Những “nắm đấm” vô hình

0
53
Những “nắm đấm” vô hình

Vết cắt không lưỡi dao

Tại Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV vào năm 2022, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về luật Phòng chống bạo lực gia đình và luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ đã có nhận định: “Nỗi đau về thể xác khủng khiếp lắm, đau đớn tinh thần còn khủng khiếp hơn”.

Nếu như bạo lực gia đình về thể chất, có thể dễ dàng nhận thấy qua hành động của những người thân trong nhà, để lại dấu vết trên thân xác, thì bạo lực về tinh thần hiện đang diễn biến rất phức tạp và khó để nhận diện

Theo thống kê ở Việt Nam, cho thấy có 56.2% các vụ bạo hành tinh thần xảy ra ở nông thôn và 47.2% trường hợp xảy ra ở khu vực thành thị. Bạo lực tinh thần có rất nhiều phương thức, đầu tiên đó là bạo lực ngôn từ, dùng những lời lẽ thóa mạ, lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm những người thân trong gia đình.

Nhưng không chỉ có ngôn từ, bạo lực tinh thần phi ngôn ngữ còn là những hành động gây tổn thương như cô lập, xua đuổi, bỏ bê người thân. Ngoài ra, bạo lực tinh thần được thể hiện ở hành động cố gắng kiểm soát các thành viên trong gia đình, như ràng buộc tự do tài chính, hôn nhân, ép con học quá nhiều,…

Thực tế, những hành vi bạo lực tinh thần vẫn đang diễn ra trên cả nước. Như vào năm 2022, tại xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, câu chuyện của chị Trần Thị Bê đã được nhiều người chú ý.

Được biết, chị và chồng đã kết hôn hơn 20 năm, nhưng đến 15 năm chị phải chịu bạo lực tinh thần. Mỗi ngày, sau khi đi nhậu về, người chồng lại lăng nhục, thóa mạ chị. Có những hôm, việc này diễn ra từ chiều tối cho đến rạng sáng. Lâu dần, chị không chịu đựng nổi, trong một lần bị chồng chửi mắng, chị đã uống thuốc độc để tự tử. Nhưng may mắn, chị được các con đưa đi viện kịp thời.

Bạo lực tinh thần không phải chỉ sử dụng từ ngữ nặng nề, mà còn là sự im lặng, từ chối giao tiếp của các thành viên trong gia đình đối với nhau. Lấy ví dụ một bài báo về ông Otou Katayama ở Nhật Bản, đã hơn hai thập kỷ không chịu nói chuyện với vợ. Dù ông vẫn thường xuyên tâm sự với con cái, và gia đình ông được người ngoài đánh giá là bình yên, hạnh phúc, nhưng thực tế, vợ cùng các con ông đều cảm thấy rất căng thẳng.

Khi được một chương trình truyền hình giúp đỡ để hai ông bà gặp nhau, nói chuyện ở công viên, thì những người con đã bật khóc lúc bố nói lời cảm ơn với mẹ. Đây chính là một kiểu bạo lực tinh thần, gây sức ép lên đối phương, thường không được mọi người, thậm chí kể cả nạn nhân nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề.

Bạo lực tinh thần gia đình không chỉ diễn ra trong một hoặc hai thành viên, mà có thể ảnh hưởng đến cả gia đình. Trong đó, phụ nữ, nam giới, trẻ em, người già không kể lứa tuổi, giới tính đều có thể trở thành nạn nhân. Một số liệu ở Việt Nam cho thấy, có 8.3% người cao tuổi bị các thành viên trong gia đình đe dọa, nhốt trong nhà và 15% bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc. Tổ chức UNICEF từng công bố số liệu có đến 70% trẻ em chịu bạo lực tinh thần từ bố mẹ, ngoài việc bị ép học tập, các em còn trở thành nơi trút giận của cha mẹ, hứng chịu những lời lẽ cay nghiệt.

Không chỉ phụ nữ, người già và trẻ nhỏ, mà đàn ông cũng có thể trở thành nạn nhân của vấn nạn này. Như câu chuyện của nam diễn viên Hoàng Anh với vợ cũ vào năm 2021, là một ví dụ về bạo lực tinh thần, khi anh bị kiểm soát quá chặt chẽ. Ca sĩ từng chia sẻ trên mạng xã hội, anh phải ly hôn với vợ cũ, vì thường xuyên bị vợ ghen tuông, quản lý, gọi điện mọi lúc, mọi nơi. Nếu như anh không nghe máy, khi về nhà, vợ sẽ mắng mỏ, nặng lời với anh cả tiếng đồng hồ, thậm chí là không cho ngủ.

