Cẩm nang hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ bị bạo lực, mua bán

0
57
Cẩm nang hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ bị bạo lực, mua bán

03/07/2023 06:35

Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. (Nguồn Congannghean.vn) Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. (Nguồn Congannghean.vn)

(PLVN) – Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh 8.112 nạn nhân. Nếu tính từ khi thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người (năm 2004) đến nay, có 13.857 nạn nhân bị mua bán. Phân tích về tình hình nạn nhân cho thấy chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%).

Con số này được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường công tác điều phối và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, mua bán” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức mới đây, trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án “Tăng cường di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.

Nhiều khó khăn trong hoạt động hỗ trợ nạn nhân

Tham luận tại Hội thảo, Thượng tá Ngô Xuân Ý – Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, lực lượng Công an đã phối hợp các ngành và địa phương hai lần tổ chức khảo sát toàn quốc về tình hình liên quan đến đối tượng và nạn nhân của mua bán người để qua đó phân tích, đánh giá, đưa ra nhiều nhận định mang tính đặc trưng nổi bật về nạn nhân bị mua bán; đánh giá đúng thực trạng, kết quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; những thuận lợi, khó khăn bất cập, vướng mắc; đề ra các chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của nạn nhân.

Qua những vấn đề trên có thể thấy phòng, chống mua bán người đã và đang gặp khó khăn, vướng mắc trên nhiều mặt, trong đó có xác minh, xác định, giải cứu, hồi hương nạn nhân. Do thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, ảnh hưởng của quan niệm và định kiến xã hội, nạn nhân bị mua bán và cả người thân của họ thường có tâm lý giấu kín sự việc, không tiếp xúc, chia sẻ với người khác; nhiều trường hợp chỉ tìm đến chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền khi vụ việc được phát hiện hoặc đã trở nên nghiêm trọng, nên việc xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân rất khó khăn…

Từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ 8.112 nạn nhân thông qua các phương thức như: thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tại trung tâm, nhà tạm lánh cho nạn nhân; hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa, tái hòa nhập cộng đồng xã, phường, thị trấn; hỗ trợ thông qua các mô hình do các dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật…

Nhưng thực tế cũng đã và đang cho thấy, những khó khăn trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về khi chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn; công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập với cộng đồng chưa huy động được nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, nhất là ở cộng đồng nơi họ sinh sống; một số cơ sở bảo trợ xã hội có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân chưa được bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế,… để bảo đảm thực hiện hỗ trợ nạn nhân theo quy định. Các tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các vụ việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng là nạn nhân bị mua bán; việc phát hiện và chuyển nhu cầu trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán còn hạn chế.

Tuân thủ nguyên tắc hỗ trợ

Được biết, trước thực trạng đó, từ nhiều năm nay, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành “Quy định và hướng dẫn Hội LHPN Việt Nam các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực được ghi nhận thì còn nhiều bất cập như: cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này; sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, mua bán đối với phụ nữ chưa được chặt chẽ…

Từ những bất cập đó, Hội LHPN Việt Nam và UN Women phối hợp xây dựng “Hướng dẫn quy trình và cách thức (SOP) hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người” dành cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp. Từ góc độ Trung tâm trợ giúp xã hội Ngôi nhà Bình yên – là một trong những địa chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực và mua bán trở về của Hội LHPN Việt Nam, bà Dương Thị Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đề xuất Quy trình và cách thức (SOP) theo trình tự 4 bước xử lý bao gồm: Nhận thông tin về người bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người; Sàng lọc thông tin, xác định nạn nhân; Xác định nhu cầu, đánh giá nhu cầu của nạn nhân và nguy cơ đối với nạn nhân; Hỗ trợ và chuyển gửi nạn nhân đến các dịch vụ thích hợp.

Cũng theo bà Linh, để công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới được hiệu quả hơn, cán bộ hỗ trợ cần lưu ý tuân thủ các nguyên tắc hỗ trợ như trong nhiều trường hợp, nữ lao động di cư bị phụ thuộc kinh tế và xã hội, vì vậy khi tiếp nhận thông tin, tiếp xúc hoặc tiếp nhận trình báo, cán bộ hỗ trợ cần bàn với họ về kế hoạch an toàn, ví dụ như hỗ trợ họ di chuyển đến nơi ở an toàn, giúp họ tách khỏi mối quan hệ bạo lực. Kể cả khi họ được cho là lao động di cư không chính thức thì cũng cần tôn trọng họ, bảo vệ họ để không bị ảnh hưởng bởi những biện pháp hành pháp mang tính đe dọa, hoặc những biện pháp của các cơ quan tổ chức tư nhân…

Bắt đầu từ năm 2013, ngày 30/7 hàng năm được Liên Hợp quốc chọn là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người nhằm đánh giá về tình hình mua bán người, qua đó thúc đẩy và bảo vệ quyền của nạn nhân mua bán người.

Từ năm 2016, Việt Nam đã lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, theo Quyết định số 793/QĐ-TTg, ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Theo Thượng tá Ngô Xuân Ý – Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, phân tích về tình hình nạn nhân bị mua bán cho thấy chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số thuộc các dân tộc ít người (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (chiếm hơn 80%), chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm (chiếm hơn 70%), gặp những chuyện éo le về gia đình, tình cảm, trình độ học vấn thấp (không biết chữ chiếm 37,2%), thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, tâm lý nhẹ dạ cả tin; hoặc một số cô gái trẻ, học sinh, sinh viên (chiếm khoảng 6,8%) thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, thiếu cảnh giác nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.

Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 90%, trong đó, chủ yếu là sang Trung Quốc. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động…

Về hình thức trở về, tự trở về chiếm 48%, qua giải cứu hoặc trao trả song phương chiếm 52%, nạn nhân trở về lần đầu chiếm gần 90%.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here