Biên phòng – Trong những năm qua, đồng bào dân tộc xã Hồ Thầu huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã có nguồn thu nhập cao từ 10 – 12 triệu đồng/ha từ nuôi thả cá chép trong ruộng bậc thang canh tác lúa một vụ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Khoảng 70% diện tích ruộng bậc thang của xá Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì kết hợp nuôi cá chép ruộng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: Văn Phú
Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới và là một trong 7 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện vùng cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ; 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần; 1 huyện vùng thấp là Bắc Mê).
Xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao, Nùng, Lô Lô, Sán Dìu… (riêng dân tộc Dao chiếm trên 80% dân số). Từ nhiều đời nay, người dân xã Hồ Thầu canh tác lúa chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang một vụ, do phải lệ thuộc vào nguồn nước mưa. Bắt đầu từ trung tuần tháng 5 dương lịch, khi trời có mưa là thời điểm người dân xã Hồ Thầu tiến hành làm đất để gieo cấy vụ lúa mùa (cũng là vụ lúa duy nhất trong năm).
Đến thời điểm trung tuần tháng 6, khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ là thời điểm người dân tiến hành thả cá vào trong ruộng lúa. Sau khi thả cá khoảng 3,5 – 4 tháng, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 dương lịch, khi lúa bước vào giai đoạn chín và là thời điểm người dân rút nước ruộng để thuận lợi cho thu hoạch lúa và cũng là thời điểm thu hoạch cá.
Những loại cá được thả nuôi chủ yếu trong ruộng lúa là cá chép giống địa phương có trọng lượng nhỏ, cá giống khi thả có trọng lượng từ 0,1 – 0,15 kg/con và khi thu hoạch chỉ đạt từ 0,35 – 0,4 kg/con nhưng lại có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao, từ 140 – 150 nghìn đồng/kg. Ngoài cá chép, người dân xã Hồ Thầu còn thả thêm cá diếc trong ruộng lúa nhằm tăng thu nhập.
Du khách trải nghiệm bắt cá chép trong ruộng bậc thang tại xã Hồ Thầu, Hoàng Su Phì. Ảnh: Văn Phú
Anh Hoàng Văn Chung, cán bộ khuyến nông xã Hồ Thầu cho biết, muốn thả cá trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người dân cũng cần phải tiến hành làm ruộng khác so với các ruộng lúa không thả cá. Đó là, những ruộng thả cá phải làm một rãnh sâu từ 30 – 35 cm, rộng từ 30 – 40 cm chạy dọc theo mép ruộng ở phía giáp với phần ruộng bâc thang phía trên và phải đắp bờ ruộng cao hơn bình thường nhằm tránh cá bị trôi xuống các ruộng phía dưới khi trời mưa. Công việc làm rãnh giúp cho cá dồn xuống để tránh nắng nóng khi gặp trời nắng và cũng thuận lợi khi rút nước ruộng để thu hoạch cá.
Theo đánh giá của người dân xã Hồ Thầu, đối với những ruộng lúa có thả cá, người dân chỉ được bón lót bằng các loại phân hữu cơ hoai mục, vừa để bổ sung dinh dưỡng cho lúa và cũng tạo nguồn thức ăn phù du cho cá. Bên cạnh đó, đối với những ruộng lúa thả cá thì không được bón phân vô cơ vì nó ảnh hưởng không tốt tới sinh trưởng của cá. Khi hết vụ lúa, người dân để lại một phần cá và được thả vào các ao của gia đình để làm giống cho vụ sau.
Anh Trương Công Định, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết, trong những năm qua, người dân trong xã đã đẩy mạnh phát triển nuôi thả cá chép trong các ruộng bậc thang canh tác lúa một vụ. Công việc thả cá chép trong ruộng lúa không chỉ góp phần tăng thêm thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng/ha từ tiền bán cá mà còn giúp hạn chế và tiêu diệt sâu bệnh hại lúa. Vì vậy, đối với những ruộng lúa có thả cá thì không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu bệnh. Từ đó giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong canh tác lúa và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái…
Nhận thấy công việc thả cá trong ruộng lúa mang lại nhiều lợi ich về kinh tế và môi trường, UBND xã đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển và mở rộng quy mô canh tác lúa – cá, như mời các cán bộ Trung tâm Thủy sản của tỉnh về tập huấn kỹ thuật nâng cao hiệu quả của thả cá trong ruộng lúa; kỹ thuật nuôi cá giống qua đông, kỹ thuật phòng trừ bệnh cho cá…
Cá chép ruộng xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì là món đặc sản địa phương hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Văn Phú
Những gia đình nuôi cá chép trong ruộng lúa có thể cho du khách trải nghiệm bắt cá trong ruộng với giá thỏa thuận từ 100-120 nghìn đồng/người và giá bán cá cho khách du lịch từ 140 – 150 nghìn đồng/kg.
Trong những năm qua, mô hình canh tác lúa – cá của người dân xã Hồ Thầu không những góp phần nâng cao thu nhập cho bà con các dân tộc mà còn là điểm tham quan, trải nghiệm của các đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh Hà Giang khi lúa bước vào giai đoạn chín và cũng là thời điểm người dân bắt đầu thu hoạch cá.
Trong những năm qua, xã Hồ Thầu và huyện Hoàng Su Phì đã được hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021. Nhờ được hỗ trợ kinh phí, UBND xã Hồ Thầu đã chỉ đạo người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; trong đó có đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi dưỡng giống cá chép địa phương qua đông tại các ao, hồ của gia đình nhằm tạo nguồn giống cho vụ cá của năm sau; liên kết, mời gọi cán bộ của Trung tâm Thủy sản Hà Giang tham gia tập huấn cho người dân về kỹ thuật cho cá chép địa phương sinh sản; kỹ thuật phòng trừ bệnh cho cá; kỹ thuật nâng cao hiệu quả của nuôi cá chép ruộng trong các thửa ruộng bậc thang…
Nhờ đó, hiệu quả của các mô hình nuôi cá chép ruộng trên các thửa ruộng bậc thang của xã Hồ Thầu không ngừng được nâng lên. Điều đó không những góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương mà còn góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc tại địa phương.
Phạm Văn Phú