Anh Nguyễn Ngọc Khương, chuyên viên tư vấn độc lập ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, hướng dẫn 8 bước bắt buộc khi chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ.
Common App
Đây là trang web bạn dùng để nộp đơn đến các đại học. Gần như tất cả trường trong top 100 ở Mỹ đều dùng trang này. Ngoài Common App, một số trường còn dùng Coalition App, ApplyTexas, hoặc có hệ thống nộp đơn riêng.
Trên Common App, bạn sẽ điền vào thông tin cá nhân gồm tên, ngày sinh, trường đang học, thông tin về ba mẹ và anh chị em… Khi bấm vào một trường nhất định, bạn nhận được những câu hỏi cụ thể hơn như muốn học ngành gì; bạn có thành viên gia đình nào từng học ở đây không; có muốn xin hỗ trợ tài chính không?
Đây cũng là nơi bạn gửi bài luận chính, luận phụ, gửi thư giới thiệu, nộp bảng điểm cấp 3. Common App giống như một điểm hội tụ tất cả thông tin đại học cần biết về bạn.
Bảng điểm
Học sinh sẽ nộp bảng điểm từ lớp 9 đến lớp 12 do bậc trung học ở Mỹ bắt đầu từ lớp 9. Các bạn đang học lớp 12 thì nộp bảng điểm từ lớp 9 đến lớp 11, rồi bổ sung dần dần trong quá trình làm hồ sơ. Nếu trường không cấp bảng điểm bằng tiếng Anh, học sinh cần mang đi dịch và công chứng.
Lập danh sách trường
Thông thường học sinh nộp đơn 10-12 trường. Nhưng năm vừa rồi, nhiều trường bỏ yêu cầu điểm SAT nên không ít người nộp 20 trường. Tuy nhiên, bạn nên nhắm mục tiêu 10-15 trường, nếu có thời gian thì nộp thêm, đừng tập trung vào số lượng mà bỏ đi chất lượng của hồ sơ.
Trong 10-15 trường này, bạn hãy chia các trường thành ba nhóm: Dream, Reach, và Safety. Nhóm Dream là những trường siêu khó vào, bạn nộp coi như chỉ để thử vận may. Tất cả trường trong nhóm Ivy League hay trong top 20, đều là Dream. Nhóm Reach là các trường hơi vượt tầm với, vượt học lực của bạn. Nhóm Safety gần như chắc chắn bạn sẽ đậu.
Muốn phân loại từng nhóm không dễ nhưng bạn có thể tìm mức GPA (điểm trung bình học tập) và điểm SAT trung bình của sinh viên từng trường để so sánh với khả năng của mình. Nếu học lực của bạn vừa bằng hoặc tốt hơn mức điểm trung bình, đó có thể là trường Safety. Ngược lại, đó là Reach hoặc Dream.
Ngoài ra, thường tỷ lệ đậu của một trường ở mức 60% trở lên là Safety, thấp hơn sẽ thuộc nhóm Dream và Reach. Tuy nhiên, mỗi người mỗi khác nên đây chỉ là một số gợi ý.
Bài luận chính
Luận chính có thể được gọi là Personal Statement hoặc Common App essay. Đây là bài luận duy nhất, dài 650 từ để gửi đến các trường bạn nộp đơn vào. Bài luận chính đòi hỏi bạn chia sẻ một câu chuyện hoặc nhiều mẩu chuyện về bản thân. Mục đích là để ban tuyển sinh thấy con người, cá tính, hoài bão, cuộc sống của bạn ra sao.
Bạn có thể chọn vô vàn ý tưởng về bản thân để trình bày. Ví dụ, một học sinh kể về các hoạt động hàng ngày như thức dậy, chăm em, đi với mẹ đến nơi làm việc để mày mò các máy móc thí nghiệm. Qua những hoạt động đơn giản này, người đọc hiểu được điều gì quan trọng đối với học sinh này, em ấy muốn học gì, làm gì sau này và vì sao. Trong một ví dụ khác, một học sinh từng viết về những sự kiện trong quá khứ đã truyền cảm hứng cho bản thân thế nào để theo đuổi ngành Kỹ thuật điện.
Nếu vẫn mơ hồ, bạn chỉ cần gõ “US college essay” sẽ thấy ví dụ, từ các bài luận được viết cho Harvard đến những trường bạn chưa nghe bao giờ. Thường quá trình viết luận chính kéo dài 1-2 tháng và trải qua ít nhất 5 bản nháp.
Bài luận phụ
Một số trường, đặc biệt các trường trong top 70, sẽ yêu cầu bạn viết thêm bài luận phụ. Trường xếp hạng càng cao càng yêu cầu viết nhiều.