Thay vì im lặng hãy đòi lại công bằng

Ở Việt Nam hiện nay, các gia đình thường có tâm lý “tốt thì khoe ra, xấu xa đậy lại”, chính vì thế, những vụ bạo lực tinh thần thường được họ dấu kín đi. Phụ nữ, trẻ em, người già và thậm chí cả người đàn ông đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhẫn nhịn nhằm giữ một gia đình hạnh phúc.

Những “nắm đấm” vô hình ảnh 1

lBạo lực tinh thần rất phức tạp và khó nhận biết.(Ảnh internet).

Bạo lực tinh thần đi kèm với các hành động như đánh đập, đuổi ra khỏi nhà, hoặc tước đi các quyền lợi nuôi con, tự chủ kinh tế, tự do cá nhân. Nạn nhân của các vụ bạo lực tinh thần gia đình bị tổn thương nặng nề về cả tâm lý lẫn thể xác. Nỗi đau này, sẽ đi cùng họ vĩnh viễn suốt cuộc đời.

Theo TS. Võ Văn Nam – Giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP HCM phân tích thì bạo hành về tinh thần tuy không gây ra những vết thương trực tiếp, rõ ràng trên cơ thể, nhưng nó lại gây ra mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thần kinh của nạn nhân. Người bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài dễ dẫn đến suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần, có những suy nghĩ tiêu cực, chăng̉ hạn tìm đến cái chết…

Một số liệu được đưa ra, đó là 66% các trường hợp ly hôn xảy ra do bạo hành gia đình và 25% trường hợp có liên quan đến bạo hành tinh thần. Đặc biệt, bạo lực tinh thần không chỉ để lại tổn thương, trầm cảm cho người trưởng thành và người già, mà còn ám ảnh cả tâm lý của trẻ nhỏ. Khiến cho các em thu mình, lâu dần mất đi khả năng phát triển, hòa nhập với xã hội, tệ hơn chính là làm trẻ nhỏ mất đi niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.

Một vấn đề đặt ra, đó là nhiều cá nhân không nhận thức được việc bản thân đang phải chịu bạo lực tinh thần từ những người trong gia đình. Như bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP HCM, đã chia sẻ với báo chí, truyền thông, bạo lực tinh thần rất khó định lượng, vì sẽ không có những thương tích trên cơ thể.

Như có những người phụ nữ khi bị chồng nói thì không quan tâm, nhưng số khác lại lập tức rơi vào lo lắng, trầm uất, sợ hãi. Để đánh giá mức độ bạo lực tinh thần, chỉ có thể dựa vào ảnh hưởng của những lời nói thô thiển, đe dọa, khủng bố tâm lý,… đẩy nạn nhân đến phẫn uất, khủng hoảng như thế nào.

Đặc biệt hơn, nhiều người thường có suy nghĩ phải bị đánh đập, sỉ nhục nặng nề mới là bạo lực gia đình. Chính vì vậy, điều đầu tiên là phải hướng dẫn, phổ biến dấu hiệu của bạo lực gia đình cả về tinh thần, lẫn thể xác cho mọi người. Bởi nếu những nạn nhân còn tiếp tục im lặng, thì bạo lực tinh thần vẫn còn “đất” để sống, thậm chí là phát triển lên thành bạo lực thể xác. Chỉ khi hiểu, người dân mới có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính bản thân và những người xung quanh.

Cụ thể, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình, sẽ phạt từ 5 triệu đồng cho đến 10 triệu đồng, nếu có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thân. Với các hành vi sử dụng phương tiện truyền thông, phát tờ rơi, phát tán hình ảnh của người trong gia đình nhằm bôi nhọ danh dự, hoặc hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc người thân sẽ bị phạt từ 10 triệu cho đến 20 triệu đồng.

Đặc biệt, người bạo hành không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, mà còn có thể đối diện với vòng lao lý, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần của người khác, theo Điều 155 Bộ luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội làm nhục người khác sẽ bị phạt từ hai đến năm năm tù, khi gây ra rối loạn tinh thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể lên đến 61%, hoặc làm cho nạn nhân tự sát

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here