(Dân sinh) – Đây là thông tin được nêu trong Báo cáo Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Nội vụ. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong số 10 địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất nửa đầu năm 2023.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh minh họa
Các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất gồm: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang.
Cụ thể, Bộ Nội vụ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, căn cứ các Quyết định của Bộ Chính trị về biên chế giai đoạn 2022-2026, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách trong đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành giai đoạn 2022-2026; Ban Tổ chức Trung ương ban hành Quyết định giao biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp công lập cho các địa phương.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Kết quả tinh giản biên chế 6 tháng đầu năm 2023 của các địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ là 127 người, trong đó, công chức 12 người.
Bộ Nội vụ cho biết, để giải quyết tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đối với tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng bảo đảm số lượng công chức, viên chức tuyển dụng mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm.
Về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó có nhiều nội dung đổi mới cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 3 Thông tư; hoàn thiện Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Báo cáo kết quả thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương; Quy chế thay thế Quyết định số 198-QĐ/TW ngày 18/9/2013 của Bộ Chính trị. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, báo cáo, đánh giá tổng kết Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.