Công việc “ngày chăm con, tối chăm cha”
Tình huống nữ cử nhân đi giúp việc theo giờ vừa được chia sẻ trên một diễn đàn việc làm thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cô gái kể, cô thất nghiệp kéo dài đến nay đã 4 tháng. Chán chường với cảnh suốt ngày ở nhà nên mới đây, cô đi giúp việc nhà theo giờ.
Ngay buổi đầu tiên đi làm thử, khi cô đang lau bàn bếp thì bà chủ nhà hỏi: “Sao vừa cao vừa trắng lại xinh không chọn làm người mẫu hay “sugar baby” mà phải đi giúp việc cho khổ”.
Nhiều cô gái trẻ, có nhan sắc bị nghi ngại khi đi giúp việc nhà (Ảnh minh họa: H.N).
Cô gái nghẹn ứ ở cổ, cố làm cho hết giờ rồi “bỏ của chạy lấy người” khi chưa kịp lấy tiền công 180.000 đồng cho buổi làm việc. Sau sự việc, cô lại quyết tâm rải CV (hồ sơ xin việc) tìm việc.
Tình huống cô gái gặp phải không cá biệt. Nhiều người, đặc biệt là các bạn nữ thường gặp phải những câu hỏi ám chỉ, ánh mắt nghi ngại “đẹp vậy sao phải…” khi đi làm.
Nhận làm gia sư, chăm sóc hai con nhỏ cho một gia đình giàu có ở Gò Vấp, TPHCM, chị Lê Ngọc Hân (31 tuổi) cũng thường xuyên gặp sự phán xét, mỉa mai của người xung quanh.
Có người biết công việc của chị, cười tủm tỉm: “Gia sư xinh đẹp vậy thì chẳng mấy chốc thành bà chủ”, “Làm việc không cần lĩnh lương”, “Ngày chăm con, tối chăm cha”… Khi biết chủ nhà của Hân là nữ, chồng mất từ lâu thì có người bẻ lái: “Bà chủ giờ mới nhận ra giới tính thật”.
Tham gia các nhóm, diễn đàn về công việc, gia sư giúp việc, chị Hân càng thấy rõ tình trạng dán nhãn, ám chỉ, tình dục hóa nghề nghiệp cũng như body shaming (miệt thị cơ thể) từ rất nhiều người.
Những cô gái trẻ tuổi, có chút nhan sắc đi làm gia sư, giúp việc nhà thường bị cười nhạo, mỉa mai và mặc định đi làm chỉ là cái cớ để tiếp cận… chủ nhà.
Ông chủ tuổi… ông nội gạ làm “con gái nuôi”
Ra trường, làm PG (Promotion Girl – nữ nhân viên tiếp thị), thường xuất hiện trong những bộ váy áo bắt mắt với nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng khuyến mại hay tại các sự kiện, Quỳnh Châu, 26 tuổi, tại TPHCM từng gặp nhiều người đàn ông gạ gẫm cô làm… “sugar baby”.
Có nhiều người đàn ông buông lời đầu môi theo thói quen chòng ghẹo “đẹp như em sao phải vất vả thế”, cũng có người tìm cách tiếp cận, đề nghị… “để anh nuôi, nhìn em anh xót”.
Nhiều cô gái gặp khó khăn khi đi tìm việc vì… có nhan sắc (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Châu từng gặp trường hợp một cụ ông đã 80, bằng tuổi ông nội cô, là nguyên giám đốc công ty nơi cô làm việc, gợi ý cô làm “con cái nuôi”, “mọi thứ bác lo hết, không cần đi làm vất vả”…
Tuy nhiên, điều Châu “sốc” nhất là khi cô bức xúc chia sẻ lại câu chuyện của mình, nhiều người cho rằng cô “giả nai”, “các ông có tiền chẳng lao vào ầm ầm”. Có người bỉ bôi việc cô phản ứng là vì “ông chủ U80, chứ chỉ cần U40 – 50 xem, các em chẳng đứng xếp hàng”.
“Nhiều người mặc định rằng chúng tôi đi làm PG là để chờ cơ hội “mồi chài” đàn ông giàu có. Khi đi tìm việc ở những vị trí khác, tôi cũng từng gặp câu hỏi mang tính gạ gẫm: “Xinh như em, sao phải vất vả”, Quỳnh Châu kể.
Theo Châu, tuổi trẻ và nhan sắc là ưu thế khi đi làm việc nhưng cũng có thể bất lợi với nhiều bạn gái. Không ít người, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ mang định kiến “chân dài não ngắn”, cho rằng các cô gái xinh đẹp không làm được việc hay đẹp để làm cảnh cùng ám chỉ người đẹp thiếu gì cách kiếm tiền nhàn nhã.
Với Châu, đó là cái nhìn phiến diện đầy xúc phạm, không dựa trên đánh giá về khả năng, công việc mà chỉ nhìn bề ngoài để đánh giá, chụp mũ.
Trong một chương trình trao đổi với sinh viên ở TPHCM trước đây, có người đặt vấn đề “phụ nữ đẹp phải chăng để rót nước pha trà, để “làm mồi” cho các hợp đồng, trao đổi”.
Khi đó, Hoa hậu đẹp nhất châu Á năm 2009 Hương Giang không hề vui trước ví von này. Cô đáp: “Phụ nữ đẹp không phải để pha trà, tiếp nước”.
Hương Giang không phủ nhận phụ nữ đẹp có lợi thế là làm điều gì cũng dễ thu hút, dễ được mọi người chú ý. Nhưng khó hơn rất nhiều việc thu hút là khâu thuyết phục người khác rằng mình có thể làm được và có thể làm tốt.
Còn khi tiếp xúc, phụ nữ đẹp hay bất kỳ ai cũng chỉ tạo ấn tượng được 3-5 phút, quan trọng sau đó là kết quả, giá trị mang lại cho nhau trong công việc. Muốn đạt được điều đó, các bên phải bắt đầu bằng sự tôn trọng.