Biên phòng – Đối với Nguyễn Văn Trọng Nghĩa (học viên lớp 23B, chuyên ngành Phòng, chống ma túy và tội phạm, Trường Cao đẳng Biên phòng), những ngày ở Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, BĐBP Sơn La là quãng thời gian quý giá để đưa bài học từ giảng đường đến thực tế và “học việc” để trở thành người lính Biên phòng thực thụ. Trong mỗi câu chuyện Nghĩa kể, chúng tôi đọc được niềm vui pha lẫn tự hào trong ánh mắt và giọng điệu của chàng lính trẻ vốn dành rất nhiều tình yêu, đam mê cho sắc áo xanh Biên phòng.
Nguyễn Văn Trọng Nghĩa giúp anh Giàng A Chờ sửa đường ống nước. Ảnh: Trúc Hà
Dãy núi Pha Luông cũng là đường biên giới Việt Nam – Lào chạy qua địa phận bản Pha Luông (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng năm xưa đã “vẽ” về mảnh đất biên cương này, rằng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Không thể ngờ, sau mấy chục năm, Pha Luông vẫn xa xôi, vất vả, dù rằng nên thơ như thế. Nhưng người lính hôm nay không còn là “Anh bạn dãi dầu không bước nữa” khi ngang qua Pha Luông, mà gắn bó máu thịt với mảnh đất này.
Trạm Kiểm soát Biên phòng Pha Luông, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn được xây ở lưng chừng núi với đầy đủ phòng ở, phòng làm việc, hội trường, phòng quân y và luôn có cán bộ thường trực, là điểm tựa vững chắc của gần trăm hộ người đồng bào Mông nơi đây.
Trong suốt hành trình ngược núi về với Pha Luông, Nguyễn Văn Trọng Nghĩa có nhiều chia sẻ khiến chúng tôi cảm nhận Nghĩa sinh ra là để làm lính Biên phòng. Nhà Nghĩa ở ấp 1, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cách Đồn Biên phòng Thường Phước chưa đầy 1 cây số. Từ nhỏ, Nghĩa cũng như nhiều đứa trẻ khác rất ấn tượng với hình ảnh và những câu chuyện tình quân dân mà người lính Biên phòng đã bồi đắp tình yêu và cứ thế lớn dần lên cùng năm tháng.
Nghĩa và bạn bè đã biến tình yêu thành động lực để thi vào Học viện Biên phòng. Năm học ấy, 4 người bạn đỗ vào Học viện Biên phòng, chỉ có Nghĩa là không trúng tuyển. Tháng 2/2020, Nguyễn Văn Trọng Nghĩa nhập ngũ vào BĐBP Đồng Tháp. Trong suốt quá trình tại ngũ, Nghĩa luôn gương mẫu trong công việc. Ngoài giờ làm việc, Nghĩa cũng tranh thủ ôn tập kiến thức và chàng lính trẻ đã trở thành học viên của Trường Cao đẳng Biên phòng.
Là học viên thực tập nhưng từ chỉ huy cho đến cán bộ đều rất quan tâm chỉ bảo, kèm cặp Nghĩa từng li từng tý, bởi vậy mà ở vài tháng nhưng Nghĩa và các bạn thấy thực sự gắn bó như cán bộ chính thức của đơn vị. Nghĩa tranh thủ thời gian để “học việc”, không nề hà bất cứ chuyện gì. Nghĩa không sao quên được lần trực tiếp tham gia bắt Hà Văn Hưng (sinh năm 1981, trú tại bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) tàng trữ trái phép chất ma túy tại khu vực bản Cột Mốc (xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).
Lần đầu tiên được trực tiếp bắt giữ tội phạm, Nghĩa không tránh khỏi bỡ ngỡ. Thế nhưng, Thiếu tá Mè Thanh Tùng, Phó Đồn trưởng không cáu gắt khi Nghĩa luống cuống lập biên bản, mà động viên, chỉ bảo và “kèm cặp” cho Nghĩa trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, từ việc mật phục, bắt giữ và tham gia các hoạt động tố tụng hình sự.
