Cho trẻ uống oresol thế nào mới an toàn?

0
109
Cho trẻ uống oresol thế nào mới an toàn?

Pha oresol sai cách rất nguy hiểm

Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) thông tin một trường hợp bệnh nhi 15 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng co giật, não tổn thương. Theo lời kể của người nhà, trẻ bị tiêu chảy và được gia đình bổ sung oresol bù nước, sau đó trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường và được đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ kiểm tra, phát hiện người nhà đã pha dung dịch oresol cho bé uống quá đậm đặc, không đúng tỷ lệ khuyến cáo. Đây là nguyên nhân khiến bé bị sốc, co giật. Ê-kíp bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực, tuy nhiên, tình trạng của trẻ quá nặng nên gia đình đã xin đưa bé về nhà. Sau đó, bé tử vong.

Lý giải rõ hơn về trường hợp này, TS. Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) cho hay, oresol là một loại thuốc quen thuộc với các bà mẹ, bệnh nhi và cả người lớn. Đây là dung dịch bù điện giải dùng trong các trường hợp như: tiêu chảy mất nước, sốt virus, mất nước trong trường hợp sốt xuất huyết (độ I, II, III), mất nước trong quá trình vận động nhiều như vận động viên, hoặc nắng nóng quá nhiều có thể bù dung dịch oresol.

Sử dụng oresol phải có hướng dẫn rất cụ thể, mặc dù là dung dịch hỗ trợ điều trị và điều trị khá an toàn, tuy nhiên cách thức uống, pha chế, liều lượng dùng phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

“Việc pha oresol sai cách rất nguy hiểm, bởi trong oresol có 4 thành phần chính gồm: Natri Clorid, Natri bicarbonat, Kali Clorid, Glucose khan. Khi pha phải làm theo đúng tỷ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất. Ví dụ có những gói oresol dành cho trẻ nhỏ có thể pha 1 gói trong 200ml nước, những gói dành cho người lớn có thể pha 1 gói trong 1000ml nước. Việc pha đúng, đủ lượng nước quyết định nồng độ thẩm thấu của dung dịch và quyết định các điện giải đưa vào cơ thể.

Khi pha với nồng độ quá đậm đặc có thể khiến trẻ bị ngộ độc Natri, gây ra tình trạng cấp cứu như: nôn mửa, co giật, thậm chí nặng hơn có thể gây viêm não, phù não, tổn thương não và tử vong. Hoặc có thể có những triệu chứng thừa nước, như uống quá nhiều có thể gây ngộ độc nước cũng gây nguy hiểm với trẻ”, bác sĩ Xuân nhấn mạnh.

Cho trẻ uống oresol thế nào mới an toàn? ảnh 1

TS. Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Nga

Cũng theo bác sĩ Xuân, thực tế tại bệnh viện đã gặp những trường hợp bé uống oresol pha sai tỷ lệ. Nhưng may mắn chưa có bệnh nhi nào bị nặng ảnh hưởng đến tính mạng.

Có những phụ huynh pha oresol cho trẻ uống quá nhiều hoặc quá đậm đặc. Cụ thể là các em bé điều trị tiêu chảy cấp thường được kê oresol để uống bù điện giải. Bởi trẻ bị tiêu chảy cấp thường rất khó ăn uống và ngoài tiêu chảy thì còn bị nôn, đầy bụng, nên việc dung nạp thức ăn, thuốc và cả oresol cũng rất khó khăn, rất dễ nôn. Cha mẹ có thể nghĩ pha nửa nước để trẻ uống hết bù điện giải, thay bằng pha đủ nước theo đơn bác sĩ kê.

“Tuy nhiên, việc làm này rất nguy hiểm, bởi dung dịch oresol đảm bảo áp lực thẩm thấu trong điều kiện pha đúng theo tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất”, bác sĩ Xuân cho hay.

Không tự chế thêm nước ngọt, nước hoa quả, hoặc đun nóng… dung dịch oresol

Một số trường hợp bé điều trị tiêu chảy, bác sĩ kê đơn uống bổ sung oresol. Vị oresol thông thường không thực sự dễ uống đối với các trẻ nhỏ nên các mẹ đã “sáng tác” pha chung với sữa hoặc nước ngọt… Thậm chí có những phụ huynh sau khi pha oresol lại mang đun nóng lên cho con uống.

