Bài 1: Phát triển bảo tàng tư nhân – chuyện không của riêng ai

0
79
Bài 1: Phát triển bảo tàng tư nhân – chuyện không của riêng ai

Đầu tư vào bảo tàng tư nhân là một “cuộc chơi” không chú trọng về lợi ích kinh tế, nhưng giúp đem lại những giá trị văn hóa, tinh thần lớn lao cho cộng đồng. Làm thế nào để phát triển bảo tàng tư nhân, giúp lan tỏa những giá trị đẹp đẽ đang là bài toán khó đặt ra cho cả nhà quản lý lẫn người đầu tư.

Thú vị và đặc sắc bảo tàng tư nhân

Theo thống kê, hiện trên cả nước có gần 200 bảo tàng. Trong số đó, bảo tàng tư nhân chiếm khoảng 55 bảo tàng. Hà Nội là địa phương có nhiều bảo tàng tư nhân nhất, với xấp xỉ 15 bảo tàng. Bảo tàng tư nhân tại Hà Nội không chỉ nhiều mà còn phong phú, đa dạng. Trong đó có Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, bảo tàng gia đình đầu tiên tại Việt Nam, lưu giữ kí ức, kỉ vật của một gia đình giàu truyền thống, giàu tình yêu thương ở Hà Nội. Có bảo tàng Nhiếp ảnh làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), bảo tàng cấp thôn về nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam, lưu giữ gần 200 hiện vật liên quan đến nhiếp ảnh.

Nhiều bảo tàng tư nhân khác cũng là nơi lui tới của những người yêu nghệ thuật, say mê lịch sử, văn hóa Việt, như Bảo tàng mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì), Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (xã Nam Quất, huyện Phú Xuyên)…

Tại TP HCM có một số bảo tàng tư nhân nổi tiếng, trong số đó phải kể đến Bảo tàng Áo dài do NTK Sỹ Hoàng thành lập. Đây là bảo tàng duy nhất về áo dài của Việt Nam, nơi giới thiệu đến du khách về những chiếc áo dài Việt Nam qua nhiều thời kỳ với những câu chuyện đầy ý nghĩa về những giá trị văn hóa, những giai đoạn lịch sử. Ngoài ra còn có Bảo tàng Y học Cổ truyền Việt Nam nơi cất giữ rất nhiều bộ sưu tập về các loại dược liệu được biết đến trong điều trị bệnh cũng như thông tin về nhiều vị lương y trong lịch sử y học Việt Nam.

Tại Huế có 2 bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, thành lập năm 2012 tại 114 Mai Thúc Loan – TP Huế và Bảo tàng Thêu XQ thành lập cuối năm 2016, tại trục đường Lê Lợi, ven bờ Nam sông Hương.

Tại Đà Nẵng, bảo tàng tư nhân nổi tiếng là Bảo tàng Đồng Đình kết hợp hài hòa giữa bảo tồn không gian sinh thái vườn rừng với không gian văn hóa nghệ thuật. Bảo tàng có các không gian trưng bày như khu trưng bày cổ vật, khu trưng bày tác phẩm mỹ thuật, nhà ký ức làng chài, nhà trưng bày dân tộc học. Bảo tàng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách đặt chân đến Đà Nẵng.

Ở Quy Nhơn, có Bảo tàng Gốm Gò Sành của nhà sưu tập Vĩnh Hảo tọa lạc ngay trung tâm thành phố. Bảo tàng mở cửa miễn phí cho khách tham quan với mong muốn chia sẻ nét đẹp ẩn chứa bên trong những giá trị văn hóa của một dòng gốm đất nung do người Việt tạo ra.

Tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có một bảo tàng tư nhân do ông Dương Văn Đôn thành lập, với hơn 1.000 hiện vật cũ liên quan tới quân sự, nằm trong nhà máy sản xuất gạch ở huyện Kim Sơn. Điểm nhấn chính của bảo tàng là tiêm kích phản lực MiG-21 do Liên Xô sản xuất.

