“Lúc trước, chở hàng ngày kiếm 300.000-400.000 đồng là chuyện bình thường, còn giờ khó khăn lắm, mỗi ngày chỉ mong đủ 2 bữa cơm”, ông Nam (57 tuổi), tài xế xe ba gác ở TP Thủ Đức (TPHCM) than thở.
Theo ông Nam, hơn 40 năm làm nghề lái xe ba gác, chưa khi nào ông thấy khó khăn như hiện nay. Nhiều người đã bỏ nghề đi vay tiền mua xe tải chạy thuê hoặc chạy xe ôm nhưng ông vẫn quyết bám với nghề vì không thể vay được tiền mua xe mới.
“Chạy xe ba gác mà như… ngồi như câu cá. Hên thì ngày 3 cuốc, xui thì ế 3-4 ngày, giờ kiếm cuốc xe cực khổ quá”, vừa lau mồ hôi ông Nam vừa kể.
Nhiều người chở xe ba gác thuê than khó có thể bám trụ với nghề (Ảnh: Anh Thư).
Hàng ngày, cứ 6h sáng ông Nam đã có mặt ở ngã tư gần nhà, ăn tạm ổ bánh mì hay tô hủ tiếu gõ rồi ngồi chờ khách. Nắng cũng như mưa, ông cứ ngồi như “trời đày” vì sợ nếu rời khỏi vị trí thì sẽ có khách đến tìm.
“Hôm nào khấm khá, kiếm được vài trăm ngàn đồng thì vợ vui, hôm nào ế thì về vợ… chửi. Giờ chập tối là phải chạy về nhà nghỉ ngơi chứ mắt kém rồi, không chạy đêm được, do vậy thu nhập càng giảm”, ông Nam bộc bạch.
Gần khu vực ông Nam mưu sinh, ông Hoan (ngụ TP Thủ Đức) cũng than thở, thời hoàng kim, nghề ba gác có thể kiếm được gần 1 triệu đồng/ngày. Số tiền kiếm được ông Hoan đủ nuôi 3 người con khôn lớn. Tuy vậy, giờ đây khi bàn tay đầy vết chai sạn, mắt mờ đi thì nghề này cũng dần suy tàn, làm không đủ ăn.
“Hết thời rồi, xe thì cũ kỹ nên không cạnh tranh lại các loại xe bán tải, chấp nhận thôi”. Giờ ở cái tuổi này chỉ có làm bảo vệ thôi, chứ còn làm gì khác. Mà làm bảo vệ thì tôi không thích”, ông Hoan nói.
Những tài xế thường đỗ xe ba gác thường đậu ở những sân trống, ghi sẵn số điện thoại để người dân liên hệ (Ảnh: Anh Thư).
Theo ông Hoan, dù khó khăn nhưng các tài xế xe ba gác rất yêu thương, bao bọc nhau. Khi thấy ai “ế” quá lâu, các tài xế khác khi có “cuốc” sẽ san sẻ hoặc giúp đỡ một ít chi phí ăn qua ngày. Mỗi khi xe hư, chỉ cần một tin nhắn trong nhóm là sẽ có người chạy đến giúp đỡ ngay.
Một số người trong nhóm của ông Hoan, dù con cái đã nuôi đủ “cơm ăn áo mặc” nhưng vẫn quyết không bỏ nghề. Họ muốn tìm niềm vui ở tuổi già và kiếm thêm ít tiền phụ con cái nuôi gia đình, dành dụm ít tiền lúc đau ốm…
Anh Thư