Theo bác sĩ Xuân, cách này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của dung dịch. Đặc biệt khi đun nóng các thành phần trong thuốc có thể thay đổi, các yếu tố điện giải có thể bị thay đổi hàm lượng và có thể làm thay đổi nồng độ thẩm thấu.

Khi uống oresol cũng cần uống từ từ, theo liều lượng khuyến cáo. Ví dụ, người lớn hàm lượng là 75ml/kg/4h, trẻ nhỏ tùy theo tuổi, nhũ nhi có thể uống 50ml và uống từ từ từng thìa nhỏ. Các bé 2-6 tuổi thì có thể uống 100ml, 6-12 tuổi thì có thể uống 200ml. Không nên trẻ cho uống quá nhiều, bởi có thể khiến trẻ dễ nôn, đầy bụng, ngộ độc nước.

“Tuyệt đối không tự chế thêm nước ngọt, nước hoa quả, đun nóng, hoặc dùng nước khoáng để pha oresol… Bởi pha oresol bằng nước khoáng cũng có thể làm thay đổi hàm lượng gốc muối trong thành phần của oresol. Nên dùng nước lọc để pha cho đúng và đủ”, bác sĩ Xuân khuyến cáo.

Cho trẻ uống oresol thế nào mới an toàn? ảnh 2

Bác sĩ Xuân thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Ngọc Nga

Dùng oresol theo chỉ định của bác sĩ

Nhiều bà mẹ truyền tai nhau khi con bị sốt nhẹ cho uống oresol để bù nước cho nhanh khỏe. Mặc dù oresol là dung dịch có thể bù điện giải cho cơ thể. Trong một số trường hợp như tiêu chảy mất nước, sốt virus, sốt xuất huyết (độ I,II,II), mệt mỏi trong quá trình vận động thể thao… có thể bù dung dịch bằng oresol. Song chuyên gia bệnh nhi khuyên, không nên quá lạm dụng, khi các em bé bị sốt, mệt mỏi…, có thể bù cho em bé bằng các loại nước dinh dưỡng, sữa, nước hoa quả… Trường hợp các bé nôn, mất nước, tiêu chảy có thể dùng oresol theo đúng hướng dẫn.

“Khi sử dụng oresol cần phải có sự chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là vấn đề pha chế, bảo quản. Tôi đã gặp trường hợp bệnh nhân uống oresol pha sẵn từ ngày hôm trước, điều này cũng không được. Oresol chỉ nên dùng trong 24h, không nên để quá lâu có thể nhiễm khuẩn khiến tình trạng bệnh nặng hơn”, bác sĩ Xuân nói.

Ngoài dùng oresol để bù điện giải cho trẻ khi bị sốt, có thể tăng cường cho bé các loại dinh dưỡng bổ sung nước: sữa, nước cháo, nước dừa…

“Với các em bé mắc bệnh, thông thường nếu ho, sốt, sổ mũi nhẹ có thể dùng hạ sốt theo đúng khuyến cáo và theo dõi tại nhà, tuy nhiên trong một số trường hợp em bé mệt mỏi hoặc có dấu hiệu bất thường: nôn trớ quá nhiều, tiêu chảy, mệt mỏi, bỏ ăn, lờ đờ… thì phải đưa bé đến cơ sở y tế ngay. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc, tự ý nghe chia sẻ mà tự mua thuốc. Bởi mỗi em bé là một cơ thể khác nhau, thể trạng khác nhau, đặc biệt ở bệnh nhi diễn tiến bệnh rất nhanh, vì thế cha mẹ cần tuân thủ đúng khuyến cáo của các bác sĩ”, bác sĩ Xuân nhấn mạnh.

“Về góc độ chuyên môn, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo bệnh nhân dùng oresol chuẩn theo khuyến cáo của WHO và của UNICEF, dùng trong các trường hợp bệnh nhân nôn, tiêu chảy, mất nước, sốt xuất huyết, mất điện giải…

Không nên lạm dụng sử dụng những dung dịch nước gọi là điện giải mà không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc sản xuất bởi các cơ sở không uy tín, không có kiểm nghiệm của nhà nước.

Khi dùng phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và đúng tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất. Pha chế phải tuyệt đối đúng tỷ lệ, không được pha nhiều, ít, chia nhỏ gói, cho nhiều nước… vì bù điện giải phải đảm bảo áp lực thẩm thấu của đường ruột, đảm bảo dung môi cơ thể an toàn”, TS. Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here