Biên phòng – Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã được đông đảo hội viên hưởng ứng. Toàn huyện có hơn 5.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Gia đình chị Rơ Châm Gil là một trong những hộ nông dân đó.
Chị Rơ Châm Gil thu hoạch mủ cao su tại vườn của gia đình. Ảnh: Thúy Hạnh
Rơ Châm Gil là một phụ nữ người dân tộc Jrai. Chị được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại làng Roih, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Trước năm 1993, hai vợ chồng chị tranh thủ khai hoang vỡ hóa để lấy đất sản xuất, lúc đầu trồng cây ngắn ngày để giải quyết cuộc sống, cả gia đình chỉ trông chờ vào 5 sào lúa nước. Do nhận thức, kiến thức làm ăn còn hạn chế, lại không có việc làm nên kinh tế của gia đình chị gặp nhiều khó khăn, gia đình 5 miệng ăn, hai vợ chồng và 3 đứa con nên thiếu đói triền miên.
Sau khi Rơ Châm Gil tham gia Chi hội Nông dân làng, được Chi hội và Hội Nông dân xã tạo điều kiện, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện qua kênh hộ nghèo cho vay vốn tín chấp với số tiền là 10 triệu đồng, cùng vốn tích lũy của mình, gia đình chị đã đầu tư trồng cây cà phê. Ban đầu, Rơ Châm Gil trồng được 1.500 cây cà phê và nuôi 50 con gà đẻ trứng, nhờ tích góp hàng năm nên gia đình chị đã mua được một con bò. Những năm đầu, gia đình chị thu nhập hằng tháng là 5-7 triệu đồng. Thời gian tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt tại Chi hội Nông dân, chị đã trao đổi và học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Thời điểm đó, có rất ít những cuộc tập huấn khoa học kỹ thuật, hội thảo về phân bón, cách chăm sóc các loại cây trồng và phòng trừ dịch bệnh.
Mấy năm gần đây, nhờ Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngoài việc Hội Nông dân tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Rơ Châm Gil còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: Chăm sóc, thu hoạch cà phê, cao su, tiêu; cách bón phân và phòng trừ dịch bệnh cho các loại cây trồng, vật nuôi. Qua các buổi sinh hoạt Chi hội, học hỏi được kinh nghiệm của các hộ có mô hình kinh tế hiệu quả, gia đình chị Rơ Châm Gil đã mạnh dạn trồng thêm 1.000 cây cà phê, 8ha cao su, 5 sào mỳ, 7 sào lúa nước hai vụ, 10 con heo sinh sản và 3 con bò.
Nhờ thay đổi tư duy và chăm lo phát triển kinh tế, nên đến nay, thu nhập bình quân của gia đình chị đã dần ổn định. Hằng năm, trừ chi phí, lãi từ 500 triệu đồng trở lên. Đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chị cũng được nâng lên rõ rệt, xây được nhà cửa khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng, mua sắm nhiều máy móc phục vụ sản xuất và tiện nghi sinh hoạt. Hiện giờ, Rơ Châm Gil là một trong những hội viên nữ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân xã Ia Phí.
Nhìn thấy kết quả trên, nên bà con tham gia vào Hội ngày càng tích cực để học hỏi kinh nghiệm sản xuất của chị. Với tinh thần trách nhiệm và sự tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, giúp nhau cách làm ăn cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm, gia đình chị còn giúp đỡ từ 2-4 hội viên nghèo, thiếu vốn sản xuất với số tiền từ 2 đến 5 triệu đồng/hộ.
Trên cơ sở những hội viên sản xuất kinh doanh giỏi như chị Rơ Châm Gil, các cấp Hội Nông dân đã thành lập Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” với hơn 200 thành viên. Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; xây dựng, phát triển mô hình chi-tổ nghề nghiệp, các hoạt động dịch vụ, tư vấn. Ngoài ra, Hội cũng hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử.
Bà Lê Thị Ánh Dương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh chia sẻ: “Có được kết quả này là nhờ chính sách hỗ trợ tích cực của Nhà nước giúp nông dân mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện nay, nhiều hộ đã thay đổi nhận thức, biết chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su; thực hiện mô hình kinh doanh tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, trên địa bàn huyện có nhiều hộ đạt mức thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm, đặc biệt, có 68 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng/năm, 35 hộ thu nhập trên một tỷ đồng/năm. Nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho lao động tại địa phương và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ còn khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống”.
Thúy Hạnh