Biên phòng – Từ nhỏ, em Lương Văn Dậu, sinh năm 2005, người dân tộc Khơ Mú, bản Piêng Luống, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Nhờ được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, cậu học trò nghèo có cơ hội vươn lên học tập, hiện thực hóa giấc mơ “đặc biệt” từ thuở nhỏ.
Lương Văn Dậu (bên trái) trong giờ huấn luyện điều lệnh tại Học viện Biên phòng. Ảnh: Quang Huy
Sau gần một tuần bước chân vào Học viện Biên phòng, Lương Văn Dậu đang hòa nhập cùng đồng chí, đồng đội, tham gia học tập, huấn luyện những kỹ năng đầu tiên trong môi trường quân đội. Khi được hỏi, Dậu chia sẻ: “Em rất hạnh phúc, còn nhiều bỡ ngỡ nhưng sẽ nỗ lực rèn luyện, học tập tốt để trở thành một sĩ quan Biên phòng trong tương lai gần”.
Dù đang đón nhận niềm vui, bước ngoặt lớn của cuộc đời nhưng khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình, giọng chiến sĩ trẻ như chùng lại. Tuy nhiên cũng chỉ trong chốc lát, Dậu lại nhìn thẳng vào mắt chúng tôi tiếp tục kể lại câu chuyện của bản thân.
“Nếu không có các chú, các bác Biên phòng hỗ trợ, có lẽ em sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình” – Dậu nói rồi nhìn vào xa xăm.
…Dậu vốn sinh ra ở một bản làng nghèo xa xôi của xã biên giới Nhôn Mai, nơi mà cuộc sống người dân còn nhiều thiếu thốn, nhận thức còn giản đơn. Phần lớn đồng bào nơi đây, trong đó có cả bố, mẹ của em quanh năm cũng chỉ biết bám vào nương, rẫy, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mong cho vụ mùa tốt tươi để các con không bị đói ăn, thiếu mặc. Còn chuyện học tập của những em nhỏ như Dậu dường như hoàn toàn phụ thuộc vào những chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự tận tụy của những giáo viên “gieo chữ” vùng biên.
Cũng như bao đứa trẻ khác, khi Dậu đến tuổi quy định, đại diện chính quyền địa phương đã đến nhà vận động để bố, mẹ cho phép em được cắp sách đến trường học chữ. Nhưng khi con trai vừa vào lớp 1 đang tập đánh vần từng chữ cái thì giữa bố, mẹ của Dậu xảy ra mâu thuẫn lớn dẫn đến gia đình nhỏ tan vỡ. Sau ly hôn, mẹ của em bỏ nhà ra đi biền biệt, không một thông tin về nhà. Người bố dù đau lòng nhưng cũng đành chấp nhận để con ở nhà nhờ ông, bà nuôi để đi xa tìm việc làm.
Dù thiếu vòng tay chăm sóc của bố, mẹ nhưng nhờ tình thương yêu của ông, bà, cậu bé Dậu đã lớn lên, mạnh mẽ, chăm ngoan, học giỏi. Dậu cũng nói rằng khi còn nhỏ, hoàn cảnh của em đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai biết, tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ bằng nhiều hình thức khác nhau. Hình ảnh người lính mang quân hàm xanh đã in sâu trong ước mơ của cậu bé vùng biên.
“Từ nhỏ em đã có mong muốn khi lớn lên sẽ được khoác lên mình bộ quân phục của người lính Biên phòng, gắn bó với bà con dân bản, bảo vệ biên giới.”- Dậu khẳng định.
Nhưng khi vừa bước vào năm học đầu tiên của bậc Trung học cơ sở, cậu học trò nghèo vùng biên lại gánh chịu cú sốc lớn, khi cả ông, bà đều lần lượt qua đời. Cũng rất may, bố cậu đã trở về để cho con có chỗ dựa tinh thần. Vậy nhưng, ở quê, người đàn ông cũng chỉ biết dựa vào nương rẫy, khiến cuộc sống của hai bố con tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Lương Văn Dậu đang dần thích nghi trong mội trường quân đội. Ảnh: Quang Huy
Nhận thấy ước mơ, sự nỗ lực vươn lên của cậu bé, năm 2016, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã thống nhất cao về việc nhận đỡ đầu Dậu theo chương trình “Nâng bước em tới trường” để em có cơ hội học tập. Cùng số tiền hỗ trợ theo quy định, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã thường xuyên sát cánh động viên, phối hợp với nhà trường định hướng để em rèn luyện, học tập tốt.
Sau khi hoàn thành bậc Trung học cơ sở, Dậu đã xuất sắc thi đậu vào Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An và sắp xếp về thành phố Vinh theo học. Năm Dậu vào nhập học, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã cử cán bộ dẫn em về thành phố hoàn thiện các thủ tục, xây dựng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. Từ đó, dù cách xa gần 300 km, chỉ huy đơn vị vẫn thường xuyên điện thoại liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình học tập của Dậu. Trong những chuyến về Vinh công tác, các anh chỉ huy Đồn Biên phòng Nhôn Mai lại sắp xếp thời gian đến thăm Dậu, động viên em kiên nhẫn, nỗ lực học tập.
Cùng với những người lính Biên phòng, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An có lẽ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với Dậu trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ. Trên cương vị giáo viên chủ nhiệm, suốt 3 năm liền, cô giáo Huyền đã rất gần gũi, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình và có ấn tượng sâu sắc về người học trò đến từ vùng biên xa xôi.
“Ban đầu, Dậu rất ít nói, không hòa đồng cùng bạn bè. Sau khi tìm hiểu qua cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai, tôi đã hiểu hết hoàn cảnh, chủ động lắng nghe, động viên, định hướng cho em học tập. Nói thì vậy nhưng có lẽ sự thiệt thòi từ thuở ấu thơ, hiện thực cuộc sống đã khiến Dậu có những suy nghĩ, hành động rất khác với các bạn cùng trang lứa.” – Cô giáo Huyền chia sẻ.
Qua câu chuyện của cô giáo chủ nhiệm được biết, trong suốt những kỳ nghỉ hè của các năm học bậc Trung học phổ thông, Dậu không về nhà mà theo bố vào Quảng Bình để làm việc, kiếm tiền. Cô giáo Huyền nhớ lại: “Dịp nghỉ hè năm 2020, Dậu đang làm việc trong Quảng Bình thì dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, thực hiện giãn cách xã hội. Thời điểm tựu trường, Dậu gọi điện xin phép chưa thể về được vì không có xe khách, sau đó tôi đã liên lạc với đồng nghiệp trong đó để em có máy tính học online, dịch ổn định em đã về lại trường”.
Cũng theo lời cô giáo, sau chuyến đi làm việc xa trở về trường, Dậu lại có sự sao nhãng học tập, có hành vi lén lút sử dụng thuốc lá khiến cô rất lo lắng. Sau đó, cô đã liên hệ với chỉ huy Đồn Biên phòng Nhôn Mai để phối hợp có sự động viên kịp thời. Được xốc lại tinh thần, cậu học trò nghèo củng cố niềm tin, tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình. Cuối cùng, điều tốt đẹp đã đến, trải qua kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển Đại học với kết quả các môn học Văn (8,75); Sử (9,05); Địa lý (8,0), Lương Văn Dậu đã trúng tuyển vào Học viện Biên phòng để tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành sĩ quan Biên phòng.
Viết Lam