Cấp bách bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

0
70
Cấp bách bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Nhìn lại 35 năm bảo tồn di sản

Tham gia Công ước 1972 ngày 19/10/1987, đến nay Việt Nam Nam đã có 08 di sản văn hóa, thiên nhiên và hỗn hợp đưwợc ghi vào Danh mục di sản thế giới. Trong đó có 2 di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng), 5 di sản văn hóa (khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Thành Nhà Hồ, quần thể di tích Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn), 1 di sản hỗn hợp (quần thể danh thắng Tràng An).

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, phối hợp với UBND TP Hà Nội đã tổ chức “Hội thảo quốc tế về Phát huy Giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” vào chiều 24/03. Đây là thời điểm quan trọng để đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua; đồng thời khẳng định vai trò của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, sự kiện có đa dạng thành phần tham dự, bao gồm các lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, UBND các địa phương sở hữu di sản và Trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực: Lịch sử, Khảo cổ, Bảo tồn, Bảo tàng, Di sản… cùng với đại diện cộng đồng. Kết luận của Hội thảo sẽ đóng góp nội dung cho Hội nghị quốc tế bảo tồn và phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương trong thời gian tới.

Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, khẳng định: Công ước 1972 là Công ước đầu tiên và duy nhất kết hợp khái niệm việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên cung cấp những cơ sở pháp lý cần thiết để đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Đối với Việt Nam, các di sản thế giới không chỉ là tài sản vô giá của đất nước, đóng góp vào sự phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống của người dân địa phương mà còn có ý nghĩa quan trọng với toàn nhân loại.

Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới cũng chia sẻ: Các di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới tại Việt Nam có ý nghĩa như những biểu tượng quốc gia, biểu tượng dân tộc, gắn liền với đời sống của người dân. Đó là lý do Việt Nam luôn tự hào và cam kết rất mạnh mẽ về bảo vệ di sản.

Hướng tới phát triển bền vững

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với tinh thần của Công ước, trong đó bộ máy quản lý di sản thế giới từ Trung ương đến địa phương dần được củng cố. Ngoài ra, các nguồn lực để bảo vệ Di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa, đồng thời luôn tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ di sản thế giới…

Ở chiều ngược lại, các di sản thế giới tại Việt Nam đã và đang đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế – xã hội tạo công ăn việc làm tại địa phương, cộng đồng. Đặc biệt, những di sản này còn góp phần phát triển du lịch, thương, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Một ví dụ điển hình là Thủ đô Hà Nội. Ông Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Hà Nội luôn xác định đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho phát triển bền vững. Văn hoá vừa là mục tiêu, nền tảng vừa là động lực, nguồn lực để phát triển thủ đô. Là một thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, thành phố nỗ lực xây dựng không gian phát triển văn hoá truyền thống đương đại, kết nối di sản với văn hoá.

Mặc dù công tác bảo tồn, bảo vệ di sản đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc chỉ ra 05 vấn đề cấp bách với di sản hiện nay, bao gồm: Cân bằng bảo tồn di sản với phát triển bền vững; Di sản ứng phó với thách thức thiên tai, biến đổi khí hậu; Nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng về di sản; Gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản với cuộc cách mạng số; Gắn kết việc thưc thi các công ước về di sản và các danh hiệu vinh danh trong việc tạo thành động lực phát triển địa phương, biến di sản thành tài sản.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất đưa một số kiến nghị cho công tác quản lý di sản thời gian tới. Trong đó bao gồm: cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here