Trước tình hình thị trường lao động chưa có dấu hiệu vực dậy do ảnh hưởng của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và tình hình chiến sự thế giới; các doanh nghiệp chưa có tín hiệu khả quan về đơn hàng sản xuất, nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề không cao, nhu cầu lao động phổ thông lại càng ít hơn, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường lao động và đảm bảo đời sống cho người lao động.
Biến động về cắt giảm lao động
Ngay từ những tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp tại Bình Dương đã nhanh chóng trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do những biến động về cắt giảm lao động của thị trường lao động vào những tháng cuối năm 2022 khiến người lao động nhanh chóng quay trở lại làm việc đầu năm theo đúng ngày quy định của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng nhảy việc, tìm kiếm công việc mới như những năm trước đây; Ngoài ra các doanh nghiệp cũng đã có những chính sách giữ chân người lao động về tiền lương, tiền thưởng, quà tết… để khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc ổn định.
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương (TTDVVL), nhu cầu tuyển dụng trong quý I/2023 có 477 doanh nghiệp đến trực tiếp và 268 doanh nghiệp tuyển dụng trực tuyến. Nhu cầu tuyển dụng trong những tháng đầu năm 2023 giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên so với quý 4/2022 thì nhu cầu này đã tăng vượt 106,45%, cho thấy tình hình dù chưa được khả quan nhưng cũng là tín hiệu tốt cho thị trường nguồn cầu của tỉnh.
Nhu cầu tuyển dụng trong những tháng đầu năm 2023 giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu là tuyển những vị trí có trình độ, chuyên môn và đa số vị trí đều yêu cầu ngoại ngữ và kinh nghiệm. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất ít các doanh nghiệp lớn có nhu cầu tuyển dụng lao động thời điểm này. Chính vì biến động cung thừa, cầu thiếu đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng sẽ có nhiều lựa chọn hơn về các tiêu chí xét tuyển như: độ tuổi trẻ, có trình độ, bằng cấp, có kinh nghiệm, tay nghề… Điều này đã tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp tuyển chọn được nguồn nhân lực trẻ, là một nguồn nội lực tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất khi thị trường khởi sắc trở lại.
Số lượng lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quý 1/2023 là 18.216 người (tăng 7,33% so với cùng kỳ năm 2022). Với tình hình biến động về việc làm như hiện nay người lao động cố gắng giữ việc làm, hạn chế hưởng bảo hiểm thất nghiệp chủ động trừ những trường hợp bị doanh nghiệp cắt giảm nhân sự. Do tình hình đơn hàng bị cắt giảm, một số ít doanh nghiệp đã thực hiện thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với người lao động từ những tháng cuối năm 2022 để chờ những đơn hàng mới, tuy nhiên đến nay tình hình vẫn không khả quan hơn đối với một số doanh nghiệp. Trong quý 1/2023 số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 40 tuổi là: 5.304 người (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2022). Với mức hưởng bình quân 3,9 triệu đồng/tháng thì đây là nguồn thu nhập chính của những lao động thất nghiệp trên 40 tuổi. Vì họ là nhóm lao động yếu thế, không thể tìm được việc làm phù hợp trong tình hình hiện nay.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, tình hình các doanh nghiệp Bình Dương đã hoạt động lâu năm, khách hàng truyền thống (Mỹ, EU) vẫn đảm bảo một lượng đơn hàng nhất định để doanh nghiệp duy trì hoạt động và giữ chân người lao động. Ngoài ra, thị trường châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore không bị ảnh hưởng nhiều nên vẫn duy trì được đơn hàng, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại cũng giúp các doanh nghiệp có cơ hội ký kết được đơn hàng xuất khẩu. Các hiệp định thương mại tự do đã ký kết (EVFTA, CPTPP) giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường mới, đa dạng hóa nguồn khách hàng.
Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chủ yếu là tuyển những vị trí có trình độ, chuyên môn và đa số vị trí đều yêu cầu ngoại ngữ và kinh nghiệm.
