“Bộ trưởng không né trách nhiệm”

0
70
“Bộ trưởng không né trách nhiệm”

Chiều 6/6, chốt lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, vị tư lệnh ngành trong nhiệm kỳ thứ hai đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và trong trả lời chất vấn. Bộ trưởng nắm rất chắc các quy định của Đảng và Nhà nước, cũng như tình hình các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Bộ trưởng trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu. Đồng thời đề xuất được nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội cả về việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ. 

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao người đứng đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vì đã có rất nhiều nỗ lực và cố gắng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bộ trưởng không né trách nhiệm - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Phạm Thắng).

Đánh giá cao tinh thần cầu thị và cách trả lời thẳng thắn của người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đi vào “lõi” các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, không vòng vo, né tránh trách nhiệm.

Theo bà Hoa, phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã kèm theo những giải pháp cho cả trước mắt và dài hạn liên quan tới thị trường lao động, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các vấn đề liên quan tới BHXH.

“Bộ trưởng đã đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, làm rõ trách nhiệm quản lý của ngành và của chính mình. Tất nhiên, các câu trả lời cần thời gian để kiểm nghiệm, đặc biệt là cần giải pháp liên quan tới cơ chế chính sách”, bà Hoa nhận xét.

Góp ý thêm về giải pháp cần ưu tiên cho phát triển giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng thị trường lao động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục nhấn mạnh, đây là một trong những mục tiêu lớn và là khâu đột phá khi nhà nước đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Theo bà Hoa, giải pháp cần hướng tới là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách vì đây là hành lang pháp lý để giáo dục nghề nghiệp phát triển hơn nữa. Bên cạnh đó, cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giúp hệ thống đủ lớn, đảm bảo cơ cấu đào tạo nghề hợp lý và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bộ trưởng không né trách nhiệm - 2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa (Ảnh: Phạm Thắng).

Về công tác truyền thông, bà Hoa cho rằng cần nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng như trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và của cả học viên.

Trong khi đó, về trách nhiệm quản lý Nhà nước, theo bà Hoa, cần có một hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để cung cấp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó mới có chiến lược phát triển dài hạn và kế hoạch hàng năm để cung ứng sản phẩm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đồng quan điểm với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, bà Đặng Bích Ngọc (ĐBQH tỉnh Hòa Bình) đánh giá, những vấn đề Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời đáp ứng mong mỏi của đại biểu và nhân dân.

“Những vấn đề được cử tri đưa ra tại phiên chất vấn rất đa dạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời rất đúng và trúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề”, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhận xét.

Nữ đại biểu tỉnh Hòa Bình mong muốn những vấn đề Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày tại phiên chất vấn sẽ sớm đi vào thực tiễn, giải quyết được những vấn đề khó khăn hiện nay.

Đề cập tới vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, nữ đại biểu cho biết, hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình chiếm 74%, trong đó dân tộc Mường chiếm 63%.

“Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao như vậy, đào tạo nghề là giải pháp có vai trò quan trọng, là đòi hỏi cấp thiết hiện nay”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Theo bà Ngọc, trình độ, kỹ năng của người lao động ở vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn cơ bản còn hạn chế, nhiều người chưa có điều kiện kinh tế tham gia các khóa đào tạo, trường lớp chuyên môn cao.

Do đó, nữ đại biểu kiến nghị Nhà nước có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, để người lao động được tham gia vào các lớp trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here