Câu chuyện đẹp được viết bằng lòng trung thực

0
86
Câu chuyện đẹp được viết bằng lòng trung thực

Biên phòng – Từ đầu năm 2023 tới nay, nhiều cán bộ thuộc các đơn vị BĐBP thành phố Đà Nẵng trong lúc làm nhiệm vụ đã nhặt được những tài sản có giá trị và tìm mọi cách trả lại cho người đánh rơi. Hành động trên đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của tuổi trẻ BĐBP thành phố biển với phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

Câu chuyện đẹp được viết bằng lòng trung thực
Hành động của Trung úy Đỗ Doãn Phúc (bên trái) và Trung úy Cao Duy Khánh trở thành biểu tượng đẹp của Hội trại “Vững bước tiên phong” năm 2023 do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Những ngày đầu tháng 4, anh Kunio Fukumitsu, quốc tịch Nhật Bản, đến thành phố Đà Nẵng du lịch. Tuy nhiên, buổi sáng ngày 7/4, anh phát hiện mình đã đánh rơi chiếc điện thoại Iphone X. Tâm trạng anh Kunio Fukumitsu vô cùng buồn bã nhưng cũng không biết làm thế nào. Thế rồi, khách sạn liên lạc nói có người tìm anh để trả lại điện thoại. Người nhặt được điện thoại của anh Kunio là Thượng úy Đỗ Văn Chiến, Đội trưởng Trinh sát, Đồn Biên phòng Sơn Trà.

Trước đó, trong quá trình tuần tra thực hiện nhiệm vụ tại lăng Ngư Ông, đường Võ Nguyên Giáp, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Thượng úy Đỗ Văn Chiến đã nhặt được chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone X. Người lính Biên phòng này đã liên hệ và thông báo rộng rãi trên mạng xã hội để tìm người làm rơi.

Nhận lại được tài sản, anh Kunio Fukumitsu xúc động nói: “Tôi không thể nghĩ mình lại tìm được điện thoại. Lần đầu tiên đến thành phố Đà Nẵng, tiếng Việt lại không biết, cũng chẳng xác định được vị trí mình đánh rơi, thế nên khi nhận được tin có người nhặt được điện thoại và tìm người trả lại, tôi vô cùng xúc động. Đến Đà Nẵng, tôi không chỉ ấn tượng với thời tiết, phong cảnh đẹp ở đây, mà còn thương mến cả về con người Đà Nẵng tốt bụng, thân thiện. Nhất định khi có cơ hội, tôi sẽ rủ thêm người thân, bạn bè mình quay trở lại thành phố biển này”.

Dù lời nói của anh Kunio Fukumitsu phải qua thông dịch viên, nhưng ai cũng có thể cảm nhận được niềm vui cũng như sự chân thành trong mỗi câu nói của vị khách ngoại quốc này.

Câu chuyện về lòng trung thực của Thượng úy Đỗ Văn Chiến khiến nhiều người nhắc lại chuyện của Trung úy Đỗ Doãn Phúc (Đội trưởng Kiểm soát Hành chính, Đồn Biên phòng Hải Vân) và Trung úy Cao Duy Khánh (Trung đội trưởng Vệ binh, Văn phòng Bộ Chỉ huy) cũng đã không “tham của rơi” khi nhặt được tài sản giá trị lớn.

Trong thời gian diễn ra Hội trại “Vững bước tiên phong” năm 2023 do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố vào sáng 24/3, Trung úy Đỗ Doãn Phúc và Trung úy Cao Duy Khánh trong quá trình tham gia các hoạt động của hội trại đã nhặt được một chiếc điện thoại Iphone 11.

Biết rằng đây không chỉ là tài sản có giá trị, mà còn lưu nhiều thông tin quan trọng với chủ sở hữu nên 2 đồng chí đã liên hệ với Ban Tổ chức hội trại thông báo tìm người đánh rơi. Và một cái kết có hậu cho người nhặt được và người đánh rơi (là đoàn viên của trại bạn), đó là có thêm những người bạn mới.

Câu chuyện “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất” của 2 đoàn viên mang áo lính đã trở thành biểu tượng đẹp của Hội trại “Vững bước tiên phong”, bởi đây là minh chứng cho phương châm “trăm lời nói hay không bằng một hành động cụ thể”.

Trước đó, ngày 10/2, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tại Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2023, Trung úy Nguyễn Trọng Kiên (Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Phú Lộc) phát hiện một chiếc điện thoại di động rơi tại khu vực tổ chức lễ hội. Sau khi hỏi những người xung quanh không ai nhận, Trung úy Nguyễn Trọng Kiên đem chiếc điện thoại đến báo cáo chỉ huy đơn vị để tìm cách liên hệ trả lại cho người đánh mất.

Cũng trong lúc này, ông Phạm Chí Công (sinh năm 1965, trú tại phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đang rất lo lắng, tìm chiếc điện thoại của mình đã đánh rơi trong lúc tham gia Lễ hội Cầu ngư.

Bởi vậy, khi nghe thông báo Đồn Biên phòng Phú Lộc đang tìm chủ nhân chiếc điện thoại, ông vô cùng phấn khởi. Nhận lại chiếc điện thoại, ông Phạm Chí Công xúc động cho biết: “Giá trị chiếc điện thoại tuy không lớn, nhưng bên trong lưu giữ nhiều hình ảnh, thông tin cá nhân nên rất quan trọng với tôi. Cảm ơn các chú bộ đội rất nhiều”.

Đáp lại lời cảm ơn của ông Phạm Chí Công, Trung úy Nguyễn Trọng Kiên nói: “Tôi nghĩ việc nhặt được của rơi trả người đánh mất là việc làm rất bình thường. Khi nhặt được của rơi, tôi đã nghĩ ngay đến việc tìm và trả cho người đã đánh mất, đó là việc nên làm và tôi nghĩ, ai trong trường hợp này cũng sẽ làm như vậy”.

Chia sẻ về hành động đẹp của những cán bộ trẻ BĐBP thành phố Đà Nẵng vừa qua, Đại tá Đỗ Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc trao lại tài sản cho người đánh rơi dù giá trị vật chất nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn về lòng trung thực và tính nhân văn sâu sắc, là nét đẹp văn hóa truyền thống, đạo đức của người dân Việt Nam. Hành động của các đồng chí Thượng úy Đỗ Văn Chiến, Trung úy Nguyễn Trọng Kiên, Trung úy Cao Duy Khánh, Trung úy Đỗ Doãn Phúc đã góp phần làm tỏa sáng phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã biểu dương và khen ngợi hành động cao đẹp của các đồng chí trên. Mong rằng, trong thời gian tới, các đồng chí tiếp tục hăng hái phấn đấu, phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội, lực lượng, quê hương và đơn vị; là tấm gương tiêu biểu, có sức lan tỏa lớn trong đơn vị và trong đoàn viên, thanh niên thành phố, cùng nhau hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển”.

Hành động đẹp của những người lính Biên phòng nơi phố biển đã tạo sự lan tỏa sâu rộng khi liên tục được kể, chia sẻ trên mạng xã hội. Và những đức tính nhiệt huyết, sôi nổi, bản lĩnh, cùng lòng trung thực đã trở thành dấu ấn đặc biệt của đoàn viên, thanh niên BĐBP thành phố biển Đà Nẵng.

Trúc Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here