phương

Theo Chủ tịch công đoàn Changshin Đặng Tuấn Tú, trước đây 50 triệu đồng mua được nhiều thứ nhưng khi vật liệu, giá nhân công tăng, gói hỗ trợ “chẳng còn được mấy”. Nhiều năm qua, ông muốn lập một đội hỗ trợ thi công “Mái ấm công đoàn” giúp công nhân giảm bớt chi phí, song chưa tìm được người. Khi biết nhóm của Hưng, ông muốn phối hợp lập đội chuyên nghiệp.

Nhận đề nghị của công đoàn, anh Hưng đăng lên nhóm. Ngay lập tức anh nhận được hơn 20 lời muốn tham gia. Các thành viên có độ tuổi bình quân 32, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau và cùng điểm chung “muốn giúp đỡ đồng nghiệp khó khăn”. Đội chuyên thi công vào chủ nhật khi công việc ở nhà máy được nghỉ. Do thời gian hạn hẹp, nhóm tranh thủ làm xuyên trưa hoặc đến tối mịt để đẩy nhanh tiến độ.

“Nhờ có đội tình nguyện sửa nhà miễn phí, giá trị 50 triệu tặng công nhân được tăng lên”, ông Tú nói. Theo kế hoạch, mỗi năm công đoàn hỗ trợ ít nhất cho 10 lao động tiền sửa nhà nên sắp tới công việc của đội sẽ nhiều hơn. Sắp tới, công đoàn hỗ trợ bảo hộ lao động, đồ nghề, cơm nước đi làm ngày chủ nhật cho đội.

Khác với nhóm của Hưng, group Khu chế xuất Tân Thuận (TP HCM) tập trung hỗ trợ người thân của công nhân ở quê nhà gặp khó khăn. Quản trị viên Phạm Thiều, 46 tuổi, làm việc cho một công ty trong khu, cho biết mục đích ban đầu lập nhóm để tạo không gian cho anh chị em chia sẻ công việc, tìm kiếm nhà trọ, giúp nhau bán hàng online…

Nhóm hoạt động ổn định được 8 năm qua, cao điểm có gần 60.000 thành viên. Để công nhân tin tưởng, quản trị viên khi đưa thông tin phải dẫn nguồn từ báo chí chính thống. Bản thân có kiến thức về truyền thông, pháp luật, thông qua nhóm, anh Thiều diễn đạt các thông tin hữu ích đến công nhân một cách dễ hiểu nhất.

Xem group như một người bạn, nhiều công nhân sẵn sàng chia sẻ chuyện vui buồn. Hơn hai năm trước, một thành viên đăng tin “Chán quá mọi người ơi, ba em ở Long An trồng thanh long, bán 500 đồng một ký mà không ai mua, phải để chín rục, đổ cho bò”.

Đọc được dòng tin, ý nghĩ đầu tiên của anh Thiều là cần giải cứu ngay bởi gia đình lâm cảnh khó khăn, công nhân khó an tâm làm việc. Nói là làm, anh liên hệ người đăng tin, lấy địa chỉ, số điện thoại rồi lặn lội về tận nơi xác minh. Cùng lúc anh tổ chức thăm dò trên group, nhiều thành viên chọn tham gia, đăng ký mua từ 10 kg.

Không chỉ gia đình của thành viên trong nhóm, anh Thiều gom thêm của các hộ xung quanh đang lâm cảnh “được mùa mất giá” được tổng 5 tấn, anh trả cho nông dân 1.800 đồng mỗi kg. Sau khi tính chi phí vận chuyển 5 triệu đồng, hao hụt, anh bán lại cho công nhân 3.000 đồng mỗi kg, bằng một nửa giá chợ thời điểm đó.

Anh Phạm Thiều khi nhận xe khoai lang từ Gia Lai, hồi cuối tháng 4. Ảnh: An Phương

Anh Phạm Thiều khi nhận xe khoai lang từ Gia Lai, hồi cuối tháng 4. Ảnh: An Phương

Sau lần đánh liều cứu thanh long, nhóm Công nhân Khu chế xuất Tân Thuận đã lần lượt giải cứu cam Vĩnh Long, dưa hấu Long An, khoai lang Gia Lai, củ đậu Quảng Ngãi… Với số nông sản lên đến chục tấn mỗi lần. Đầu mối là gia đình của công nhân ở quê trồng nhưng không bán được, nhờ nhóm giúp đỡ.

Khi group “giải cứu”, những thành viên có quê ở địa phương đó sẽ xung phong bốc dỡ hàng, cân đo, kêu gọi nhau cùng mua… Nhiều cán bộ công đoàn, nhân sự ở công ty thấy việc làm ý nghĩa cũng tham gia bán giúp. Hiện, nhóm gom nước để đưa về các vùng hạn mặn. Mỗi thành viên góp một bình 39.000 đồng, riêng anh và bạn bè bỏ tiền túi tặng 3.000 bình nước 20 lít và 5 xe bồn.

“Giúp được gia đình rộng hơn là bà con ở quê của họ bán được nông sản khiến các thành viên trong nhóm thấy có ích và gắn kết hơn”, quản trị viên vốn xuất thân từ một công nhân, nhận định.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội, công nhân, lao động di cư có xu hướng gắn kết, tập hợp với nhau theo ngành nghề hoặc quê hương. Trong các báo cáo, khảo sát của Viện, khi được hỏi “bạn có tham gia hội, nhóm nào không”, hầu hết câu trả lời là có. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc họ là người yếu thế, ít vốn, xa quê, không người thân… nên liên kết nhau để tương trợ khi khó khăn.

“Điều này giúp người lao động tạo ra nguồn vốn xã hội vững chắc, tức sự liên kết giữa người với nhau được thúc đẩy”, ông Lộc nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Changshin Đặng Tuấn Tú cho rằng trong bối cảnh công nhân “sinh hoạt chủ yếu trên mạng” thì các nhóm với quản trị viên “có tâm” là cánh tay nối dài giúp công đoàn tuyên truyền chính sách pháp luật hiệu quả. Các đội tình nguyện giúp các hoạt động chăm lo của doanh nghiệp được triển khai đến người lao động hiệu quả, lan tỏa hơn.

Lê Tuyết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here