Hà NộiBỏ du học Australia, Nguyễn Phương Minh dành một năm học tiếng Trung và chuẩn bị hồ sơ, trúng tuyển Đại học Thanh Hoa.
Minh là cựu học sinh lớp chuyên Địa lý, trường THPT Chu Văn An. Nữ sinh nhận tin đỗ vào Viện Quản lý kinh tế của Đại học Thanh Hoa, cách đây vài ngày.
Đây là ngôi trường danh tiếng bậc nhất ở Trung Quốc, trong top 20 thế giới, theo bảng xếp hạng đại học QS 2025. Minh phải đóng học phí khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.
“Em vui sướng không tả nổi, nhưng vui hơn nữa khi thấy gia đình và bạn bè hạnh phúc cho thành quả cố gắng của mình”, Minh nói.
Nguyễn Phương Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngày học cấp ba, ngoài tiếng Anh, Minh học thêm tiếng Trung. Thấy hứng thú, năm lớp 11, nữ sinh nghĩ đến du học ở đất nước này, mục tiêu là vào Đại học Thanh Hoa.
Tuy vậy, khi lên lớp 12, vì muốn học cùng nhóm bạn thân, nữ sinh nộp và trúng tuyển ngành Kinh tế của Đại học Sydney, Australia. Trường thuộc top 20 đại học tốt nhất thế giới, theo QS 2025.
Nhận thư trúng tuyển, Minh băn khoăn, nghĩ đến nguyện vọng ban đầu. Cho rằng phải vào môi trường yêu thích thì mới có động lực để học tốt bốn năm đại học, nữ sinh quyết định từ bỏ. Quay lại để nộp hồ sơ vào Thanh Hoa, Minh không kịp vì thiếu chứng chỉ HSK (chứng chỉ Hán ngữ quốc tế, gồm 6 bậc).
“Em chọn gap year – dừng học một năm, để thi chứng chỉ và chuẩn bị hồ sơ”, Minh cho hay. “Bạn bè khuyên em nghĩ lại, nhưng em muốn theo đuổi thứ mình thích”.
Đại học Thanh Hoa yêu cầu ứng viên có HSK bậc 5 trở lên, chứng chỉ tiếng Anh IELTS, bảng điểm học tập, hai thư giới thiệu kèm video về bản thân và một bài luận khoảng 800 chữ.
Suốt ba năm THPT, nữ sinh duy trì điểm trung bình trên 9. Em cũng được thầy cô ủng hộ, viết thư giới thiệu. Vì thế trong một năm, Minh tập trung tự học tiếng Trung, đạt chứng chỉ HSK cấp 6. Để hồ sơ thêm thuyết phục, nữ sinh học thêm SAT (bài thi chuẩn hóa thường được dùng để xét tuyển vào đại học Mỹ).
Trong bài luận, Minh tự nhận có máu kinh doanh, được truyền cảm hứng từ mẹ. Quan sát mẹ khởi nghiệp, em cũng tập tành bán bánh ngọt và mỹ phẩm trên Facebook từ ngày còn học cấp hai.
“Trải nghiệm này giúp em hiểu về tầm quan trọng của marketing mạng xã hội, phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về nhu cầu, tâm lý khách hàng và quản lý tài chính cá nhân”, Minh nhìn nhận. Đây cũng là lý do khiến Minh chọn ứng tuyển vào Viện Kinh tế của Đại học Thanh Hoa.
Ngoài ra, hồ sơ của Phương Minh cũng thể hiện các hoạt động ngoại khóa phong phú. Em từng là trưởng ban phát thanh của câu lạc bộ truyền thông, tham gia tổ chức sự kiện và quản lý đội bóng tại trường.
“Những hoạt động này giúp em học được cách quản lý thời gian để cân đối việc học hành, công việc và giữ vững các mối quan hệ”, nữ sinh nói.
Sau vòng hồ sơ, Minh được gọi vào vòng phỏng vấn. Nữ sinh được hỏi nhiều về thông tin trong hồ sơ, hiểu biết về trường, bằng cả tiếng Trung và Anh trong khoảng 45 phút. Vì đã chuẩn bị kỹ, em trả lời trôi chảy.
Nguyễn Phương Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Hoàng Lan Chi, giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, là người hướng dẫn Minh nộp hồ sơ. Cô nhận xét Minh tự lập, có khả năng tự học ngoại ngữ tốt.
“Ngoài ra, Minh có trải nghiệm kinh doanh online và sự tự tin, thể hiện được bản sắc cá nhân”, cô Chi nói.
Phương Minh cho rằng bài học lớn nhất mà em rút ra trong quá trình nộp hồ sơ là chỉ có một mục tiêu duy nhất và dồn sức để thực hiện. Nữ sinh chỉ “nhắm” đến Thanh Hoa, chấp nhận “được ăn cả, ngã về không”. Theo Minh, việc này giúp em tập trung chuẩn bị hồ sơ chất lượng nhất, thể hiện năng lượng của bản thân, tăng khả năng trúng tuyển.
Em cũng không áp lực khi nhìn bạn bè đồng trang lứa học đại học trước.
“Một năm gap year đã rèn cho em sự rắn rỏi trước nhiều lời khuyên vừa đi học, vừa chuẩn bị hồ sơ. Làm hai thứ cùng lúc sẽ không hiệu quả”, Minh cho hay.
Nữ sinh sẽ đến Trung Quốc vào mùa thu tới. Em chưa có dự định cụ thể sau khi tốt nghiệp nhưng xác định tâm thế sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức mới.
“Những trải nghiệm dù khó khăn hay tốt đẹp thì đều là những bài học quý giá”, Phương Minh chia sẻ.
Doãn Hùng