Bảo tàng xuất phát từ đam mê sưu tập hiện vật quân sự của cá nhân ông Đôn, cho đến nay đã có hơn 1.000 hiện vật liên quan tới chiến tranh, cùng hàng nghìn đồ vật vùng nông thôn Bắc Bộ xưa và thời bao cấp. Hiện bảo tàng mở cửa miễn phí tất cả ngày trong tuần để phục vụ khách tham quan.

Trên cả nước Việt Nam còn rất nhiều bảo tàng tư nhân thú vị. Các bảo tàng tư nhân có chủ đề rất phong phú, từ gốm sứ, nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa, hiện vật chiến tranh, nếp sống gia đình, văn hóa vùng đất…

Điều đáng quý là hầu hết các bảo tàng này đều xuất phát từ những bộ sưu tập tư nhân. Những cá nhân, gia đình khi lập ra bảo tàng tư nhân hầu như không đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu mà mong muốn góp phần lưu giữ những kí ức lịch sử, nét đẹp văn hóa của dân tộc, tôn vinh một lĩnh vực nghề nghiệp, đem những giá trị đẹp đẽ của di sản trao cho cộng đồng. Nói là bảo tàng do tư nhân bỏ tiền ra đầu tư, nhưng trong số đó có không ít bảo tàng quy mô lớn, chỉn chu, hiện vật có giá trị cao, có thể sánh ngang với bảo tàng công lập.

Có những bảo tàng thu phí rất ít ỏi, thu không bù chi, có những bảo tàng hoàn toàn miễn phí cho khách tham quan. Và không ít bảo tàng mong muốn phát triển lâu dài, hiện vẫn loay hoay với bài toán làm thế nào để phát triển.

Lan tỏa những giá trị đẹp đẽ

Làm bảo tàng tư nhân là câu chuyện không hề dễ dàng. Những năm qua, cũng có không ít bảo tàng tư nhân mở ra, vốn đầu tư lớn nhưng rồi phải dẹp bỏ, lỗ nặng nề. Đơn cử là câu chuyện của Bảo tàng tượng sáp tại TP HCM. Khi mới ra mắt, bảo tàng được quảng bá rầm rộ kinh phí 35 tỷ đồng với hơn 100 bức tượng sáp của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà văn hóa thuộc các lĩnh vực: sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, thời trang… Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi ra mắt, bảo tàng đã bị lỗ nặng và sau đó thì dường như không còn mấy ai nhớ đến.

Làm bảo tàng “trăm thứ khó”, đó là chia sẻ chung của những người làm bảo tàng tư nhân. Tìm ra những lối đi mới, vừa phải độc đáo, lan tỏa được những giá trị đẹp, vừa phải làm cách nào thu hút khách, thương mại hóa thì mới mong duy trì lâu dài. Một trong những hướng đi hiệu quả của bảo tàng nói chung và bảo tàng tư nhân nói riêng là liên kết du lịch.

Đơn cử, Bảo tàng Áo dài Việt Nam cho đến nay trải qua những đợt từ COVID-19, kinh tế khó khăn… vẫn giữ được chỗ đứng trong làng bảo tàng nhờ những cách thức hết sức năng động của mình. Bảo tàng thường xuyên tổ chức những hoạt động ý nghĩa như Ngày hội Di sản góp phần cùng TP HCM kích cầu du lịch nội địa, thực hiện nhiều đợt tiếp nhận hiện vật là áo dài từ các tổ chức, cá nhân.

Ngoài trưng bày áo dài, Bảo tàng còn là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng như giao lưu, trình diễn dân ca, ví giặm, quan họ, đờn ca tài tử… nhằm giúp khán giả, nhất là các bạn trẻ hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật dân tộc.

