“Mình nuôi khách, khách nuôi mình”
“Lúc nghe con nói quán của mình được Michelin đề xuất, tôi thấy bối rối vì… chẳng biết đó là gì. Sau khi nghe con giải thích, tôi mới hiểu, hạnh phúc lắm”, bà Lê Thị Thịnh (67 tuổi), chủ quán xôi gà Number One, hào hứng kể.
Từ ngày được Michelin đề xuất, bà Thịnh cho hay, quán đông khách hơn hẳn (Ảnh: Nguyễn Vy).
Hơn 18h, trời đổ mưa nhưng không ngăn được từng tốp thực khách tìm đến quán xôi trên đường Nguyễn Trung Trực (quận 1, TPHCM) của bà Thịnh. Quán có 3 nhân viên túc trực, chuẩn bị 30kg nếp mỗi ngày mới đủ phục vụ.
Ở tuổi 67, bà Thịnh đã để lại quán xôi cho con trai quán xuyến. Thế nhưng thỉnh thoảng nữ chủ nhân vẫn “ngứa nghề”, tự tay vào bếp chuẩn bị từng phần xôi cho khách.
Bà Thịnh bộc bạch, bí quyết gia truyền giúp hàng xôi tồn tại đến ngày hôm nay chính là tâm nguyện “mình nuôi khách, khách nuôi mình”.
Bà Thịnh chia sẻ các công đoạn nấu xôi không hề đơn giản, dễ dàng, phải là người kiên trì, đam mê lắm mới theo nghề được (Ảnh: Nguyễn Vy).
“Làm nghề này rất cực, ngày này qua ngày khác phải thức khuya, dậy sớm. Món đồ ăn bình dân, đúng chất lao động thôi nhưng không phải vậy mà làm qua loa, chỉ nghĩ tới chuyện lấy tiền cho nhanh được. Nấu xôi cũng là việc cần tinh tế, phải biết cách điều chỉnh sao để mỗi hạt gạo mềm dẻo vừa phải.
Để khách cảm tình, quay lại quán lần nữa, mỗi mẻ xôi tôi luôn cố làm cho thật chỉn chu. Từng dĩa xôi mang cho khách phải là sản phẩm hoàn hảo, ngon nhất có thể”, bà Thịnh cho hay.
Mỗi ngày, quán xôi mở cửa bán từ 8h đến 20h, còn công đoạn chuẩn bị thì phải bắt đầu từ 4h. Bà chủ quán xôi chia sẻ từng có nhiều người tìm đến, mong bà truyền nghề, dạy cách nấu. Bà luôn vui vẻ đồng ý, hướng dẫn nhưng đến khi làm hầu hết người học nghề chỉ bán một thời gian rồi bỏ, chuyển việc khác.
Nói riêng về xôi bắp, để biến hột bắp khô rang thành dẻo, người nấu phải bỏ nhiều công sức rửa, đãi thật sạch, ngâm và hầm với thời gian hơn nửa ngày. Ở công đoạn nấu đậu xanh, bà Thịnh kể từng đãi đậu đến tróc cả móng tay.
Những hạt bắp được gia đình bà Thịnh nấu kỹ, đảm bảo độ dẻo mềm (Ảnh: Nguyễn Vy).
Hàng xôi của bà có 2 món xôi gà và xôi bắp, với giá dao động 30.000-40.000 đồng/phần. Xôi gà có trứng non, mề, thịt gà,… Điểm nhấn của món ăn chính là nước xốt gia truyền, có vị mặn, ngọt vừa phải.
Tại quán của bà Thịnh, thực khách hầu hết là khách quen, nhiều người đã ăn tại đây mấy chục năm. Không ít người dù đã đi nước ngoài định cư nhưng mỗi lần về nước vẫn tìm đến hàng xôi gây thương nhớ này.
“Nhiều du khách nước ngoài đến ăn một lần, dịp sau tới Việt Nam lại ghé tiếp. Họ cũng đăng tải hình ảnh quán xôi giản dị của chúng tôi lên mạng xã hội, khiến nhiều khách quốc tế biết tới chúng tôi hơn”, bà Thịnh nói.
Kỹ nghệ truyền qua 3 thế hệ
Xôi gà với nhiều loại topping ăn kèm (Ảnh: Nguyễn Vy).
Trước đây, bà ngoại của bà Thịnh di cư từ Bắc Ninh vào TPHCM lập nghiệp. Lúc ấy, cụ nảy ra ý tưởng nấu xôi đem bán dạo khắp thành phố. Sau này, cụ Đỗ Thị Tịnh, mẹ bà Thịnh, nối nghề, cả đời mưu sinh với gánh xôi rong.
Nhắc đến mẹ, bà Thịnh chợt rưng rưng. Dáng vẻ tần tảo, chịu thương chịu khó của mẹ đến giờ vẫn hiển hiện trong tâm trí bà chủ quán xôi “được gắn sao”.
“Ba tôi mất khi tôi chỉ mới 8 tuổi, phía sau còn bầy em lúc nhúc. Lúc ấy, một mình mẹ nấu xôi đi bán dạo để nuôi 4 đứa con. Nhà nghèo nhưng mẹ chẳng bao giờ để chúng tôi phải đói. Là chị cả trong nhà, tôi sớm theo phụ mẹ bán xôi để lo cho các em”, bà Thịnh kể.
Bao lần đang bán hàng thì trời đổ mưa to, hai mẹ con bà Thịnh chạy đôn, chạy đáo tìm chỗ trú. Có lần, bà Thịnh còn khóc nấc khi lạc mẹ ở chợ Bến Thành, trong một lần ráo rác chạy mưa.
Thấm cảnh vất vả từ nhỏ nên bà Thịnh luôn tự lập và mạnh mẽ. Trong đầu, bà chẳng mơ được giàu sang, phú quý mà chỉ mong bán hết thúng xôi, mang tiền về mua gạo mua rau nuôi cả gia đình.
Bà Thịnh bên bức ảnh chụp chung với mẹ (Ảnh: Nguyễn Vy).
Năm 1973, bà Thịnh lấy chồng, sinh con. Thấy mẹ lớn tuổi, không còn sức bươn bả trên đường phố, bà Thịnh quyết định thay mẹ lo gánh xôi.
“Vừa mới sinh con được 2 tháng, tôi đã dậy nấu xôi gánh đi bán. Hàng xôi may mắn được nhiều người ủng hộ. Đến năm 2000, tôi mới mua được mặt bằng trên đường Nguyễn Trung Trực, có tiệm cố định, yên ổn bán hàng đến giờ”, bà chủ tiệm chia sẻ.
Giờ đây, 5 người con của bà Thịnh đã trưởng thành, có người tiếp nhận cửa hàng, nối nghiệp mẹ khiến bà vui như mở cờ. Bà chủ luôn tâm niệm và truyền dạy con, làm gì, buôn bán gì cũng cần có cái tâm thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến.
Ngồi ở hàng ghế trong nhà, bà Thịnh thỉnh thoảng nhắc con cho nhiều xôi, thịt một chút khi thấy có người bán vé số, người lao động chân tay tạt vào quán. Thấy con nhanh nhẹn múc xôi đúng ý, bà Thịnh cười, ánh mắt dõi theo vẻ hài lòng, thanh thản.