Chàng trai Việt tốt nghiệp xuất sắc ở đại học số 1 thế giới

0
5
Chàng trai Việt tốt nghiệp xuất sắc ở đại học số 1 thế giới

Sau nỗ lực để đọc hàng trăm trang tài liệu mỗi tuần hay viết luận liên tục, Vũ Đỗ Khanh lấy bằng xuất sắc ở Đại học Oxford, Anh.

Đỗ Khanh, 32 tuổi, người TP HCM, hiện là giám đốc điều hành đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách quốc tế POLAB.

Anh Khanh tốt nghiệp thạc sĩ Chính sách công (MPP), Đại học Oxford, năm 2017. Đây là ngôi trường số 1 trên bảng xếp hạng đại học thế giới của THE, suốt 8 năm qua.

Đỗ Khanh tại Vietnam Security Summit 2022. Ảnh: nhân vật cung cấp

Đỗ Khanh tại Vietnam Security Summit 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Khanh kể ý thức được tầm quan trọng của chính sách hồi học năm thứ ba, ngành Đông Phương học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM. Đây là lĩnh vực nền tảng, chi phối hoạt động mọi mặt trong cuộc sống. Vì vậy, cậu sinh viên 21 tuổi đặt mục tiêu du học ngành Chính sách công ở bậc thạc sĩ.

Với điểm học tập (GPA) xuất sắc 3.7/4, hai bài nghiên cứu cùng thư giới thiệu của Đại sứ quán Anh nhờ giành giải trong cuộc thi hùng biện 40 năm ngoại giao Việt Nam – Anh, năm 2016, Khanh trúng tuyển Oxford, được miễn 100% học phí.

Tháng 8 mới tới Anh, nhưng từ tháng 3, khi biết kết quả, Khanh đã liên hệ với các câu lạc bộ, hội nhóm du học sinh để làm quen và tham gia một số hoạt động. Nhờ vậy, bước vào học kỳ chính thức, Khanh không bị khớp mà bắt nhịp được luôn.

Song, học tập ở ngôi trường số 1 thế giới không dễ dàng. Khanh ví dụ các giáo sư không giải đáp trực tiếp thắc mắc của người học, mà chỉ gợi mở. Cường độ học nặng khi trung bình một tuần, sinh viên phải đọc vài trăm trang tài liệu, viết luận liên tục.

Khi tìm cách vượt qua, Khanh nhận thấy nếu có kiến thức lập trình, thống kê để thu thập và phân tích số liệu thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Trước khi vào Oxford, Khanh hoàn toàn xa lạ với những điều này.

“Tôi viết mail cho trường, chia sẻ khó khăn. Cứ nghĩ trường hỗ trợ gửi tài liệu thôi, nhưng tôi được xếp luôn một lớp học lập trình ngôn ngữ R và Python”, Khanh kể.

Từ đó, mỗi khi thấy cần bổ sung kiến thức của môn học nào, Khanh lại xin trường cho học thêm, từ lập trình tới phân tích dữ liệu, thương thuyết. Điều này giúp anh có thêm kỹ năng, bên cạnh chuyên môn chính.

Khanh nói ưu điểm của mình là trí nhớ tốt, biết cách hệ thống kiến thức theo đề mục và liên kết những thứ liên quan. Anh cũng tìm hiểu phong cách nghiên cứu của mỗi giảng viên để có cách tiếp cận thích hợp.

“Quá trình học vất vả nhưng có thể vượt qua dễ dàng hơn nếu có chiến thuật đúng”, Khanh đúc rút.

Khanh (thứ hai từ trái qua) đến thăm Học viện Quân sự Hoàng gia Anh Sandhurst. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khanh (thứ hai từ trái qua) trong một sự kiện ở Học viện Quân sự Hoàng gia Anh Sandhurst. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù thời gian học thạc sĩ tại Anh chỉ hơn một năm, Khanh muốn tận dụng cơ hội để trải nghiệm nhiều nhất có thể. Anh tập ngủ theo pha, tức là thay vì ngủ một giấc dài buổi tối, anh chia thành ba giấc ngủ. Trong đó, giấc ngủ dài nhất là hai tiếng, còn hai giấc ngắn 45 phút, mỗi giấc cách nhau 8 tiếng.

“Tôi hy sinh thời gian ngủ để học và tham gia các hoạt động xã hội. Vì ngủ ít, mọi người thường đùa rằng lúc nào cũng thấy tôi online”, anh nhớ lại.

Năm 2017, Khanh tốt nghiệp loại xuất sắc, được hiệu trưởng trường Blavatnik của Oxford và Thứ trưởng Bộ Phát triển quốc tế Anh tiến cử làm việc tại Bộ Số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao – vị trí thường dành cho công dân Anh hoặc các nước thuộc Liên minh châu Âu.

“Tôi là người Việt đầu tiên làm việc tại đây khi đó”, Khanh cho hay.

Sau ba tháng làm ở vị trí phân tích chính sách về khuyến học, truyền thông ở Bộ, Khanh chuyển sang làm chuyên viên phân tích chính sách cho Văn phòng Nội các Anh (UK Cabinet Office). Chàng trai người TP HCM cho biết thời gian làm việc tại các cơ quan này có nhiều ý nghĩa, giúp anh áp dụng ngay kiến thức vừa học vào thực tế. Đây là điều may mắn, bởi nhiều bạn bè của anh phải làm trái ngành.

Khanh (thứ ba từ trái qua) cùng bạn bè sau khi thi môn cuối ở Oxford. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khanh (thứ ba từ trái qua) cùng bạn bè sau khi thi môn cuối ở Oxford. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau một năm, Khanh chuyển sang Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, sau đó là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Năm 2022, anh về TP HCM.

“Không phải ở Anh, Mỹ hay một nước phương Tây khác, công việc hiện tại ở Việt Nam khiến tôi tự hào nhất, vì thấy mình đóng góp thiết thực cho đất nước”, anh nói.

Thời gian qua, Khanh cùng cộng sự thực hiện nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn vào năm 2018, anh tham gia phân tích chính sách bảo hộ doanh nghiệp và các quy định chống bán phá giá của Thái Lan, hỗ trợ các công ty thép của Việt Nam trong vụ kiện với Bộ Thương mại nước này.

Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Phó giám đốc liên doanh Samsung C&T – SCM, cho biết vừa là bạn bè, vừa là đồng nghiệp của Vũ Đỗ Khanh nhiều năm qua. Anh Khoa nhận xét Khanh tốt tính, luôn hết mình với bạn bè bất cứ khi nào có thể.

Trong công việc, Khanh tích cực, luôn xác nhận rõ ràng và kỹ lưỡng những khả năng có thể xảy ra, từ đó đưa ra giải pháp với từng tình huống.

“Khi có những điều bất ngờ thì Khanh đưa ra đối sách rất nhanh”, anh Khoa cho hay.

Vũ Đỗ Khanh cho rằng du học Oxford là bước ngoặt cuộc đời mình. Khi nộp hồ sơ, anh chưa dám chắc mình trúng tuyển, nhưng rồi nhận ra, mình sẽ thất bại ngay từ đầu nếu chỉ ngồi nghĩ và không làm gì.

“Điều này gần như trở thành phương châm sống, cũng là động lực giúp tôi vượt qua nhiều thử thách”, anh nói. “Trước mắt, tôi vẫn tiếp tục làm việc ở Việt Nam”.

Thanh Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here