‘Ai trả lương người đó nắm biên chế’

0
94
‘Ai trả lương người đó nắm biên chế’

TP HCMCông đoàn trả lương nhưng không nắm biên chế, phải nhận cán bộ từ địa phương chuyển qua, năng lực không đảm bảo, theo Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Kiên Giang.

Ý kiến được ông Nguyễn Minh Dũng, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Kiên Giang, nêu tại hội nghị góp ý sửa đổi Luật Công đoàn, chiều 13/4.

Theo ông Dũng, ngân sách tỉnh không trả lương cho cán bộ công đoàn nhưng lại nắm biên chế, phân bổ người. Có người được địa phương chê chuyển qua, công đoàn từ chối không được. Từ đó ông đề xuất quy định cán bộ cần phải thay đổi theo hướng “ai trả lương người đó nắm biên chế”, thống nhất từ trung ương về địa phương. Việc này ngoài chủ động về nguồn và chất lượng cán bộ còn giải quyết bài toán số lượng cán bộ phù hợp đặc thù, số lượng lao động địa phương.

Ông Nguyễn Minh Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Tuyết

Ông Nguyễn Minh Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Tuyết

Đại diện Liên đoàn lao động Kiên Giang cho biết chỉ khi nào tổng liên đoàn giao biên chế thì địa phương mới dễ thở. Hiện, biên chế ở các địa phương ngày càng teo tóp nhưng việc nhiều, phụ cấp thấp. Một số công đoàn giáo dục, cô giáo được bầu làm chủ tịch công đoàn thì khóc sướt mướt. Nguyên nhân khi lên chủ tịch, giáo viên phải giảm giờ dạy học, lương giảm nhưng phụ cấp công đoàn không đủ bù trong khi việc rất nhiều.

Cùng ý kiến về phân bổ biên chế, ông Kiều Văn Thọ, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Hậu Giang, nói không được chủ động về biên chế, gần 20 năm qua, kể từ khi thành lập tỉnh, công đoàn Hậu Giang chưa tự tuyển được một cán bộ nào. Hầu hết cán bộ được tỉnh chuyển từ nơi khác về, không ai có trình độ chuyên môn hoặc tốt nghiệp đại học công đoàn.

Bản thân vốn là giáo viên, được điều về làm cán bộ công đoàn, ông Thọ nói rằng phải đi học thêm lớp nghiệp vụ để phù hợp công việc mới nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, nhiều cán bộ công đoàn ở cấp huyện, xã, ngoài nhà nước mới quen việc được thì lại đổi vị trí. “Đầu vào như vậy nên năng lực cán bộ công đoàn hạn chế là đúng”, ông Thọ nói.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng hiện nay, các tỉnh, thành thường phân bổ số lượng biên chế cho công đoàn rất thấp nhưng lại ưu tiên cho các tổ chức chính trị, đoàn thể khác. Nguyên nhân khi nâng số lượng nhóm “ăn” lương từ ngân sách lên sẽ được trung ương cấp kinh phí nhiều hơn.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nói Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm “nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế”. Tổ chức công đoàn liên tục phát triển, hiện hơn 11 triệu đoàn viên nhưng biên chế lại giảm. Công đoàn phải trả lương cho cán bộ trong khi không được giao biên chế mà phải chờ địa phương quyết.

Tổng liên đoàn kiến nghị với Ban Tổ chức Trung ương và cơ quan có thẩm quyền có cơ chế giao biên chế phù hợp để công đoàn chủ động giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra, tuyển dụng được cán bộ công đoàn có kỹ năng, nghiệp vụ.

Lê Tuyết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here