Hay như Bảo tàng Làng Chài Xưa tại Phan Thiết, đã có những chiến lược thu hút du khách rất tốt. Bảo tàng có tổng diện tích 1.600 mét vuông, được chia thành 14 không gian nhỏ với các chủ đề khác nhau, tái hiện sống động 300 năm làng chài ở Phan Thiết xưa từ thời Chăm Pa, thời nhà Nguyễn, đến thời Pháp thuộc và những thập niên 40 – 60 của thế kỷ trước. Ngoài trưng bày tĩnh vật, bảo tàng còn có những hoạt động rất phong phú và thú vị như trình diễn nghệ thuật, cho du khách nhập vai làm dân chài lưới cá, đóng vai diêm dân trên những cánh đồng muối, thăm phố cổ Phan Thiết 300 năm, ghé những nhà đại gia nước mắm xưa, khám phá quy trình làm nước mắm, “cẩn” mắm, nếm hương vị của nước mắm Rin xưa được kéo rút trực tiếp từ thùng lều gỗ ủ chượp chín chậm…

Tuy nhiên, con số những bảo tàng thành tư nhân tìm được hướng đi phù hợp, gặt hái thành công là không nhiều. Không ít bảo tàng tư nhân hiện nay vẫn đang gian nan tìm kiếm những giải pháp trước mắt và lâu dài để duy trì và phát triển.

Tại một hội thảo về bảo tàng, có không ít đơn vị tư nhân đã bày tỏ động lực làm bảo tàng là vì tình yêu với di sản và mong muốn tình yêu ấy không bị mài mòn bởi những gánh nặng cơm áo. Muốn như thế, ngoài nỗ lực tự thân của bảo tàng, cần có sự hỗ trợ hợp lý của cơ quan quản lý.

Nhu cầu cấp thiết hiện nay của các bảo tàng tư nhân là được đào tạo và cập nhật thông tin về du lịch, về ứng dụng công nghệ lưu giữ hiện vật thời 4.0 để bắt nhịp xu thế và không bị lạc hậu so với các bảo tàng Nhà nước, trở thành những điểm đến hấp dẫn của du khách. Đồng thời, các bảo tàng rất cần được các Sở Du lịch địa phương quan tâm, hỗ trợ quảng bá, kết nối với các tour du lịch để bảo tàng có thể tiếp cận thường xuyên với du khách xa gần. Cạnh đó, còn nên có những cơ chế hỗ trợ đặc thù khác cho bảo tàng.

Một ví dụ là ở Huế, nơi có rất nhiều nhà sưu tập tư nhân đang sở hữu những bộ sưu tập hiện vật rất có giá trị và ấp ủ dự định xây dựng bảo tàng nhưng còn “ngại khó” bởi nhiều thứ. Nhận ra điều này, từ sớm, chính quyền Huế đã có đề án nhằm hỗ trợ hoạt động bảo tàng tư nhân. Đề án hỗ trợ được xây dựng cho giai đoạn 2021-2030, với kinh phí đầu tư là 8 tỉ và các chính sách như chính sách hỗ trợ về thuê đất; hỗ trợ về quy hoạch; công tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ công tác quảng bá; và hỗ trợ xây dựng sản phẩm đặc trưng cho mỗi bảo tàng… Với sự quan tâm sâu sát, dự kiến trong vòng 10 năm nữa, sẽ có khoảng 5 bảo tàng tư nhân trong các lĩnh vực văn hóa, ẩm thực… được ra đời ở Huế.

Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP HCM, từ hàng trăm năm nay, các bảo tàng đã là nơi hội tụ của di sản lịch sử, nghệ thuật. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa giáo dục có sức mạnh tiềm tàng, to lớn và ngày càng trở nên quan trọng, ý nghĩa hơn. Thông qua các hoạt động tham quan, thông qua việc trưng bày hiện vật, ghi chú, hướng dẫn, thuyết minh… bảo tàng là nơi lưu giữ tổng hợp các giá trị di sản, nơi sưu tập di sản để trưng bày, truyền tải thông tin lịch sử, bản sắc dân tộc, lòng yêu nước đến với công chúng. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, lòng biết ơn với tổ tiên, cội nguồn.

Chính vì những giá trị ấy, càng cần có sự hỗ trợ, động viên để cho ra đời ngày càng nhiều bảo tàng tư nhân chất lượng. Những bảo tàng ấy không chỉ góp phần làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản và nhân dân, mà còn đảm trách thêm nhiều nhiệm vụ tốt đẹp như kích cầu du lịch, giải quyết công ăn việc làm, tạo dựng thêm một điểm đến đẹp cho mỗi vùng đất, lưu lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here