Song hành 2 mục tiêu cho người lao động đi nước ngoài

0
60
Song hành 2 mục tiêu cho người lao động đi nước ngoài

Vừa tăng thu nhập vừa đào tạo lao động

Ngày 29.8, Bộ LĐTBXH tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua Chương trình phi lợi nhuận”.

Song hành 2 mục tiêu cho người lao động đi nước ngoàiQuang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hàn Lâm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết: Trong những năm vừa qua, Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa được nhiều người lao động, thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài, hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ LĐTBXH giao, góp phần rất tích cực vào kết quả giải quyết việc làm ngoài nước.

Tuy nhiên, qua báo cáo, người lao động của các địa phương khu vực phía Nam tham gia các Chương trình của Trung tâm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

“Mục tiêu lớn nhất không chỉ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc để tăng thu nhập. Thu nhập là một trong những nội dung quan trọng, tuy nhiên mục tiêu song song là đào tạo nâng cao kỹ năng của người lao động, khi trở về thì tham gia lao động thị trường trong nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

AThứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: Hàn Lâm

Gỡ khó hạn chế trên, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan yêu cầu đơn vị phải quan tâm hơn nữa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp sau khi người lao động nước ngoài hết hợp đồng trở về; đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm và các địa phương cùng chung tay thực hiện đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, các Sở LĐTBXH cũng phải chỉ đạo các trung tâm đảm bảo thông tin nhằm thúc đẩy việc làm trong nước, ngoài nước; giúp người lao động Việt Nam thuận lợi sau khi trở về nước tìm việc làm.

Hình thành sàn giao dịch việc làm điện tử

Nhằm nâng cao hiệu quả số lượng tham gia các chương trình của người lao động phía Nam, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan nhận định: Trung tâm Lao động ngoài nước cần phải phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền thông tin, quảng bá các chương trình đến người lao động; có phương án tuyển chọn đúng đối tượng, phù hợp với tình hình và đặc thù của các địa phương phía Nam.

Đặc biệt, việc song hành và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc hỗ trợ vay vốn, cho vay vốn, ký quỹ hỗ trợ người lao động đi nước ngoài cũng là điều hết sức cần thiết.

Hội thảo thảo luận về hình thành sàn giao dịch Hội thảo thảo luận về hình thành sàn giao dịch việc làm điện tử. Ảnh: Hàn Lâm

Theo Thứ trưởng, hiện nay, cả nước có 3 trung tâm máy tính để thi tiếng Hàn tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Để hỗ trợ và thúc đẩy sự tham gia của các tỉnh phía Nam, chúng ta nghiên cứu đặt thêm phòng thi tại TP Cần Thơ nhằm giúp lao động các tỉnh khu vực ĐBSCL thuận lợi trong việc tham gia đăng ký dự thi.

“Chúng ta cần phải đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư, đảm bảo đúng, đủ và chính xác người lao động” – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan chỉ đạo.

Hiện nay, Chính phủ đã có nghị quyết và chỉ đạo về hình thành Sàn giao dịch việc làm Quốc gia, do đó, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan đề nghị TP Cần Thơ nên đi đầu, tiên phong trong việc hình thành sàn giao dịch việc làm khu vực ĐBSCL, dựa trên trung tâm dịch vụ việc làm khu vực đã được đầu tư cơ bản.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here