Nhiều thị trường lớn trên thế giới bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao kiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm, đặc biệt là các thị trường chính về xuất khẩu đồ gỗ như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… Nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, chi phí năng lượng biến động liên tục, khó khăn do giảm đơn hàng nhiều doanh nghiệp ngưng sản xuất dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các KHCN, đổi mới máy móc thiết bị đòi hỏi doanh Nghiệp phải sử dụng nguồn vốn lớn để mua và ứng dụng vào các dây chuyền sản xuất, đồng thời việc thiếu đi nhân lực trình độ cao để vận hành các máy móc cũng là khó khăn của các doanh nghiệp…
Giải pháp ổn định thị trường lao động – việc làm
Để ổn định tình hình lao động việc làm hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai các giải pháp như: Tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động: đặc biệt trong vấn đề ngừng việc, thỏa thuận tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong trường hợp doanh nghiệp quá khó khăn không bố trí được việc làm cho người lao động…
Dự báo nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm, tỉnh Bình Dương cần khoảng 20.000 lao động.
TTDVVL tỉnh tăng cường trong công tác tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho người lao động nhanh, đúng và kịp thời. Ngoài ra, TTDVVL tỉnh còn thực hiện kết nối cung – cầu lao động có hiệu quả, tăng cường thu thập thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ người lao động tiếp cận với các vị trí việc làm, giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày.
Trong quý I/2023, TTDVVL đã tổ chức 41 sàn trực tiếp kết hợp online hàng tuần (21 sàn trực tiếp và 20 sàn online). Kết quả: có tổng số 75.000 lượt lao động truy cập vào website để tìm kiếm việc làm và tham gia sàn online trong tháng. Trong quá trình hoạt động, TTDVVL tỉnh Bình Dương đã không ngừng nghiên cứu thay đổi hình thức tổ chức sàn và đổi mới giao diện về thông tin sàn trực tuyến trên website Trung tâm. Trung tâm đang dần hợp nhất sàn trực tuyến vào sàn online trên website vieclambinhduong.vn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Bình Dương và người lao động trong cả nước dễ dàng kết nối việc làm.
Hiện tại Bình Dương đã xây dựng sàn online trên website nên khi phối hợp thực hiện sàn online, các đơn vị chỉ cần trang bị máy vi tính có camera để đàm thoại video truy cập vào trang website của Trung tâm để thực hiện. Để mở rộng địa bàn thu hút lao động cung ứng cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, lao động – việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp khả năng bản thân; góp phần điều tiết cân bằng cung – cầu lao động. Các thông tin tuyển dụng LĐ, tuyển sinh học nghề và XKLĐ… của các tỉnh sẽ được đưa lên hệ thống tra cứu, thông báo tuyển dụng và niêm yết, quảng bá trên website của các Trung tâm. Sàn online còn giúp Trung tâm tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí khi kết nối việc làm thông qua Internet; giảm chi phí và công sức trong công tác tổ chức sàn trực tiếp.
Ngoài ra, TTDVVL đã thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm cho 21.004 người (trong đó: trực tiếp trụ sở 20.753 lao động; trực tuyến website 251 lao động). Số người lao động được GTVL với tổng số 13.045 lao động (trong đó: trực tiếp tại trụ sở là 12.855 lao động; trực tuyến trên website 190 lao động). Số người lao động nhận được việc làm với tổng số 7.429 lao động (trong đó: trực tiếp tại trụ sở là 7.305 lao động; trực tuyến trên website 124 lao động).
Dự báo nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm, tỉnh Bình Dương cần khoảng 20.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề, lao động phổ thông khoảng 15.000 người, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn. Nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung chủ yếu ở lĩnh vực: chế biến chế tạo, cơ nhiệt điện, công nghiệp nhựa, bao bì, thương mại – dịch vụ và hầu hết nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực may, gỗ đều cần nguồn lao động có tay nghề. Nhu cầu tuyển lao động phổ thông ở quý 2 và quý 3 chủ yếu để bổ sung nguồn lực hao hụt, không nhằm phục vụ mở rộng sản xuất nên nhu cầu sẽ không nhiều. Những doanh nghiệp quy mô lớn cần từ 50 lao động trở xuống; những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ luôn có nhu cầu tuyển dưới 10 lao động. Chính vì vậy dù doanh nghiệp có nhu cầu về lao động cũng sẽ không thông tin rộng rãi mà chỉ tuyển dụng tại chổ. Theo đánh giá thì Thị trường lao động đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực hơn so với những kịch bản dự kiến từ đầu năm. Do đó lao động thất nghiệp sẽ tăng nhiều hơn, việc kết nối việc làm sẽ gặp khó khăn hơn.