Chủ động thích ứng

0
58
Chủ động thích ứng

Biên phòng – Được xem là một động lực chính kéo tăng trưởng kinh tế đi lên trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thời gian qua chưa thể khởi sắc. Nếu không kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực cho lĩnh vực này, thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm nay và những năm tiếp theo.

Chủ động thích ứng
Ảnh: minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực có kim ngạch trên 5 tỷ USD đều giảm gồm: lắp ráp điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, thuỷ sản, dệt may, da giày.

Khủng hoảng đã xuất hiện đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ khi hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đang trong tình trạng “ăn đong” từng đơn hàng. Tương tự, ngành thủy sản đã đối mặt với nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính từ đầu năm 2023, khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản giảm từ 20-50%, lượng tồn kho tăng. 5 tháng qua, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,37 tỷ USD.

Xuất khẩu giảm sâu nhất phải kể đến lĩnh vực dệt may. Đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ở mức 44,4 tỷ USD và đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 47 tỷ USD trong năm 2023. Thế nhưng, đến thời điểm này, ngành dệt may Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu đơn hàng, giá giảm tác động mạnh tới các doanh nghiệp. 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, thiếu đơn hàng trầm trọng nên không ít doanh nghiệp dệt may phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không phải chủ đạo, lợi nhuận thấp, để có thể duy trì hoạt động sản xuất. Dự kiến, toàn ngành dệt may nỗ lực ở mức cao nhất cũng chỉ đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay…

Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Thị phần giảm, nhưng đối thủ cạnh tranh lại tăng lên. Bởi, Việt Nam không còn giữ lợi thế chi phí lao động rẻ, khi nhiều quốc gia châu Á đang nổi lên là trung tâm sản xuất mới nhờ nguồn nhân lực dồi dào và đổi mới công nghệ.

Mặt khác, trong khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chưa phục hồi thì cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Trước những thách thức này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, doanh nghiệp phải tích cực chuyển đổi, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thị trường.

Các hiệp hội xuất khẩu cần đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, định hướng để các doanh nghiệp có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất. Đồng thời, ổn định dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi.

Rõ ràng, khó khăn lúc này mà các doanh nghiệp đang phải chống chịu cũng không khác gì so thời điểm gián đoạn sản xuất, kinh doanh vì dịch Covid-19 bùng phát. Trước thực tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã hết thời gian thực hiện, hoặc hiệu quả thấp, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh; ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực xuất, nhập khẩu.

Để gỡ khó cho các hoạt động tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công thương tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng, liên thông, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Tài chính cần khẩn trương xem xét, tháo gỡ vướng mắc liên quan tới chính sách về giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Thanh Thảo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here