Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ để lại, người lao động lĩnh hậu quả

0
70
Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ để lại, người lao động lĩnh hậu quả

Kỳ nghỉ phép dài mãi mãi 

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, lao động Đà Nẵng mới đây, cử tri Huỳnh Thị Bình phản ánh, vào ngày 21/7/2018, Giám đốc công ty Công ty TNHH MTV TBO Vina, nơi chị từng làm việc, thông báo cho toàn bộ người lao động nghỉ phép đến hết ngày 30/7/2018.

Kể từ đó, Giám đốc công ty Kim Sang Bong đã bỏ trốn, tính đến nay đã 5 năm, trong khi doanh nghiệp còn nợ người lao động (NLĐ) một phần tiền lương tháng 6, toàn bộ lương tháng 7/2018 và nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), tổng số tiền gần 14 tỷ đồng.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ để lại, người lao động lĩnh hậu quả - 1

Cử tri Huỳnh Thị Bình phản ánh quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng do chủ công ty bỏ trốn, nợ lương (Ảnh: Hoài Sơn).

Người lao động đã nhờ Công đoàn thành phố, Công đoàn khu công nghệ cao và các khu công nghiệp khởi kiện công ty đòi quyền lợi. Đến tháng 5/2022, người lao động mới được giải quyết tiền lương.

Tuy nhiên, tài sản của doanh nghiệp bán được không đủ trả tiền bảo hiểm nên từ đó đến nay, chế độ BHXH của người lao động chưa được giải quyết.

“Vì vậy, tôi mong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có ý kiến gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp đảm bảo quyền lợi để tôi và nhiều công nhân khác được đảm bảo chế độ khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản, giải thể”, chị Bình kiến nghị.

Điều kiện ràng buộc trách nhiệm chủ sử dụng lao động

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, vụ việc Công ty TBO xảy ra năm 2018 đã ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Tổng nợ BHXH và tiền lương của doanh nghiệp trên là 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản sau khi thanh lý chỉ được khoảng 1,5 tỷ đồng, không đảm bảo các quyền lợi của người lao động.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ để lại, người lao động lĩnh hậu quả - 2

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng trả lời vấn đề cử tri quan tâm (Ảnh: Hoài Sơn).

Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch Đầu tư. Theo quy định, khi Sở Kế hoạch Đầu tư có văn bản xác định hiện không có người đại diện theo pháp luật của công ty thì cơ quan bảo hiểm mới chi trả chế độ BHXH một lần cho người lao động.

“Sự việc này cho thấy, cuối cùng, NLĐ vẫn là đối tượng bị thiệt thòi, cả về chế độ BHXH và tiền lương, dù Sở đã tham mưu UBND thành phố hỗ trợ gần 500 triệu đồng để đóng các chế độ cho NLĐ”, ông Nam nói.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đề xuất thành phố kiến nghị cơ quan lập pháp xây dựng thêm những quy định ràng buộc trách nhiệm với các chủ sử dụng lao động.

Ông dẫn chứng, Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động phải ký gửi 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp được hưởng lãi suất từ số tiền này nhưng không được rút tiền gốc và khi xảy ra các vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, cơ quan nhà nước có đặc quyền sử dụng quỹ đó.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here