Chia sẻ khó khăn, lan tỏa yêu thương

0
3
Chia sẻ khó khăn, lan tỏa yêu thương

Biên phòng – Chuyến thiện nguyện lần này chúng tôi hướng về vùng biên Quảng Bình đầy nắng gió. Đang giữa mùa hè, trời nắng nóng như đổ lửa. Quãng đường đi gần 700km khiến chúng tôi có chút mệt mỏi, nhưng cứ nghĩ tới niềm mong mỏi và nụ cười của thầy cô giáo, học sinh và cán bộ Biên phòng nơi biên ải là cả đoàn cảm thấy như được tiếp thêm động lực.

Chia sẻ khó khăn, lan tỏa yêu thương
Bản Coóc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Bảo Hà

Thượng Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là xã đặc biệt khó khăn, 100% dân số là người dân tộc Ma Coong (Bru – Vân Kiều). Do địa hình chia cắt, hiểm trở, chưa có điện lưới quốc gia nên Thượng Trạch gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện tại, tỉ lệ hộ nghèo của xã là 76%. Trong sự khó khăn chung của toàn xã, công tác giáo dục ở Thượng Trạch cũng gian nan, vất vả vô cùng bởi hạ tầng cơ sở vật chất hạn chế, thiếu thốn.

Món quà ý nghĩa

Đã từng đồng hành cùng Báo Biên phòng trong nhiều năm thực hiện Chương trình “Vì biên cương thân yêu” ở nhiều vùng biên khác nhau, cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An (Hà Nội) và các thầy cô giáo của nhà trường không khỏi xúc động khi chứng kiến những khó khăn, vất vả của người dân xã biên giới Thượng Trạch, đặc biệt là những thiếu thốn mà thầy và trò ở Điểm trường bản Coóc, Trường Tiểu học số 1 Thượng Trạch.

Điểm trường này có 5 giáo viên và 48 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là việc chưa có điện lưới quốc gia, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học và điều kiện học tập, sinh hoạt của giáo viên và học sinh. Chính vì vậy, việc Chương trình “Vì biên cương thân yêu” do Báo Biên phòng phối hợp với Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An, Phòng Chính trị và Đồn Biên phòng Cồn Roàng, BĐBP Quảng Bình tổ chức trao tặng hệ thống năng lượng mặt trời có ý nghĩa rất lớn đối với thầy và trò nơi đây. Không chỉ mang giá trị vật chất, giải quyết những vấn đề bức bối trước mắt, món quà này còn là nguồn động viên, tiếp thêm động lực để cả thầy và trò ở vùng biên nghèo khó này cố gắng vươn lên.

Cô Trần Thị Bích Liên chia sẻ: “Thời gian vừa qua, với sự kết nối của Phòng Chính trị và Đồn Biên phòng Cồn Roàng (BĐBP Quảng Bình), chúng tôi đã nhận được những hình ảnh của Điểm trường bản Coóc, nơi mà những đồng nghiệp của chúng tôi đang giảng dạy trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, thời tiết của vùng biên mưa nắng thất thường, trong khi nơi đây lại chưa có điện lưới quốc gia. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng thầy cô giáo và các học sinh vẫn yêu trường, yêu nước. Điều đó khiến chúng tôi rất cảm phục. Thông qua Đồn Biên phòng Cồn Roàng, chúng tôi trao tặng hệ thống năng lượng mặt trời để thầy và trò Điểm trường bản Coóc bước vào năm học mới 2024-2025 có điều kiện học tập tốt hơn”.


Ban Tổ chức Chương trình “Vì biên cương thân yêu” tặng hệ thống năng lượng mặt trời và trao quà cho học sinh Điểm trường bản Coóc, Trường Tiểu học số 1 Thượng Trạch. Ảnh: Bích Nguyên