Nghĩa bảo, tình yêu của mình đối với Biên phòng là có lý do. Nhà ở gần đồn nên từ nhỏ đã chứng kiến được những việc làm nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thường Phước đối với người dân. Ngày hôm nay, trong bộ quân phục với quân hàm màu xanh, Nghĩa cũng như các anh xây đắp tình quân dân nơi biên giới.
Anh Giàng A Chờ mang khèn thổi để góp vui câu chuyện với những người lính Biên phòng. Ảnh: Trúc Hà
Đợt vừa rồi, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn tổ chức hỗ trợ giúp nhà anh Sồng A Chống làm nhà. Đơn vị hỗ trợ cho gia đình 10 triệu đồng để sơn nhà, mua thiết bị điện, bồn nước. Cán bộ, chiến sĩ cũng góp ngày công giúp anh Chống đào móng, lên tường, lợp mái, lắp điện. Nhà anh Chống vốn ở giáp đường biên giới Việt – Lào. Trên ấy, cứ vài nhà một quả đồi, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, vì thế, chính quyền địa phương vận động người dân “xuống núi”. Và Đồn Biên phòng Chiềng Sơn đã đẩy nhanh tiến độ bằng việc đồng hành cùng người dân. Mặc cái nắng tháng 6, Nghĩa cùng mọi người chở đất, bê gạch, trộn vữa như một thợ nề thực thụ. Ai cũng mệt nhưng vui vì giúp đỡ được nhiều người.
Trên đường từ trạm xuống bản, qua đoạn dốc, thấy anh Giàng A Chờ đang sửa đường ống nước, Nguyễn Văn Trọng Nghĩa đã chạy lại làm giúp. Câu chuyện của người lính bắt đầu bằng hành động nên nhanh chóng kéo gần khoảng cách giữa 2 người. Khi biết chúng tôi muốn tìm xem nhà ai có khèn Mông, anh Chờ đã mời về nhà vì anh mới mua cho con trai. Nhà anh Chờ là căn nhà sàn gỗ vững chãi lưng tựa vào núi. Anh Chờ đã bán 3 con trâu, 1 con bò để làm được căn nhà này.
Anh có 4 đứa con thì cậu con cả Giàng A Dềnh mới học hết lớp 5 đã phải nghỉ học ở nhà chăn trâu giúp bố mẹ. Anh bảo, thương con nhưng đó là việc bất khả kháng. Vừa rồi, anh làm một căn nhà dưới bản Pha Luông cho 3 đứa con nhỏ ở để đi học. Vợ anh cứ chiều tối lại đi xe máy xuống nhà mới, nấu cơm, tắm giặt cho con và ngủ lại. Sáng hôm sau, chị dậy sớm chuẩn bị cơm cho các con cả ngày, gọi con dậy đi học, còn mình ngược núi lên nhà cũ để cùng chồng làm việc.
Đứng ở tổ công tác Pha Luông có thể nhìn thấy đỉnh Pha Luông là tảng đá dựng đứng sừng sững. Nhìn rất gần, nhưng lên tới nơi cũng phải mất 3 giờ với bộ đội và người dân và nửa ngày với những người từ xa tới. Dãy núi Pha Luông cao, hiểm trở, bởi vậy, từng là cung đường vận chuyển ma túy của các “ông trùm” người Lào. Lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm của BĐBP, Công an đã nỗ lực xác lập và triệt phá thành công nhiều chuyên án, bắt giữ các ông trùm với số lượng khủng ma túy.
Những năm trở lại đây, một số người tìm đến chinh phục đỉnh Pha Luông. Phòng ngừa kể xấu lợi dụng trà trộn để ra vào khu vực biên giới mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn đã đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, không tiếp tay cho tội phạm ma túy và tích cực tố giác tội phạm.
Anh Giàng A Chờ chia sẻ câu chuyện của mình: “Mẹ tôi đã bị kẻ xấu mua chuộc, dụ dỗ. Năm 2017, mẹ tôi bị Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La kết án 20 năm tù vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy, giờ đang thụ án ở trại giam Thanh Xuân nên một năm đôi lần, tôi phải thu xếp công việc để xuống thăm mẹ. Từ việc của mẹ tôi, nhà có người đi tù thì khổ cho mình và người nhà lắm nên phải tránh xa ma túy. Tôi chỉ mong có cuộc sống bình thường mà thôi”.
Trúc Hà