Ví dụ Princeton University muốn ứng viên viết 6 bài luận phụ khác nhau, trong khi Depauw University không yêu cầu bài nào. Mỗi bài luận phụ thường dài 100-300 từ, với chủ đề đa dạng. Các đề tài phổ biến nhất gồm “Vì sao bạn muốn học ở trường X?”, “Vì sao bạn muốn học ngành Y?”, “Học ở trường này, bạn sẽ đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng địa phương, quốc gia, hoặc toàn cầu như thế nào?”.
Một số trường còn đưa cho ứng viên một đoạn trích dẫn nào đó, rồi yêu cầu viết cảm nhận.
Bài luận phụ quan trọng không kém bài luận chính vì nó cho ban tuyển sinh thấy bạn chịu khó đầu tư vào hồ sơ của trường nhiều đến mức nào. Vì thế, nếu bạn chờ đến phút cuối mới viết luận phụ, bài không chất lượng, ban tuyển sinh sẽ dễ dàng nhận ra.
Thư giới thiệu
Thư giới thiệu thường được viết bởi giáo viên của thí sinh. Trong thư này, giáo viên chia sẻ về học lực, hoạt động, tính cách, hoài bão của các em. Thư có thể dài 1-2 trang.
Bạn sẽ cần thư giới thiệu từ ít nhất hai giáo viên. Nếu nộp vào các trường trong top 20, bạn có thể xin thư từ ba giáo viên.
Chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL/ IELTS/ DET)
IELTS, TOEFL được chấp nhận ở tất cả đại học Mỹ. Ngoài ra, bài thi Duolingo English Test (DET) mới nổi năm 2020 do Covid-19 vì cho phép người thi làm bài ở nhà, ngắn hơn và chi phí rẻ hơn. Khá nhiều trường đã chấp nhận DET, kể cả trường danh tiếng như Cornell University.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên kiểm tra trên trang web của trường xem họ có nhận DET hay không. Một số trường chỉ tạm thời chấp nhận DET vào đợt nộp đơn năm vừa rồi, các năm sau có thể bỏ vì nó quá dễ và quá ngắn so với TOEFL/IELTS, hoặc không đủ khó để kiểm tra trình độ tiếng Anh của ứng viên.
Khi thi chứng chỉ, bạn chỉ cần đạt một mức điểm là đủ. Ví dụ, nếu IELTS ở mức 7.0 hoặc 7.5 rồi, bạn không cần đăng ký thi lại vì ở mức đó, bạn đã có thể nộp đơn vào các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ. Ban tuyển sinh quan tâm bạn có đủ khả năng tiếng Anh để ngồi học trong giảng đường, trao đổi với giáo sư, tranh luận với các sinh viên khác chứ không cần biết bạn cao siêu tới mức nào.
Giấy tờ tài chính
Ở Mỹ có hai loại trường: hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế dựa trên khả năng tài chính của gia đình (need-based financial aid) và không hỗ trợ tài chính.
Ở loại thứ nhất, các trường sẽ cho bạn tiền dựa trên khả năng đóng của mình. Ví dụ một trường với tổng chi phí 65.000 USD/năm nhưng nhà bạn chỉ có thể đóng 20.000 USD, tức là bạn cần trường hỗ trợ 45.000 USD/năm để có thể theo học. Để biết được gia đình có thực sự chỉ đóng được 20.000 USD/năm thôi, trường sẽ phải phân tích tình hình tài chính của phụ huynh như thu nhập cá nhân, tài sản, chi tiêu hàng năm.
Ứng viên sẽ tự khai những chi tiết này trên CSS Profile hoặc đơn International Student Financial Aid Application (ISFAA), cùng các giấy tờ chứng minh như văn bản thuế, bảng lương, sao kê ngân hàng của ba tháng gần nhất.
Bạn chỉ cần làm và nộp một trong hai thủ tục trên. Khi nộp CSS Profile, bạn phải đóng 16-25 USD (380.000-590.000 đồng) cho mỗi trường. ISFAA thì miễn phí nên các bạn từ gia đình khó khăn có thể chọn thủ tục này nếu trường cho phép.
Nếu không nộp giấy tờ này, bạn sẽ không nhận được hỗ trợ tài chính. Thay vào đó, bạn có thể chỉ nhận được học bổng dựa trên học lực của mình (merit-based scholarship).
Thứ hai là những trường chỉ trao học bổng, thường là các trường công như Indiana University – Bloomington, University of Massachussetts – Amherst, University of Minnesota – Twin Cities. Khi nộp đơn vào các trường này, bạn có thể bỏ qua công đoạn điền CSS/ISFAA. Bạn vẫn sẽ nhận được tiền nhưng không nhiều bằng các trường có trao hỗ trợ tài chính.
Nguyễn Ngọc Khương