Giữ lửa nghề rèn của người Xơ Đăng

0
6
Giữ lửa nghề rèn của người Xơ Đăng

Biên phòng – Sáng sớm, trên xã vùng cao Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), khi mặt trời vừa trải đều khắp các thôn, làng thật thanh bình, men theo từng tiếng búa đập, gõ tiếng đe, tiếng búa nện, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Dương ở khu dân cư Tắc Vin, thôn 1. Tại đây, chúng tôi bắt gặp em Hồ Gia Huy đang quay khò lửa, những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực bắn tung tóe, còn ông Dương đang dùng búa đập, mồ hôi ướt đẫm áo.

Giữ lửa nghề rèn của người Xơ Đăng
Lò rèn của ông Hồ Văn Dương thường ngày vẫn luôn đỏ lửa. Ảnh: Văn Sơn

Lò rèn của ông Hồ Văn Dương thường ngày vẫn luôn đỏ lửa chỉ để giúp bà con Xơ Đăng trong làng có dụng cụ phục vụ lao động sản xuất kịp mùa vụ. Nghỉ tay mời khách uống nước chè, ông Dương tranh thủ châm điếu thuốc, vừa hít một hơi dài, ông cho biết: “Nghề rèn của người Xơ Đăng ra đời khá lâu, nó đã gắn bó với tôi từ nhỏ. Tròn 15 tuổi, tôi đã theo cha vào rừng tìm củi đốt than để về rèn. Đến bây giờ đã 63 tuổi, tôi cũng không còn nhớ nổi mình đã rèn bao nhiêu dụng cụ như dao, rựa, rìu, lưỡi mác, cuốc, đồ chọc tỉa… để bà con có vật dụng làm rẫy, đi rừng chặt cây, săn bắt, kiếm củi, bẻ măng”…

Nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng chủ yếu đỏ lửa lúc nông nhàn hay dịp đầu năm để chuẩn bị cho mùa nương, khai hoang lúa rẫy mới. Trước đây, các sản phẩm làm ra chỉ để trao đổi lương thực, thực phẩm và giúp bà con, anh em, họ hàng trong làng có vật dụng làm rẫy, đi rừng. Những năm gần đây, nghề rèn không còn được như xưa. Nhu cầu sử dụng của bà con ngày càng giảm, thợ rèn chỉ có thể sản xuất cầm chừng. Và lửa rèn cứ cháy mãi trong tim, trở thành động lực và niềm thôi thúc để ông Dương cố gắng bám trụ, giữ lại nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng.

Tộc người Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My hiện còn lưu giữ được nghề rèn truyền thống. Địa bàn cư trú tộc người Xơ Đăng sinh sống quanh những quặng sắt tự nhiên xung quanh các ngọn đồi. Những quặng sắt này có hàm lượng sắt rất cao, thường ở dạng cục và dạng cát. Tuy vẫn còn khá thủ công, nhưng lò rèn của ông Hồ Văn Dương bây giờ đã được cải tiến cơ bản, kết hợp với một số vật liệu sắt, thép khác để cho ra kiểu bếp lò quay bằng tay khá đơn giản nhưng tiện dụng. Kỹ thuật rèn của người Xơ Đăng không được ghi chép bài bản, chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau. Để có một sản phẩm ưng ý phục vụ sinh hoạt, sản xuất, ông Dương phải tìm cho được sắt thép tốt, từ cách chọn than cho đến đặt bếp cũng phải có kỹ thuật.

Khi tìm hiểu nghè rèn, chúng tôi được biết, để nung được quặng sắt, người Xơ Đăng phải lên rừng tìm được cây rừng có tên gọi là loăng rlinh để làm than. Cần tính toán kỹ lưỡng mỗi khi bắt tay vào rèn một sản phẩm, phải thổi lửa sao cho sắt đỏ vừa phải, phù hợp. Mỗi lần đập búa bao giờ cũng một tiếng nặng, một tiếng nhẹ để tạo nên sự chính xác nơi nện búa. Chỉ với loại than từ loại cây này, lửa lò rèn mới đủ độ nóng cần thiết có thể nung chảy quặng sắt tự nhiên. Việc pha chế 2 loại quặng này được xem là phương thức bí truyền của những bơ ngai tha tài giỏi, tạo ra thỏi sắt chất lượng cao, chắc bền và không bị mẻ, gãy khi sử dụng.

Khi đã có những thỏi sắt ưng ý, theo truyền thống, thợ rèn người Xơ Đăng không được phép sử dụng than loăng rlinh nữa mà chỉ sử dụng những loại cây khác để cho nhiệt độ thấp hơn. Để cho ra thành phẩm từ thanh sắt, thép thô, người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi rất nhiều công sức. Sắt, thép sau khi dùng búa tạ đập cho nhẵn ra được đưa vào lửa nung đến khi đỏ rực. Khâu này đòi hỏi thợ rèn phải có nhiều kinh nghiệm, nhìn độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa có thể nhận biết được quá trình nung đã đạt hay chưa. Tiếp đến, dùng búa đập nhiều lần tạo hình và mài thủ công từng chi tiết đến khi cho ra thành phẩm.


Ông Dương với quy trình mài dũa sản phẩm. Ảnh: Văn Sơn

Cũng theo ông Hồ Văn Dương, cùng với việc tìm quặng, nung quặng, tìm củi làm than, đập sắt tạo hình và mài thủ công sản phẩm…, thì quan trọng nhất là quy trình chế tác “nước tôi”. Người Xơ Đăng thường dùng mai con rùa nấu keo lại, nghĩa là cho sản phẩm qua lửa lần cuối rồi nhúng vào đó. Sau khi nhúng xong, người thợ mang đi mài lần cuối để hoàn chỉnh sản phẩm. Nước tôi già hay non ảnh hưởng đến độ sắc của dụng cụ. Ưu điểm nữa của nước tôi là sản phẩm rất bén và bền, khó sứt mẻ. Tùy vào sản phẩm và dụng cụ như dao phát rẫy, rựa có giá từ 250 – 300 ngàn đồng, rìu và lưỡi mác thì giá từ 400-450 ngàn đồng, cuốc, đồ chọc tỉa có giá từ 150 – 170 ngàn đồng, dao vót nan thì có giá 140 ngàn đồng…, bà con trong xã đặt hàng rất nhiều.

Đến học nghề rèn, ngồi chăm chú theo dõi từng động tác trui, đập, mài, anh Hồ Văn Lượng (30 tuổi), thanh niên cùng thôn cho biết: “Nghề rèn này đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền, bởi lớp trẻ Xơ Đăng hiện nay không mấy quan tâm đến nghề rèn. Dẫu vậy, tôi tin rằng, với sự nỗ lực của bản thân và sự động viên của chú Hồ Văn Dương, một ngày nào đó, thế hệ trẻ sẽ lại đam mê, tiếp nối nghề rèn. Và nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng sẽ được hồi sinh”.

“Từ trước đến nay, đồng bào Xơ Đăng luôn coi trọng nghề rèn truyền thống, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Dù cuộc sống hiện đại có thay đổi đến mấy, song “cái gốc” những làng nghề truyền thống của người Xơ Đăng nói chung, trong đó có nghề rèn của gia đình ông Hồ Văn Dương luôn phải được giữ gìn và phát triển. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm hướng khôi phục nghề rèn truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, để góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề rèn ở xã vùng cao Trà Nam thực sự là một việc làm cần thiết, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Xơ Đăng nơi đây” – anh Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam khẳng định.

Nguyễn Văn Sơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here