Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI

0
76
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI

Biên phòng – Giữ nước từ khi nước chưa nguy, bảo vệ Tổ quốc cần phải được chuẩn bị từ trước, từ sớm, từ xa. Đây là chủ trương, định hướng mang tính chiến lược của Đảng, được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh xung đột. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nắm chắc tình hình bên ngoài, xây dựng nội lực vững mạnh, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước. Đây cũng là nhận định của Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng khi trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI
Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ảnh: Diệp Chi

Thưa Thượng tướng Võ Tiến Trung, trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta xác định là phải lo giữ nước ngay từ trong thời bình. Theo Thượng tướng, vì sao chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa?

– Quan điểm phải giữ nước từ trước, từ sớm, từ xa là kinh nghiệm của ông cha ta. Ngay từ thời nhà Trần, chúng ta đã gửi những người lính vào nhà nông. Khi chiến tranh xảy ra, họ được huy động vào quân đội, bổ sung cho lực lượng quân thường trực. Khi thời bình, họ lại trở về quê hương lao động sản xuất.

Vì vậy, ý thức giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giang sơn, bờ cõi được chúng ta chuẩn bị ngay từ trong thời bình. Không thể chờ đến khi Tổ quốc lâm nguy mới chú ý đến bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì, khi cuộc chiến tranh xảy ra sẽ vô cùng khốc liệt, vô cùng phức tạp, nếu chúng ta không chuẩn bị trước, chúng ta sẽ bị động.

Vì lẽ đó mà chúng ta phải chuẩn bị phòng thủ đất nước chuẩn bị cho chiến tranh ngay từ thời bình. Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ Tổ quốc được. Và phải bảo vệ Tổ quốc từ xa. Từ xa là chúng ta phải quan hệ với bạn bè quốc tế, thông báo cho bạn bè biết về chính sách quốc phòng của chúng ta, để họ hiểu chính sách quốc phòng của chúng ta là hòa bình, tự vệ.

Thứ hai, chúng ta phải nắm chắc tình hình từ bên ngoài, bảo vệ vững chắc từ bên trong. Trong ấm thì ngoài mới êm được. Cho nên phải chuẩn bị cả bên trong lẫn bên ngoài, không để cho các thế lực thù địch nhen nhóm, gây dựng lực lượng đối lập ở trong nước. Bởi vì, khi có lực lượng đối lập trong nước, lực lượng bên ngoài sẽ giật dây, kích động, phối hợp với nhau, chống phá đất nước. Lúc đó, chúng ta sẽ trở tay không kịp. Vì vậy, phải luôn luôn đề phòng, thấy trước, chuẩn bị trước, từ khi nước chưa nguy.

Có ý kiến cho rằng, thời bình như hiện nay chỉ cần xây dựng đất nước giàu mạnh về kinh tế, tất yếu sẽ giữ được hòa bình, bảo vệ được đất nước. Thượng tướng có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

– Theo tôi, quan điểm này chưa đúng cả về nhận thức, lý luận và thực tiễn. Nếu chúng ta lo giữ nước, chỉ chăm lo cho vấn đề quốc phòng mà không chú trọng đến phát triển đất nước, xây dựng lòng dân thì cũng không bảo vệ được đất nước. Thời nhà Hồ đã cho chúng ta bài học, triều đình chỉ lo xây thành cao, hào sâu, lo xây dựng quân đội mà không chăm lo đời sống nhân dân, không lấy được lòng dân. Nên khi kẻ thù xâm lược, đất nước nhanh chóng bị thất thủ.

Ngược lại, khi chúng ta chỉ lo chăm lo đến phát triển kinh tế, mà không chú trọng đến quốc phòng, không chăm lo phòng thủ đất nước thì sức mạnh phòng thủ chúng ta bị suy yếu, nếu kẻ thù xâm lược, chúng ta sẽ không có lực lượng, phương tiện để chiến đấu. Nước chúng ta nằm ở vị trí chiến lược, luôn bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó, xâm lấn. Cho nên chúng ta phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai nhiệm vụ này không thể tách rời và phải được chuẩn bị từ sớm, từ trước, từ xa.

– Từ năm 2014, chúng ta đã cử những cán bộ, chiến sĩ Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc làm này có được coi là một biện pháp mà chúng ta đang tiến hành để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa không, thưa Thượng tướng?

– Đúng thế, việc làm này góp phần rất lớn, rất quan trọng để chúng ta bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thông qua lực lượng gìn giữ hòa bình, chúng ta muốn khẳng định cho thế giới thấy rằng, Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, không lý do gì Việt Nam gây chiến với ai cả. Từ hành động của quân nhân chúng ta ở các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bạn bè quốc tế cũng thấy rằng, con người Việt Nam rất hiếu khách, rất hữu nghị, rất tình cảm và rất có trách nhiệm với quốc tế.

Cũng thông qua hành động của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế hiểu rằng, QĐND Việt Nam có kỷ luật như vậy, có đạo đức như vậy, có trách nhiệm như vậy, thì đó hẳn là một đội quân bách chiến, bách thắng.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quan Lạn, BĐBP Quảng Ninh tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Thu Hằng

– Trong tình hình hiện nay, theo Thượng tướng, đâu là giải pháp mang tính chiến lược để chúng ta có thể huy động sức mạnh toàn dân cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc?

– Tôi cho rằng, hiện giờ muốn huy động được sức mạnh toàn dân cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trước hết, chúng ta phải giữ được lòng dân. Muốn huy động lòng dân thì phải làm cho nhân dân tin vào Đảng, tin vào chế độ, để toàn dân cùng tham gia bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai là chúng phải chăm lo sức dân. Tức là, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân, làm cho nhân dân thấy được, hiểu được giá trị của cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc, để người dân được hưởng thụ những giá trị tốt đẹp mà đất nước mang lại. Làm được như vậy, thì khi xảy ra chiến tranh, chúng ta sẵn sàng huy động sức mạnh của toàn dân, chuyển từ nền quốc phòng toàn dân thành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

– Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta chuẩn bị, đề phòng chiến tranh sẽ là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa, đẩy lùi chiến tranh…?

– Đúng vậy, chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh thì chúng ta không có chiến tranh. Khi đất nước chúng ta hùng mạnh, lực lượng của chúng ta tinh nhuệ, lòng dân chúng ta vững chắc, quân đội chúng ta thống nhất, chính quy thì nước nào muốn phát động chiến tranh, tấn công xâm lược chúng ta, họ cũng sẽ phải dè chừng. Cho nên chúng ta chuẩn bị đất nước tốt bao nhiêu, thì chúng ta càng đẩy lùi chiến tranh ra xa bấy nhiêu.

– Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Diệp Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here