Trồng hồ tiêu hữu cơ
Vườn cây hữu cơ trên đất đồi của gia đình ông Phan Văn Huệ (64 tuổi, trú tại thôn Xuân Quê, xã Quế Long, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) khiến nhiều người ấn tượng về cách làm vườn khoa học, bài bản.
Ông Phan Văn Huệ vươn lên thoát nghèo với mô hình trồng tiêu hữu cơ trên đất gò đồi bạc màu (Ảnh: Ngô Linh).
Khu vườn của ông Huệ đạt giải Ba cuộc thi “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” cấp tỉnh với nội dung “vườn đẹp năm 2021”.
Ông Huệ cho biết, nhiều năm trước, từ vùng đất gò đồi bạc màu chuyên trồng cây keo lá tràm, ông đã mạnh dạn cải tạo đất trồng sắn, điều, dưa hấu, rồi trồng mía nhưng đầu ra bấp bênh, thu nhập chỉ đủ trang trải sinh hoạt phí trong gia đình.
Đến năm 2015, khi người dân bán một tấn tiêu mua được 7 cây vàng (thời điểm đó cây tiêu được gọi là “vàng đen”) tạo nên cơn sốt trồng tiêu ở nhiều tỉnh thành, ông Huệ cũng mạnh dạn đầu tư vì nhận thấy hồ tiêu phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương, giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng “vàng đen” trên đất sỏi mang lại cơ hội làm giàu cho lão nông Quảng Nam (Video: Ngô Linh).
Nghĩ là làm, ông đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo một phần khu đất bạc màu của gia đình, mua máy bơm nước, hệ thống tưới nước tự động, tự đúc trụ xi măng để trồng 500 trụ tiêu Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).
Ông Phan Văn Huệ tích cực tìm tòi kiến thức và quy trình chăm sóc tiêu qua sách báo, internet, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng tiêu uy tín để áp dụng.
Đặc biệt, vườn tiêu của ông được canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, dùng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ bón cho cây tiêu. Từ đó, đảm bảo sức khỏe cho người trồng và vườn cây, tiêu ít bệnh mà bán được giá cao.
Tiêu trồng theo hướng hữu cơ, chăm sóc kỹ lưỡng cho chất lượng hạt tiêu sạch, thơm ngon, cay nồng… (Ảnh: Ngô Linh).
Để có hạt tiêu sạch đúng chuẩn, gia đình ông không dùng thuốc diệt cỏ mà chỉ làm cỏ thủ công. Mỗi năm, ông mua 3 tấn phân gà về ủ với men vi sinh khoảng 3 tháng để dùng bón cho cây tiêu vào đầu mùa mưa và khi cây ra hạt.
Ngoài ra, ông còn dùng phân trâu, bò, bánh dầu để ủ. Sử dụng phân hữu cơ không chỉ giá thành rẻ, giúp giảm chi phí sản xuất mà còn tái tạo dinh dưỡng cho đất, thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật có khả năng chống lại bệnh hại cây trồng.
“Tiêu này không chỉ để kinh doanh mà còn dùng trong gia đình nên tôi rất chú trọng chất lượng. Quy trình ủ phân đều phải tự tay làm mới yên tâm được. Trồng cách này tiêu cho năng suất cao, mùi thơm đặc trưng, được khách hàng ưa chuộng”, ông Huệ chia sẻ.
Vươn lên thoát nghèo
Với sự quyết tâm, dày công chăm sóc, vườn tiêu ban đầu của ông phát triển xanh tốt và được nhân rộng diện tích qua từng năm. Đến nay, vườn tiêu có khoảng 2.000 trụ trên diện tích 1ha.
Cây tiêu trồng sau 3 năm là cho hạt, đến năm thứ 5 thì cho năng suất đều đặn hàng năm. Nếu như người trồng tiêu ở nhiều nơi thường lo ngại tiêu mất giá, thì tiêu của gia đình ông luôn có mức giá ổn định.
Năm 2020, ông Huệ thành lập hợp tác xã trồng tiêu, sản phẩm có nhãn mác rõ ràng, dán mã QR để người mua tra cứu thông tin. Với chất lượng hạt tiêu sạch, thơm ngon, cay nồng, tiêu bán được giá 150.000-200.000 đồng/kg.
“Có thể nói nhờ vườn tiêu này mà gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, trồng tiêu cũng có nhiều rủi ro, người trồng cần chăm sóc kỹ càng, khoa học, kiên trì để khắc phục”, ông Huệ chia sẻ.
Ngoài 1ha trồng tiêu, ông Huệ còn trồng xen canh thêm 2ha cây ăn quả cũng theo hướng hữu cơ, một số loại đang cho thu hoạch tốt (Ảnh: Ngô Linh).
Để tránh rủi ro về năng suất cây trồng, ông Huệ cho hay khi trồng tiêu, phải đặc biệt chú ý cung cấp dinh dưỡng và lượng nước đầy đủ cho cây, không được dư thừa.
Ngoài ra, bệnh nguy hiểm nhất cho cây tiêu là bệnh tuyến trùng. Vào mùa mưa bão, bộ rễ cây yếu dễ bị tuyến trùng tấn công gây ra các vết thương, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn khác xâm nhập gây bệnh khiến cây chết dần, sau đó lây lan ra cả vườn.
Dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, thời tiết bất thường nhưng ông Huệ vẫn kiên trì vượt qua, chú trọng khâu phòng bệnh hơn chữa bệnh nhằm giúp vườn tiêu luôn khỏe mạnh, duy trì năng suất cao.
Ngoài ra, ông Huệ còn đầu tư trồng thêm 2ha các loại cây ăn quả như 400 gốc ổi, 100 gốc sầu riêng, 150 cây mãng cầu, 200 cây bưởi, 50 cây mít… theo hướng hữu cơ. Với giá bán 15.000-50.000 đồng/kg tùy loại sản phẩm; hàng năm, tổng mô hình kinh tế vườn của ông Huệ cho lãi ròng hơn 300 triệu đồng.
Theo ông Hồ Anh Trung – Chủ tịch xã Quế Long, từ sự chăm chỉ, cần cù và mạnh dạn đổi mới trong sản xuất, ông Phan Văn Huệ đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, cấp huyện.