Việt Nam gần như nước duy nhất thực hiện chính sách cho rút BHXH một lần nên khi giải quyết khó tìm được kinh nghiệm quốc tế, phải tiếp cận từng bước, theo Giám đốc ILO
Nội dung được bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho biết khi trả lời phỏng vấn VnExpress, trước bối cảnh quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang giai đoạn “nước rút để về đích”.
ILO là tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc với mục tiêu thúc đẩy công bằng xã hội, tăng cường việc làm bền vững, giảm đói nghèo. Tổ chức này là đối tác của Chính phủ Việt Nam ở một số chương trình mở rộng an sinh.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh
– Là bên được Chính phủ Việt Nam mời tham vấn, theo bà lần sửa luật này sẽ giải quyết những tồn tại của Luật BHXH hiện hành như thế nào?
– Nghị quyết 28 đã đặt ra yêu cầu cải cách chính sách BHXH, thúc đẩy hệ thống thay đổi tiếp cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Cùng lúc, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với ưu tiên đổi mới an sinh xã hội. Lần sửa luật này không nằm ngoài các mục tiêu đó và dự thảo mới nhất có nhiều điểm tích cực, giải quyết các hạn chế hiện hành.
Đầu tiên dự luật hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. Dự luật đã mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc ra một số nhóm lao động. Điều này giúp Việt Nam từng bước đưa được nhiều người vào hệ thống, đảm bảo họ được bảo vệ bởi các chế độ ngắn lẫn dài hạn.
Thứ hai, dự luật quy định giảm thời gian đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm. Điều này sẽ thúc đẩy lao động có thời gian đóng ngắn tiếp tục tham gia, ở lại hệ thống để được hưởng lương hưu.
Thứ ba, dự luật đã thể chế hóa hệ thống hưu trí đa tầng giúp gia tăng tính liên kết trong chính sách và đồng thời hạ độ tuổi hưởng hưu trí xã hội từ 80 xuống 75.
Thứ tư là Việt Nam đang nỗ lực giải quyết tình trạng rút BHXH một lần.
– Sau gần ba thập kỷ chính sách cho rút BHXH một lần được duy trì nên giờ sửa đổi gặp rất nhiều tranh cãi, thậm chí phản đối. ILO khuyến nghị như thế nào với ban soạn thảo về vấn đề này?
– Đầu tiên cần xác định Việt Nam gần như là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép lao động rút BHXH một lần vào bất cứ thời điểm nào trong suốt quá trình làm việc. Thứ hai, chính sách này không phù hợp Tiêu chuẩn lao động quốc tế bởi không đảm bảo an ninh thu nhập tuổi già.
Vì khó tìm được nước thứ hai thực hiện nên giờ đây việc tìm kiếm các bài học kinh nghiệm quốc tế khá khó. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, để giảm tình trạng rút BHXH một lần, ILO khuyến nghị cần kết hợp giữa việc giảm dần số tiền nhận được qua khoản trợ cấp một lần và tăng dần thời gian chờ để được rút thay vì 12 tháng như hiện nay. Tiếp cận từng bước giúp tránh nguy cơ làn sóng rút BHXH một lần hàng loạt vào năm trước khi luật và các chính sách liên quan hiệu lực.
Ví dụ qua mỗi năm số tiền có thể rút sẽ giảm dần 10%. Sự thay đổi này có thể chấp nhận được vì sau 5 năm, người lao động vẫn có thể rút phần lớn (50%) khoản đóng góp của mình trong trường hợp cần thiết. Phần còn lại vẫn trên hệ thống và trả cho lao động như một khoản trợ cấp hưu trí khi hết tuổi làm việc. Điều này phần nào cải thiện, đảm bảo an ninh thu nhập tuổi già của họ.
Kinh nghiệm cho thấy những nỗ lực hạn chế rút BHXH một lần trước đây của Việt Nam chưa nhận được sự đồng thuận của lao động. Điều này có thể được giải thích bởi tốc độ và mức độ điều chỉnh chính sách chưa phù hợp, sự tin cậy vào hệ thống thấp và thiếu các hình thức hỗ trợ thu nhập thay thế.
Thực tế, nhiều lao động sử dụng số tiền rút BHXH một lần để đối phó với các rủi ro trong cuộc sống như nuôi con hoặc xem như là nguồn thu nhập thay thế khi thất nghiệp… Do đó, nỗ lực giảm tình trạng rút BHXH một lần nên đi kèm với cung cấp thêm các chế độ trợ cấp ngắn hạn, giúp lao động có thêm nguồn thu nhập, tạo động lực để họ ở lại hệ thống.
– Trong các cuộc góp ý dự thảo có hai lý do phổ biến được đưa ra khi đề nghị giữ lại quy định cho rút BHXH một lần là “đảm bảo quyền tự quyết của lao động” và “rút vì mất việc, khó khăn”. Tuy nhiên, đang có tình trạng nhiều người công việc ổn định, thu nhập tốt lại nghỉ để rút. ILO nhìn nhận, đánh giá việc này thế nào?
– Khi chúng ta đã nói rõ hết các ưu, nhược điểm của chính sách rút BHXH một lần nhưng một bộ phận lao động vẫn cho rằng phương án tốt nhất là được nhận một lần. Tôi công nhận đó là nhu cầu cá nhân của họ. Tuy nhiên, với BHXH cần xác định quyền của cá nhân còn liên quan tập thể lao động đang tham gia đóng góp vào quỹ, cần đặt trong sự an toàn của cả hệ thống.
Cốt lõi của BHXH là một hệ thống đoàn kết, phù hợp nền tảng các giá trị của xã hội Việt Nam, được thiết kế để một người gặp rủi ro xã hội sẽ góp tay chia sẻ. Cho dù lao động ở đâu, làm gì, miễn đang tham gia, người lao động sẽ được bảo vệ bởi hệ thống do chính mình tạo ra.
