Thất bại dồn dập
Anh Trương Thanh Hiên (37 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) từng có công việc với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng ở Gia Lai. Nhưng vì mê khởi nghiệp, anh Hiên nghỉ việc, ôm mộng về quê làm giàu.
Anh Trương Thanh Hiên về quê khởi nghiệp với ý tưởng chả trong ống tre (Ảnh: Hoài Sơn).
Anh Hiên kể, năm 2018, anh trở về Đà Nẵng khi trong túi chỉ còn 800.000 đồng, vì trước đó đã thua lỗ 2 tỷ đồng đầu tư bên Lào. Khi ấy, anh lao vào khởi nghiệp với việc tạo trang thương mại điện tử dạng chỉ điểm thuốc Đông y, nhưng ít người quan tâm. Dự án chỉ kéo dài được thời gian ngắn phải phá sản vì… hết tiền duy trì.
Để lo cho gia đình, anh tiếp tục tập tành kinh doanh buôn bán nhỏ, nhưng rồi một lần nữa bản thân lại thấy “không có gì ý nghĩa” nên quyết định dừng lại. Trải qua 3 lần thất bại, anh cũng nản nhưng vẫn quyết định tìm một hướng đi mới cho mình.
Chả có màu hồng bắt mắt và được tạo hình trong ống tre (Ảnh: Hoài Sơn).
Là người con quê biển nên anh luôn đau đáu một điều làm sao để tạo thêm giá trị cho con tôm, từ đó ý tưởng làm chả tôm nảy ra trong đầu anh.
Anh lặn lội đi tìm thầy để học nghề làm chả tôm nhưng không ai dạy, nên anh học làm chả bò. Học 4 tháng, anh mới làm được sản phẩm đầu tiên.
Lúc này, nhận thấy cây tre là thế mạnh của Việt Nam, mong muốn mang hình ảnh cây tre gắn liền với văn hóa ẩm thực quê hương, anh quyết định thử nghiệm nhồi chả bò vào ống tre.
Nhưng thêm một lần nữa, anh thất bại vì không biết chọn kích cỡ ống tre, đổ thịt vào ống, chả bị úng, hư.
Anh Hiên mày mò giải pháp lật úp ống tre lại để nước chảy ra ngoài, tránh chả bị úng. Khi thành công với chả bò, heo, anh quyết định quay về lại mục đích ban đầu của mình là làm chả tôm. Tuy nhiên, sau khi đầu tư 200 triệu đồng thì những mẻ chả tôm đầu tiên cũng không thành công, thịt tôm tách rời trong ống tre, không kết dính thành chả.
Tre xuất xứ từ tự nhiên nên an toàn trong việc đóng gói chả (Ảnh: Hoài Sơn).
Ngay lúc nản chí nhất, anh vẫn thử thêm một lần với cách trộn tôm với một ít xúc xích, bất ngờ thành công. “Không lời nào tả được hạnh phúc vỡ òa của tôi trong khoảnh khắc ấy”, anh Hiên tâm sự.
Khát vọng đưa đặc sản Quảng ra thị trường lớn
Đa phần các công đoạn làm chả tôm trong ống tre được xưởng của anh Hiên thực hiện thủ công, trừ công đoạn dùng máy hỗ trợ xay thịt.
Tre được luộc qua nước sôi và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào làm chả (Ảnh: Hoài Sơn).
Chả ống tre ra đời với định hướng phát triển thủ công từ nguyên liệu xanh vì đích thân tìm nguồn ống tre uy tín từ nhiều nơi, luộc qua nước sôi để đảm bảo loại bỏ vi khuẩn có thể ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, tôm cũng được anh chọn lựa nguồn cung ứng uy tín. Theo anh, Việt Nam đang là nước xuất khẩu tôm rất lớn nên việc làm chả sẽ tạo ra sản phẩm mới, thúc đẩy ngành nuôi tôm phát triển.
Chả được bịt một lớp giấy bạc ở miệng ống tre để bảo quản (Ảnh: Hoài Sơn).
Hiện doanh thu một năm của xưởng khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định.
Các sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, cung ứng cho thị trường Bình Dương, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… Mục tiêu sắp đến, anh sẽ làm hồ sơ đưa chả tôm Cocimo vào OCOP (chương trình mỗi địa phương một sản phẩm) và mở rộng thêm thị trường.