Cho vay từ khoản đóng quỹ BHXH sẽ giảm nhận trợ cấp một lần

0
69
Cho vay từ khoản đóng quỹ BHXH sẽ giảm nhận trợ cấp một lần

Theo chuyên gia, người lao động khi gặp khó khăn nếu được vay thế chấp bằng khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội sẽ hạn chế rút trợ cấp một lần.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM đề xuất cần nghiên cứu việc xem số năm, số tiền đóng vào quỹ hưu trí như tài sản tích lũy để người lao động được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi khi có nhu cầu cấp bách. Số tiền được vay dựa vào xếp hạng tín nhiệm tài chính như thời gian, mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động. Cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm thông báo cho ngân hàng khi việc đóng góp vào quỹ hưu trí biến đổi để đôi bên thuận tiện xử lý các khoản nợ.

Kiến nghị như trên cũng được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng vào cuối tháng 5 sau khi lấy ý kiến người lao động.

Người dân rút trợ cấp một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức vào sáng 7/12

Người dân rút trợ cấp một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân – Công đoàn, cho rằng xét về nhu cầu của người lao động thì đây là phương án phù hợp. Khảo sát do viện thực hiện vào cuối năm ngoái với trên 6.200 công nhân, nếu mất việc chỉ 11,7% có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1-3 tháng và 12,7% được trên ba tháng. Lúc này tiền đóng góp vào quỹ là khoản tích lũy duy nhất họ có, “không khác gì sổ tiết kiệm”.

Theo ông Tiến, có những người chỉ cần 20-30 triệu đồng để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, họ không thể đề nghị cơ quan BHXH cho nhận một phần trong số tiền đã đóng, vừa đủ nhu cầu chi tiêu mà bắt buộc phải rút toàn bộ. Điều này khiến người lao động phải rời khỏi hệ thống an sinh. Nếu chưa đủ một năm nghỉ việc, lao động còn bán sổ bảo hiểm giá trẻ.

Thực tế, có trường hợp rút BHXH một lần sau đó công việc tốt, có thu nhập muốn trả lại tiền, chấp nhận đóng phần lãi phát sinh để được hưởng lương hưu nhưng pháp luật không cho phép. Do đó, khi cho vay bằng khoản thế chấp số tiền được hưởng một lần sẽ thêm lựa chọn cho người lao động.

Ông Cao Văn Sang, nguyên giám đốc BHXH TP HCM, nói đã biết đến mô hình thế chấp sổ bảo hiểm để vay vốn từ năm 1999 khi sang Philippines học tập kinh nghiệm. Tất cả lao động đang tham gia quỹ hưu trí đều được vay tùy theo thời gian, mức đóng.

Theo ông Sang, khi thực hiện chính sách này, ngành BHXH có hai cái lợi. Đầu tiên, người lao động rất quan tâm đến kết quả nộp vào quỹ, bởi khi đóng ở mức cao, thời gian dài sẽ được vay nhiều. Do tác động lợi ích trước mắt, người lao động sẽ phản ứng khi doanh nghiệp “tách” lương làm nhiều khoản để tham gia bảo hiểm mức thấp. Điều này giúp hạn chế tình trạng đóng thiếu và không đủ.

Thứ hai, số tiền kết dư của quỹ được BHXH cho ngân hàng vay nhưng lãi suất thấp, 6% mỗi năm. Tuy nhiên, mức lãi khi thông qua ngân hàng để cho người lao động vay tăng lên 8% mỗi năm. Phần chênh lệch này chia đôi cho hai bên, quỹ có thêm nguồn.

“Đây là cách làm hay, giúp người lao động gắn bó với quỹ bảo hiểm xã hội, sinh lời và giải quyết được yêu cầu nhận trợ cấp một lần”, ông Sang nói.

Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại huyện Hóc Môn, TP HCM, tháng 4/2023. Ảnh: Đình Văn

Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại huyện Hóc Môn, TP HCM, tháng 4/2023. Ảnh: Đình Văn

Chuyên gia tài chính Nguyễn Cao Hữu Trí cho rằng để thực hiện được mục tiêu thế chấp khoản đóng góp vào quỹ BHXH khi vay vốn, giúp người lao động ở lại hệ thống an sinh, trước hết phải đóng lại điều khoản cho rút BHXH một lần. Bởi giữa một bên phải trả lãi vay và một bên được nhận cả khoản tiền đóng góp thì người lao động sẽ chọn rút bảo hiểm.

Hiện, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất khi rút một lần tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Như vậy, số tiền hưởng trợ cấp một lần sắp tới sẽ ít hơn so với luật hiện hành. Do đó nếu cho vay với hạn mức tối đa bằng khoản đóng góp vào quỹ, người lao động sẽ chuyển sang vay. Người lao động thay vì rút trực tiếp từ quỹ bảo hiểm sẽ chuyển sang rút gián tiếp từ ngân hàng. Nếu họ không trả nợ, phương án cuối cùng xử lý tài sản thế chấp để bảo toàn vốn.

“Khi số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm bị ngân hàng xử lý cho khoản vay, người lao động không còn trong hệ thống nữa. Như vậy mục tiêu giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh sẽ không đạt được”, ông Trí nói. Vì vậy hạn mức vay cần thiết kế phù hợp, giúp người lao động tiếp cận được vốn để giải quyết khó khăn đột xuất mà vẫn giữ được toàn bộ quá trình đóng góp vào quỹ để sau này được hưởng lương hưu.

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trí cho rằng trong hoạt động tín dụng, cho vay chỉ là chuyện rất nhỏ, quan trọng là khả năng trả nợ. Nếu lao động còn làm việc, có thu nhập thì ngân hàng thương mại có thể tham gia. Tuy nhiên, với công nhân thất nghiệp sẽ rất khó trả hết nợ. Lúc này, cần sự tham gia của ngân hàng chính sách, quỹ tín dụng của nhà nước, tổ chức tài chính vi mô với những khoản vay nhỏ sẽ phù hợp hơn.

Giám đốc BHXH TP HCM Lò Quân Hiệp cho hay cần tham khảo cách làm rất thành công của Hàn Quốc. Ngoài hạn chế rút một lần, ngân hàng nước này thiết kế các mức cho vay phù hợp, giải ngân nhanh, được người lao động ủng hộ. Đặc biệt, Hàn Quốc quy định nếu doanh nghiệp để nợ bảo hiểm sẽ không được tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Do đó, việc đóng góp vào quỹ được thực hiện nghiêm túc, gần như là ưu tiên hàng đầu giúp việc xếp hạng tín nhiệm rất thuận lợi.

Lê Tuyết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here