Khi người lao động nhận trợ cấp một lần, sử dụng khoản đóng góp vào quỹ BHXH như một dạng tiền tiết kiệm trong tài khoản cá nhân sẽ ảnh hưởng bản chất đoàn kết, làm xói mòn tính chia sẻ và giảm năng lực bảo vệ cho toàn bộ thị trường lao động của hệ thống. Ngược lại nếu lao động ở lại thì tất cả quyền của cá nhân đều được bảo vệ đồng thời với những người khác.
Vấn đề đặt ra là hệ thống cần xử lý hài hòa quyền của tập thể lao động bên cạnh quyền của từng cá nhân. Chính sách cần khuyến khích từng người ở lại hệ thống thông qua các chế độ, giúp họ tiếp cận được các nguồn tiền khác khi cần thiết.
Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP HCM, tháng 4/2023. Ảnh: Đình Văn
– Gia tăng chính sách phúc lợi cho người tham gia là khuyến nghị ILO luôn theo đuổi khi góp ý Luật BHXH. Điều này ảnh hưởng ra sao tới quỹ BHXH?
– Nhiều năm qua ILO luôn vận động để Việt Nam thêm các chế độ còn thiếu so với tiêu chuẩn an sinh tối thiểu vào hệ thống BHXH. Cụ thể là chế độ trợ cấp cho gia đình, trẻ em. Việc này không gây tốn kém mà ngược lại là khoản đầu tư rất phù hợp.
Nghiên cứu của ILO cho thấy nếu trợ cấp cho trẻ em mỗi tháng 350.000 đồng thì số tiền chi ra chỉ chiếm từ 0,7% khoản thu nhập đóng bảo hiểm, tùy thuộc vào độ tuổi đủ điều kiện.
Ngoài ra những nghiên cứu khác đã chỉ ra chế độ cho trẻ em là một chính sách cùng lúc giải quyết chế độ cho ba thế hệ gồm trẻ em có trợ cấp, bố mẹ thêm động lực ở lại hệ thống nên được hưởng các chế độ ngắn hạn và về già có lương hưu.
– Các hiệp hội doanh nghiệp lại đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ BHXH vì cho rằng mức đóng của Việt Nam cao, các quỹ ngắn hạn đang kết dư lớn. ILO nhận xét gì về đề xuất này?
– Không tính bảo hiểm y tế thì mức đóng vào quỹ BHXH của Việt Nam chiếm 27,5% tiền lương tháng làm căn cứ. Đây là mức tương đồng các quốc gia thiết kế hệ thống BHXH cung cấp các chế độ an sinh tương tự như Việt Nam.
Mức đóng ở Việt Nam giống như một số nước trong khu vực như Trung Quốc (gần 33%), Nhật Bản (gần 30%) hay Malaysia (26,7%); không xa mức đóng góp của các quốc gia có hệ thống BHXH toàn diện hơn như Bồ Đào Nha (gần 35%), Đức (gần 40%) và ngang bằng một số quốc gia có hệ thống BHXH phát triển như Brazil (29%), Argentina (27%)…
Một số nước có mức đóng thấp hơn nhưng đồng thời các chế độ hệ thống cung cấp ít hơn rất nhiều. Nếu không đóng góp vào quỹ, luật quy định chủ sử dụng lao động phải chi trả một số chế độ cho lao động khi gặp rủi ro. Đơn cử Malaysia với mức đóng 26,7% chỉ thấp hơn Việt Nam 0,8% nhưng chế độ ốm đau thai sản do người sử dụng lao động trực tiếp chi trả. Hoặc ở một số nước khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải chi trả…
Tuy nhiên việc để người sử dụng lao động chi trả sẽ rất khó giám sát, đánh giá, thậm chí xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Theo một số tiêu chuẩn lao động quốc tế, các chế độ này tốt nhất nên được chi trả qua hệ thống đảm bảo sự chia sẻ và minh bạch.
Tại Việt Nam, tất cả chế độ an sinh đều được chi trả qua hệ thống BHXH và được Chính phủ, Quốc hội, xã hội giám sát. Do đó chúng tôi cho rằng cần hết sức cẩn trọng khi so sánh mức đóng.
– Tại các buổi góp ý dự thảo, nhiều ý kiến bày tỏ không được tiếp cận thông tin quản lý thu, chi quỹ BHXH nên thiếu niềm tin vào tính bền vững của chính sách. ILO khuyến nghị như thế nào về việc cung cấp thông tin hoạt động của quỹ ra công chúng?
– Không chỉ Việt Nam mà quan điểm của ILO đối với các nước là cần chia sẻ, minh bạch các thông tin liên quan sử dụng tài chính quỹ BHXH ra công chúng bao gồm người hưởng, khả năng chi trả, tính bền vững của quỹ.
Đối với quỹ BHXH của Việt Nam, ILO đã thực hiện đánh giá và cho rằng tính bền vững của quỹ rất tốt, đủ cơ sở để cải cách mạnh mẽ theo hướng mở rộng chế độ. Do đó, các cơ quan quản lý quỹ hoàn toàn tự tin để xây dựng các báo cáo minh bạch và chia sẻ thông tin đó ra cộng đồng. Điều này giúp tất cả chúng ta sẽ có kiến thức giống nhau, tạo ra sự đồng thuận từ người dân, đặc biệt ở giai đoạn này khi vẫn còn nhiều người nghi ngờ vào hệ thống.
ILO mong muốn Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng một dự thảo Luật với nhiều cải cách hướng đến xây dựng hệ thống BHXH toàn diện, bảo vệ nhiều người và bền vững hơn.
Lê Tuyết