Tiếp nhận món quà từ Chương trình “Vì biên cương thân yêu”, thầy Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ: “Do không có điện lưới nên việc dạy và học cũng như sinh hoạt thường ngày của các thầy cô giáo rất vất vả. Mùa đông rất tối, không đủ ánh sáng cho các con học bài. Mùa hè, nóng bức vô cùng mà không có quạt, cả cô giáo và học trò ngồi trong lớp đều nhễ nhại mồ hôi. Chúng tôi có giếng khoan, có cả bể chứa, nhưng không có điện bơm nước, vẫn phải dùng nước suối. Việc sử dụng các mô hình, học cụ, phương tiện giáo dục hiện đại cũng rất hạn chế bởi không có điện. Khi có hệ thống năng lượng mặt trời rồi, chắc chắn những điều bất tiện đó sẽ được giải quyết. Chúng tôi cảm thấy rất vui với món quà ý nghĩa này”.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Trần Đăng Tuấn, giáo viên Điểm trường Bản Coóc cho biết: “Vì không có điện nên việc giảng dạy và sinh hoạt của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Có những lúc nắng nóng quá, chúng tôi phải thay đổi giờ học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Đối với những hoạt động ngoài trời của học sinh vào mùa nắng nóng, chúng tôi phải đưa các con tới các tán cây dọc bờ suối mới có thể thực hiện. Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng tôi phải xách từng can nước dưới suối lên. Với hệ thống năng lượng mặt trời này, công tác giảng dạy và sinh hoạt của chúng tôi thuận lợi hơn. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, mạnh thường quân để xây dựng được một mái che làm nơi sinh hoạt, vận động ngoài trời cho trẻ”.

Bộ đội cùng chung sức giúp dân

Đồn Biên phòng Cồn Roàng đóng quân sâu trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài, với địa hình hiểm trở, lại chưa có điện lưới quốc gia nên việc sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn. Trung tá Nguyễn Khánh Toàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới Việt Nam – Lào có chiều dài 29,326km, có 4 mốc quốc giới; phụ trách 8 bản của xã Thượng Trạch, dân số có 325 hộ/1.380 khẩu, trong đó, chủ yếu là dân tộc Bru-Vân Kiều có 304 hộ/1.322 khẩu, dân tộc Kinh có 21 hộ/58 khẩu. Địa bàn đơn vị quản lý thuộc diện đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, vất vả.


Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An (bên phải) và Thượng tá QNCN Hồ Thị Bảo Ngọc, đại diện Báo Biên phòng (bên trái) trao quà tặng Đồn BP Cồn Roàng và Chương trình “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn Biên phòng” của Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Ảnh: Bích Nguyên

Trước thực tế đó, những năm qua, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tích cực tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, Đồn Biên phòng Cồn Roàng còn triển khai nhiều mô hình, việc làm giúp dân có hiệu quả, thiết thực, ý nghĩa, được chính quyền địa phương, các ban, ngành ghi nhận, đánh giá cao như: Mô hình “Giếng nước vùng biên”, “Tủ thuốc biên phòng”, “Truyền thanh bản xa”. Từ các nguồn vận động, xã hội hóa, đơn vị đã hỗ trợ 6 mô hình chăn nuôi lợn, 20 mô hình chăn nuôi gà, 3 mô hình nuôi ong lấy mật (trị giá gần 50 triệu đồng) cho các hộ dân trên địa bàn. Đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ lao động 89 ngày công, hướng dẫn, giúp dân phát triển mô hình trồng rừng thay thế bản Cồn Roàng; mô hình trồng rau màu bản Cu Tồn, Coóc, giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ thiện hỗ trợ kinh phí lắp đặt 1 bộ năng lượng mặt trời, 1 rạp chiếu (trị giá 120 triệu đồng).

Đồng thời triển khai thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn Biên phòng”; Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà 40 em học sinh theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị phân công cán bộ quản lý, hướng dẫn 3 con nuôi của đồn trong học tập, rèn luyện; nhân dịp lễ, tết, kêu gọi nhà hảo tâm tặng quà các em trị giá 50 triệu đồng.

Trong Chương trình “Vì biên cương thân yêu”, Ban tổ chức đã trao tặng 1 hệ thống năng lượng mặt trời trị giá 80 triệu đồng (với sự ủng hộ của phụ huynh học sinh Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An); 50 suất quà (gồm vở viết và quần áo đồng phục); 30 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất trị giá 500.000 đồng (trong đó có 10 suất học bổng của UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND phường; 10 suất của Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An và Báo Biên phòng; 10 suất của nhà báo Phong Điền, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh) cho Điểm trường bản Coóc, Trường Tiểu học số 1 Thượng Trạch; tặng quà Đồn Biên phòng Cồn Roàng, tặng 10 triệu đồng cho Chương trình “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn Biên phòng” của Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Ban tổ chức cũng trao tặng quà cho Trường Mầm non Tân Thượng Trạch (xã Thượng Trạch). Tổng trị giá quà tặng khoảng 140 triệu đồng.

Bích Nguyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here